Vì sao nước ngoài dùng thuốc trị sốt rét để trị COVID-19, Việt Nam 'nói không'?

Thời sự - 04/28/2024

Ngành y của Mỹ, Úc, Trung Quốc... đang thử nghiệm thuốc, trong đó có thuốc dùng để chữa sốt rét, để điều trị dịch cúm corona chủng mới. Tuy nhiên, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng thuốc này để tự điều trị bệnh COVID-19. Vì sao có sự khác biệt này?

Virus khác với vi khuẩn, vì chúng rất nhỏ được gọi là siêu vi, chỉ có thể quan sát bằng kính hiển vi điện tử. Virus là loài bắt buộc sống ký sinh, 'ăn nhờ ở đậu' bên trong tế bào của ký chủ mà chúng xâm nhiễm.

Nhìn bằng kính hiển vi điện tử, SARS-CoV-2 có dạng hình cầu với các que proteins S bao quanh bên ngoài, trông siêu vi như quả cầu gai. Các que protein S là thành tố quan trọng, sẽ bám vào bề mặt của tế bào mà nó tìm cách xâm nhiễm, tìm ra chỗ để kết nối và thâm nhập.

Siêu vi chỉ xâm nhiễm tế bào ký chủ của nó thông qua gắn vào thụ thể đặc hiệu. SARS-CoV-2 có ái lực đặc biệt với thụ thể ACE2 (angiotensin-converting enzyme 2) có ở tế bào mô phổi. Thế nên không lấy làm lạ SARS-CoV-2 thích gây bệnh ở phổi. Việc đầu tiên sau khi gắn vào tế bào đích ở mô phổi là chúng nhân bản tạo ra SARS-CoV-2 mới càng nhiều càng tốt. Để nhân bản, chúng phải dùng đến 'bộ máy' RNA là cấu trúc di truyền của chúng theo các giai đoạn sau: gắn vào thụ thể ACE2 và xâm nhập tế bào bằng cách trút bỏ lớp vỏ và hòa nhập bộ gien RNA vào bên trong tế bào bị nhiễm; dựa vào nguyên liệu sẵn có của tế bào ký chủ, virus tổng hợp nguyên liệu để tạo RNA mới; bên trong tế bào ký chủ, virus tìm cách nhân lên thành nhiều virus mới; cuối cùng các virus mới trưởng thành được phóng thích khỏi tế bào bị nhiễm để xâm nhập vào các tế bào khác của cơ thể.

Ta cần biết, các nguyên tố chất khoáng, như chất khoáng kẽm (Zinc, ký hiệu nguyên tố Zn), rất cần cho sự sống và có mặt trong các tế bào của cơ thể người. Khi vào bên trong tế bào, gien RNA từ trong lõi của virus SARS-CoV-2 cần được nhân lên, phải có một loại protein gọi là RNA-dependent RNA Polymerase (RdRP) do virus tiết ra đảm nhiệm và đặc biệt, phải có nồng độ kẽm thích hợp có trong tế bào ký chủ. Khi nồng độ của kẽm cao hơn mức bình thường trong tế bào thì RdRP sẽ không hoạt động được, dẫn đến quá trình nhân lên của SARS-CoV-2 bên trong tế bào bị ức chế, tức virus ngưng hoạt động và chết đi.

Cơ chế vừa kể ở trên chính là cơ chế mà hydroxycloroquin (biệt dược Plaquenil) trị được SARS-CoV-2 do các nhà khoa học Pháp phát hiện, đưa đến có một số nhà khoa học Trung Quốc, Pháp… tán dương việc dùng hydroxycloroquin trị COVID-19. Bởi vì, hydroxycloroquin là thuốc trị sốt rét nhưng có tính chất 'mang ion kẽm' (zinc ionophore). Chính khi ta uống hydroxycloroquin, hydroxycloroquin vào trong cơ thể sẽ gắn với kẽm và mang kẽm vào bên trong tế bào nhiễm SARS-CoV-2, làm nồng độ kẽm tăng lên quá nhiều, thế là virus ngưng hoạt động và chết đi.

Vì sao nước ngoài dùng thuốc trị sốt rét để trị COVID-19, Việt Nam 'nói không'?

Cẩn trọng với thuốc hydroxycloroquin (Plaquenil)

Hydroxycloroquin được dùng trong điều trị từ năm 1951, được giới chuyên gia biết đến là một thuốc điều trị các bệnh do kí sinh trùng sốt rét gây ra. Thuốc nằm trong Danh sách các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sau đó, nó còn được sử dụng điều trị các bệnh miễn dịch hệ thống như viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis), lupus ban đỏ (SLE), viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis), - những căn bệnh miễn dịch có rất ít thuốc điều trị hiệu quả hiện nay.

Nếu chỉ dùng hydroxycloroquin để trị sốt rét hay trị các bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm khớp vảy nến thì đó là những chỉ định đã được chấp thuận, cho phép, dĩ nhiên thuốc được bác sĩ ghi đơn và hướng dẫn sử dụng, chứ người dân không thể tự sử dụng.

Còn hydroxycloroquin được dùng trị COVID-19 thì là chuyện khác. Một bác sĩ gốc Việt ở Mỹ cho biết: 'Cần nên biết, quá trình chấp thuận (approval) từ cơ quan quản lý thuốc (như FDA Mỹ) của một loại thuốc cần nhiều bước, trải qua nhiều giai đoạn rất nhiêu khê. Đặc biệt, có bao gồm thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn thử trên cả hàng ngàn người và tiếp tục theo dõi sau khi bán ra thị trường một thời gian gọi là thử nghiệm lâm sàng thứ tư hậu mãi. Trường hợp phải dùng hydroxycloroquin (Plaquenil) trị COVID-19 là trường hợp dùng khẩn cấp để trị bệnh 'đại dịch', dựa vào các nghiên cứu đã có, trong đó có nghiên cứu về cơ chế tác dụng, trong trường hợp này FDA Mỹ có thể đồng ý dùng Plaquenil dạng 'sử dụng mở rộng' (Expanded Access) trong trường hợp bệnh COVID-19 'nặng'. Các bác sĩ ở nước ngoài cũng thường sau một số nghiên cứu đi đến 'đồng thuận' dùng thuốc 'ngoài các chỉ định đã được công nhận' (off label). Có thể xem dùng hydroxycloroquin (Plaquenil) trị Covid-19 là dùng thuốc 'off label'.

Xin được nhấn mạnh, thuốc hydroxycloroquin (Plaquenil) phải cần có đơn bác sĩ chỉ định sử dụng cho COVID-19 trong trường hợp hết sức đặc biệt ở nước ngoài. Đây là loại thuốc đặc trị, cần có bác sĩ chuyên khoa phòng chống dịch COVID-19 theo dõi trong suốt thời gian dùng. Ở nước ta, hydroxycloroquin/cloroquin chưa được ngành y tế cho phép trị COVID-19, người dân không nên tự ý đi mua hydroxycloroquin (Plaquenil) hoặc thuốc cùng nhóm với nó là cloroquin để uống trị hay để phòng bệnh, vì các lý do sau:

Liều điều trị của hydroxycloroquin hay cloroquin rất gần với liều độc. Chỉ cần dùng quá liều một ít thôi là bị ngộ độc, thậm chí có thể tử vong. Vì dễ ngộ độc nên thuốc thường được một số người nghĩ quẫn, tuyệt vọng dùng để tự tử. Cách nay khá lâu, diễn viên Lê Công Tuấn Anh đã dùng cloroquin tự tử và đã mất. Mới đây, nhiều báo đã thông tin: 'Một bệnh nhân nam, 44 tuổi, đã uống 15 viên chloroquine (loại 250mg) để tự đề phòng COVID-19, phải vào cấp cứu tại BV Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng mờ mắt, nôn nhiều, suy hô hấp. Các bác sĩ đã điều trị giải độc cho bệnh nhân…'.

Kế đến, thuốc gây nhiều tác dụng phụ có hại; như dùng cloroquin có thể làm hỏng võng mạc mắt, có thể gây trụy tim (cardiac failure), rối loạn nhịp tim (kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ), và cũng có thể gây phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, họng. Thuốc bắt buộc phải dùng theo chỉ định và có sự theo dõi của bác sĩ là vì thế.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua, tích trữ và sử dụng thuốc điều trị sốt rét chứa choroquin/hydroxycloeroquin để điều trị, dự phòng COVID-19.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!