Việc nên làm khi mắc cảm cúm

Cần biết - 11/24/2024

Cảm cúm là bệnh nhiễm virut cấp tính của đường hô hấp trên và là bệnh hay gặp, nhất là ở người có sức đề kháng kém trong đó có trẻ em, người cao tuổi.

Thời tiết thay đổi, chuyển mùa khiến dễ mắc cảm cúm hơn và điều đặc biệt là cảm cúm thường kéo dài hơn. Vì vậy, việc chăm sóc đúng cách và phòng bệnh là vô cùng cần thiết.

Dễ lây nhiễm

Cảm cúm lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hay do nhiễm virut trong môi trường. Bệnh thường lây trong vòng 2-4 ngày đầu của bệnh.

Bệnh có thể lây nhiễm trực tiếp do người bệnh thường có virut ở bàn tay do tự tiếp xúc với chất tiết ở mắt và mũi, sau đó có thể lây cho người khác ít nhất trong vòng 2 giờ. Nếu người cao tuổi, trẻ nhỏ mắc cảm cúm do tiếp xúc trực tiếp cũng có thể lây nhiễm cho người không mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh cảm cúm cũng lây nhiễm gián tiếp qua đồ dùng trong nhà: một số virut có thể sống lâu nhiều ngày trên bề mặt các vật dụng trong nhà như nắm khóa cửa, đồ chơi. Hoặc hít phải virut trong không khí do người bệnh thải virut ra môi trường qua các giọt nước từ dịch mũi khi thở, ho, hắt hơi.

Việc nên làm khi mắc cảm cúm

Ăn nhiều trái cây giàu vitamin C để phòng cúm.

Bệnh hay tái phát

Bệnh cảm cúm dễ nhận biết nhưng cũng dễ nhầm lẫn và tái phát. Triệu chứng thường xuất hiện sau 1-2 ngày tiếp xúc với nguồn lây. Khi mắc, người bệnh thường bị sung huyết mũi, triệu chứng sung huyết mũi thường nổi bật (nghẹt mũi), có thể có sổ mũi trong, vàng hay xanh. Sốt thường trên 380C trong 3 ngày đầu. Ngoài ra, kèm các triệu chứng khác như đau họng, ho, khó ngủ, chán ăn, niêm mạc mũi sưng đỏ, hạch cổ có thể to nhẹ. Các biểu hiện cảm cúm thường nặng nhất trong vòng 10 ngày đầu. Rất nhiều trường hợp bị cảm cúm tái phát làm cho lầm tưởng rằng đợt bệnh kéo dài cả tháng, nhất là về mùa thu và đông.

Thận trọng với biến chứng

Thông thường, bệnh cảm cúm ít gây biến chứng. Tuy nhiên, một số các biến chứng có thể xảy ra trong đó phải kể đến nhiễm trùng tai, theo nghiên cứu có khoảng 5-15% trẻ bị cảm có biến chứng viêm tai. Đối với trẻ hoặc người cao tuổi dễ bị biến chứng do sức đề kháng kém, khó hồi phục. Trẻ bị sốt sau 3 ngày bị cảm cúm có triệu chứng đau tai, chảy mủ tai. Khi trẻ bị cảm cúm cũng có thể gây triệu chứng khò khè. Những trẻ hoặc người cao tuổi có tiền sử bị suyễn dễ khởi phát cơn suyễn. Ngoài ra, người bệnh có thể bị viêm xoang, viêm phổi, viêm họng, viêm kết mạc...

Không tự ý điều trị

Nhiều người cho rằng sổ mũi, sốt thường nghĩ trẻ viêm nhiễm nên tự mua thuốc điều trị, nhất là cho sử dụng kháng sinh điều này hết sức sai lầm. Kháng sinh không có tác dụng trong điều trị cảm cúm, không có tác dụng trong phòng ngừa bội nhiễm. Kháng sinh có thể cần thiết nếu cảm cúm bị bội nhiễm như viêm tai, viêm phổi, viêm xoang. Nếu tự ý dùng kháng sinh sẽ có nhiều tác dụng phụ của kháng sinh và làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Việc điều trị cảm cúm thông thường điều trị triệu chứng là chủ yếu, nếu sốt > 380C, cần hạ sốt, lau mát. Hằng ngày cần vệ sinh mũi họng bằng cách súc miệng nước muối loãng, chải răng, vệ sinh mũi...sẽ cải thiện triệu chứng bệnh. Ngoài ra, cần uống nhiều nước. Tăng cường ăn uống để nâng cao thể trạng bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ, ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, trẻ nhỏ uống nhiều sữa.

Khi nào cần nhập viện?

Đối với trẻ bị cảm cúm, cần đi khám ngay nếu trẻ có các dấu hiệu như: bỏ ăn, không uống kéo dài. Đối với người bệnh thông thường khi bị cảm cúm thấy khó thở, thở mệt, thở nhanh. Sốt cao không hạ hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày. Tình trạng nghẹt mũi không giảm hay nặng hơn kéo dài ≥ 14 ngày, đỏ mắt, mắt có ghèn vàng. Các dấu hiệu bất thường và các triệu chứng ở tai (đau tai, chảy mủ tai)…, cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị cụ thể.

Phòng bệnh thế nào?

Giữ gìn vệ sinh là phương pháp có ích giúp ngăn ngừa bị nhiễm virut gây bệnh. Cảm cúm thường lây lan qua các giọt nhỏ từ người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi vào không khí, do đó cần vệ sinh đôi bàn tay, tránh tiếp xúc bất cứ ai bị bệnh, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên của bệnh. Đối với người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay trước khi ăn hay chăm sóc cho em bé. Cần làm sạch đồ chơi của bé và núm vú giả thường xuyên. Nếu chăm sóc hoặc ở cùng trẻ bị ho hoặc hắt hơi, cần lấy khăn giấy che và sau đó hủy nó. Vệ sinh nhà ở, phòng ngủ thường xuyên sử dụng chất tẩy rửa để lau các bề mặt. Nếu mắc bệnh, cần hạn chế tiếp xúc nơi đông người, trẻ nhỏ cho nghỉ đi lớp, nghỉ học để tránh lây lan.

BS. Nguyễn Anh Tuấn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!