Theo ông Trường Bình, chủ một cửa hàng kinh doanh hải sản tươi sống ở quận Bình Thạnh, TP HCM: 'Bằng mắt thường, khi chọn mua, bạn nhìn vào mang cá còn đọng máu là cá tươi. Ngược lại, mang không đỏ nhưng nhìn cá vẫn rất tươi, chắc chắn đã được ướp qua hàn the'.
Bằng kinh nghiệm cá nhân, ông Bình cũng khuyên người mua hãy quan sát cách người bán ướp đá cho cá. Nếu cá tươi, người bán thường bày hàng với rất nhiều đá để giữ cá tươi lâu; còn cá đã ướp hàn the thì thường không cần ướp với nhiều đá nữa.
Mặc khác, cá khi nấu nếu nổi những bọt đen trên mặt nước, đồng thời xương cá cũng đen thì là cá đã qua ướp hàn the. Với cá tươi, khi nấu không xuất hiện bọt đen trên mặt nước, xương có màu trắng.
Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của a-xít boric. Đây là một chất sát khuẩn, được dùng trong chăm sóc y tế để diệt khuẩn và nấm nhẹ. Hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ Y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó.
Dùng nhiều hàn the có thể gây ngộ độc cấp và mạn tính. Nó có thể gây trầm cảm, làm tổn thương thận, rối loạn chức năng, bất lực... Theo một số tài liệu, hàn the làm teo dịch hoàn và không loại trừ khả năng gây ung thư.
Nếu dùng nhiều, hàn the tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính. Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vảy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!