Viêm âm đạo là tình trạng viêm ở âm đạo có thể gây khí hư, ngứa hoặc đau. Nguyên nhân thường do sự thay đổi cân bằng vi khuẩn âm đạo hoặc nhiễm trùng. Viêm âm đạo cũng có thể do giảm lượng estrogen sau mãn kinh.
Theo Th.S Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, gần 1/6 số phụ nữ có thai ở Mỹ bị viêm âm đạo do vi khuẩn, mặc dù nhiều người không biết mình bị nhiễm, và tỉ lệ nhiễm viêm âm đạo ở phụ nữ Việt Nam khá cao đặc biệt ở vùng nông thôn do điều kiện vệ sinh hạn chế. Hiểu về bệnh này giúp chị em phòng và tránh hậu quả mà căn bệnh có thể gây ra.
Câu hỏi 1:
Em vừa đi khám phụ khoa và được biết mình bị viêm âm đạo. Vậy sau khi ngưng sử dụng thuốc trong thời gian bao lâu thì mới có thể có con? Có con ngay có ảnh hưởng của thuốc hay không?
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào em,
Có rất nhiều loại thuốc điều trị viêm âm đạo và tùy từng nguyên nhân gây viêm âm đạo mà có những thuốc đặt khác nhau. Những thuốc này thường không gây ảnh hưởng đến sự có thai sau này. Còn việc có thai hoàn toàn không phụ thuộc vào thời gian đặt thuốc mà điều này phụ thuộc vào kết quả của việc đặt thuốc đó. Nghĩa là sau khi đặt thuốc, người bệnh đã khỏi viêm hoàn toàn hay chưa và phải để hết viêm mới nên thụ thai. Vì nếu có thai trong khi âm đạo và cổ tử cung đang viêm nặng thì có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Cụ thể, dễ có một số nguy cơ xảy ra như: sảy thai, đẻ non (do viêm nhiễm dễ gây vỡ ối sớm). Vì vậy, sau khi em đã hết một đợt đặt thuốc, nên đến bác sĩ chuyên khoa phụ để kiểm tra lại và để tư vấn là nên có thai hay chưa.
Chúc em thành công!
Câu hỏi 2:
Cháu năm nay 24 tuổi, đã lập gia đình. Cháu bị viêm âm đạo thỉnh thoảng vẫn hay bị ngứa vùng kín. Cháu nghe nói rửa với nước lá chè xanh hoặc lá trầu không sẽ khỏi. Bác sĩ cho cháu hỏi có đúng như vậy không? Liệu bệnh phụ khoa không uống thuốc có khỏi được không? Xin bác sĩ tư vấn giúp cháu.
Cháu xin cảm ơn!
Ảnh minh họa
Trả lời:
Chào cháu,
Theo các nhà khoa học, trà xanh khuyến khích sự phát triển của các chủng vi khuẩn 'có lợi' trong ruột và đại tràng như Lactobacillus và Bifidobacter, đồng thời làm gián đoạn sự lây lan của vi khuẩn Salmonella, Clostridum và các loài gây hại khác. Hợp chất epigallocatechin-3-gallate (EGCG) trong trà xanh làm suy yếu khả năng của các tế bào Candida. Lá trầu không có tác dụng chống lại sự phát triển, gây bệnh của nấm, vi khuẩn, hạn chế tình trạng viêm ngứa vùng kín do các tác nhân này gây ra. Tinh dầu trong lá trầu không có khả năng chống viêm, sát khuẩn, làm lành các vết thương nhanh chóng, do vậy có thể chữa các bệnh do viêm nhiễm hiệu quả.
Đúng là có thể dùng nước lá trà xanh, lá trầu không để làm vệ sinh 'vùng kín’ hàng ngày, nhưng khi dùng phải rửa thật sạch vì hiện nay lá trà xanh và lá trầu không cũng hay bị phun thuốc bảo vệ thực vật. Tuyệt đối không ngâm hay thụt rửa vùng kín bằng nước những lá này vì sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn di chuyển ngược vào trong âm đạo, gây ảnh hưởng đến hệ sinh sản.
Viêm âm đạo có thể được điều trị bằng thuốc đặt âm đạo chứ không nhất phải dùng thuốc uống đâu, cháu ạ. Tuy nhiên, cháu phải đi khám sản phụ khoa để tìm chính xác nguyên nhân gây viêm âm đạo thì điều trị mới hiệu quả được. Cháu không được tự ý dùng thuốc điều trị.
Cháu bị viêm âm đạo và thỉnh thoảng hay bị ngứa vùng kín thì có khả năng cháu bị viêm âm đạo do nấm. Nếu chẩn đoán chính xác cháu bị nấm âm đạo thì cháu phải dùng kháng sinh chống nấm mới khỏi bệnh. Ngoài việc dùng thuốc điều trị, cháu nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín; không được mặc đồ lót ẩm ướt, chật hoặc làm bằng chất liệu không thấm nước; khi vệ sinh vùng kín phải rửa từ trước ra sau. Nếu bệnh viêm âm đạo của cháu cứ tái đi tái lại thì cháu nên hỏi ý kiến bác sĩ và điều trị cho cả chồng cháu.
Chúc cháu hạnh phúc, sớm khỏi bệnh!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!