Định nghĩa
Định nghĩa
Viêm cột sống dính khớp là bệnh gì?
Viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm nhiễm mãn tính ở các khớp của cột sống. Bệnh có thể khiến một số đốt sống trong cốt sống dính lại với nhau và sưng lên, khiến cột sống khó cử động hơn và có thể dẫn đến còng lưng.
Ở một số người, tình trạng viêm cột sống dính khớp cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp khác trên cơ thể như vai, xương sườn, hông, đầu gối, bàn chân, gân và dây chằng. Đôi khi, nó cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác như mắt, ruột, tim và phổi nhưng rất hiếm khi xảy ra.
Những ai thường bị viêm cột sống dính khớp?
Viêm cột sống dính khớp là một bệnh rất phổ biến. Đa số, triệu chứng của bệnh xuất hiện trước 35 tuổi, chỉ 5% có triệu chứng sau 45 tuổi. Bệnh phổ biến nhất ở nam giới và thường sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời nếu mắc phải.
Triệu chứng và dấu hiệu
Triệu chứng và dấu hiệu
Những triệu chứng và dấu hiệu của viêm cột sống dính khớp là gì?
Triệu chứng của viêm cột sống dính khớp thường bắt đầu bằng những cơn đau lưng. Các đặc điểm của những cơn đau này bao gồm:
- Cơn đau tệ nhất thường vào buổi tối và sáng sớm. Thường kèm theo triệu chứng đau cứng khớp. Bệnh nhân có thể bị thức giấc lúc nửa đêm do khó chịu vì những cơn đau.
- Cơn đau thường bắt đầu từ khớp xương vùng chậu (giữa xương chậu và cột sống). Theo thời gian, cơn đau có thể lan ra một phần hoặc tất cả các vùng ở cột sống.
- Phần dưới xương sống của bệnh nhân sẽ trở nên kém linh hoạt. Theo thời gian, bệnh nhân có thể bị khòm lưng về phía trước.
Các bộ phận khác của cơ thể bệnh nhân cũng có thể bị đau nhức và tê cứng, bao gồm:
- Các khớp giữa xương sườn và xương ức.
- Sưng và đau ở các khớp vai, đầu gối và mắt cá chân.
- Sưng ở mắt.
Ngoài ra, người bệnh cũng thường cảm thấy mệt mỏi khi mắc viêm cột sống dính khớp.
Những triệu chứng ít phổ biến hơn bao gồm:
- Biếng ăn;
- Sốt nhẹ;
- Giảm cân.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Liên hệ cho bác sĩ ngay nếu bạn bị đau vùng lưng và mông. Cơn đau tiến triển từ từ, và thường tồi tệ hơn vào buổi sáng hoặc làm bạn thức giấc giữa giấc ngủ.
Ngoài ra bạn nên gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức nếu:
- Mắt của bạn sưng đỏ và đau;
- Nhạy cảm nghiêm trọng với ánh sáng.
- Mờ mắt.
Nguyên nhân
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra viêm cột sống dính khớp là gì?
Nguyên nhân gây bệnh viêm cột sống dính khớp vẫn chưa được biết rõ, nhưng các nghiên cứu đã xác định rằng đây là một bệnh tự miễn. Các nhà khoa học cũng tìm được rằng những người mang gen HLA-B27 có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn những người không có gen này.
Nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm cột sống dính khớp?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp bao gồm:
- Giới tính: nam có khả năng mắc bệnh nhiều hơn nữ.
- Độ tuổi: bệnh thường khởi phát ở đầu giai đoạn trưởng thành.
- Di truyền: đa phần bệnh nhân mắc viêm cột sống dính khớp mang gen HLA-B27. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng vừa phát hiện ra 2 gen khác có khả năng tăng nguy cơ bị viêm cột sống dính khớp là IL23R và ERAP1.
Điều trị
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm cột sống dính khớp?
Hiện nay vẫn chưa có cách chữa hoàn toàn viêm cột sống dính khớp. Các phương pháp điều trị chủ yếu là để giảm đau và giảm tê cứng ở khớp, bao gồm:
Dược phẩm:
Bác sĩ có thể sẽ kê toa các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs) để giúp giảm sưng và đau.
Một số loại thuốc chống viêm không chứa steroid có thể mua ngoài hiệu thuốc như aspirin, ibupropen (Advil, Movin) và naproxen (Aleve, Naprosyn).
Một số loại thuốc mạnh hơn để kiểm soát triệu chứng sưng bao gồm nhóm liệu pháp Corticosteroid (như Prednisone, Sulfasalazine, Methotrexate) hoặc chất ức chế TNF (như Etanercept, Adalimumab, Infliximab, Golimumab).
Phẫu thuật:
Bệnh nhân có thể được yêu cầu phải phẩu thuật nếu có dấu hiệu đau và tổn thương nghiêm trọng ở vùng cột sống thắt lưng hoặc vùng hông.
Tập thể dục:
Tập thể dục có thể giúp cải thiện tư thế đi lại và khả năng hô hấp của bệnh nhân. Các bài tập căng cơ, tăng cường sự dẻo dai có thể ngăn chặn sự dính liền của các khớp ở các vị trí bị viêm và sưng.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm cột sống dính khớp?
Việc chẩn đoán viêm cột sống dính khớp chủ yếu dựa vào tiền sử bệnh án và khám lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra bệnh lý bằng cách chụp X-quang và các loại xét nghiệm khác để có những kết quả chẩn đoán chính xác nhất.
Dựa vào tiền sử bệnh nhân
Để chẩn đoán dựa vào tiền sử bệnh án, bác sĩ sẽ có thể hỏi một số câu hỏi sau:
- Tình trạng đau của bạn đã xuất hiện bao lâu?
- Vị trí chính xác của chỗ đau? Những khớp xương khác ở quanh chỗ đau đó có bị ảnh hưởng không?
- Các cơn đau có đỡ hơn khi bạn tập thể dục không hay tồi tệ hơn như những lúc vừa thức dậy vào buổi sáng?
- Bạn có bị những triệu chứng khác không, như các vấn đề về mắt hoặc mệt mỏi?
- Những thành viên khác trong gia đình bạn có bị đau lưng hoặc viêm khớp không?
- Gần đây bạn có mắc các bệnh về đường tiêu hóa không?
- Bạn có bị bất cứ bệnh phát ban nào, ví dụ như bệnh vẩy nến không?
Khám lâm sàng
Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu và triệu chứng có liên quan đến viêm cột sống dính cơ. Chúng bao gồm các cơn đau dọc theo cột sống, ở khung xương hoặc các khớp xương chậu, gót chân và ngực. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn di chuyển và uốn lưng theo các hướng khác nhau để kiểm tra sự linh hoạt của cột sống, cũng như yêu cầu bạn hít thở sâu để kiểm tra xem có bất kỳ vấn đề gì về việc hô hấp, mở rộng ngực hay không.
Kiểm tra bằng X-quang
Chụp X-quang và MRI có thể được sử dụng để đảm bảo chính xác kết quả chẩn đoán, nhưng các phương pháp này có những hạn chế nhất định. Phương pháp chụp X-quang chỉ cho thấy những tổn thương do viêm nhiễm đã xuất hiện nhiều năm. MRI có thể cho phép bác sĩ chẩn đoán sớm hơn bởi nó có thể cho thấy tổn thương ở các mô mềm và xương.
Các xét nghiệm
Để chẩn đoán viêm cột sống dính khớp, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm máu để kiểm tra gen HLA-B27. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có hạn chế vì việc bạn có gen này hay không không đảm bảo rằng bạn mắc viêm cột sống dính khớp vì đây chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau để đưa ra chẩn đoán chuẩn xác nhất.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm cột sống dính khớp?
Để kiếm soát viêm cột sống dính khớp tốt hơn, bạn cần:
- Dùng đúng liều lượng thuốc.
- Không hút thuốc cũng như không uống rượu bia.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định, hoặc tự ý bỏ thuốc.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!