Viêm gan B

Bệnh A-Z - 11/24/2024

Tìm hiểu về bệnh viêm gan B trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Tìm hiểu chung

Tìm hiểu chung

Viêm gan B là bệnh gì?

Viêm gan B (hay còn gọi là viêm gan siêu vi B) là tình trạng viêm gan lây nhiễm cao, do virus viêm gan B gây ra. Virus này là một trong nhiều loại virus gây viêm và ảnh hưởng đến chức năng gan. Viêm gan B có hai dạng:

  • Viêm gan B cấp tính là bệnh lý ngắn ngày, thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus viêm gan B. Bệnh đôi khi có thể dẫn đến viêm gan B mãn tính;
  • Viêm gan B mãn tính xảy ra dài hạn, khi virus không bị đào thải mà tiếp tục sống trong cơ thể bệnh nhân.

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thường gặp

Những triệu chứng và dấu hiệu của viêm gan B là gì?

Viêm gan B được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không gây ra triệu chứng gì cho đến khi gan của người bệnh đã tổn hại nặng sau nhiều năm mắc bệnh.

Những triệu chứng khi đó bạn có thể gặp bao gồm:

  • Nổi ban;
  • Đau khớp;
  • Mệt mỏi;
  • Vàng da.

Những triệu chứng khác có thể xảy ra bao gồm:

  • Phân có màu xanh xám;
  • Nước tiểu đậm màu;
  • Ngứa ngáy;
  • Chán ăn;
  • Buồn nôn;
  • Sốt nhẹ;
  • Đau bụng;
  • Mạch máu nổi lên trên da như màng nhện (còn gọi là dấu sao mạch).

Bệnh còn có thể dẫn đến triệu chứng nghiêm trọng hơn như xơ gan, cổ trướng (bụng chứa nhiều dịch) và suy gan.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn thấy mình có những triệu chứng và dấu hiệu đã được liệt kê ở trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Ngoài ra bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu nghĩ mình đã bị phơi nhiễm với virus viêm gan B. Nếu bạn được điều trị phòng ngừa phơi nhiễm trong vòng 24 giờ thì khả năng bị mắc bệnh sẽ giảm xuống.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra viêm gan B là gì?

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B là do nhiễm một loại virus tên là virus viêm gan B. Virus này lây lan qua quan hệ tình dục với người bị nhiễm và dùng kim tiêm chưa được khử trùng. Chúng cũng có thể lây truyền thông qua đường máu và dịch của cơ thể người bị nhiễm (như tinh dịch, chất tiết ra từ âm đạo, sữa mẹ, nước bọt, mủ từ vết thương). Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh cũng có thể truyền bệnh cho con.

Nguy cơ mắc phải

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải viêm gan B?

Viêm gan B cấp tính (triệu chứng xuất hiện và phát triển trong thời gian ngắn) được chẩn đoán phần lớn ở người lớn. Viêm gan B chẩn đoán ở trẻ em rất hiếm và thường là mạn tính.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên thế giới ước tính có khoảng 2 tỉ người nhiễm virus viêm gan B. Trong số 250 triệu người nhiễm HBV mãn tính của châu Á – Thái Bình Dương thì Việt Nam chiếm tới 10–14%. Hiện Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ mắc viêm gan B cao của thế giới, từ 8–12%. Trong đó, 10–15% nhiễm virus viêm gan B có diễn biến thành viêm gan mãn tính, sau đó khoảng 25% thành xơ gan và 80% dẫn tới ung thư gan. Ước tính đến năm 2025, sẽ có 40 000 ca tử vong do bệnh này gây ra.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nhiễm viêm gan B?

Virus viêm gan siêu vi B lây lan qua việc tiếp xúc với máu, tinh dịch hay dịch cơ thể của người bị nhiễm. Nguy cơ mắc bệnh của bạn càng tăng nếu có thêm các yếu tố sau:

  • Quan hệ tình dục với nhiều đối tượng hay với người mắc bệnh bệnh viêm gan B mà không dùng biện pháp bảo vệ;
  • Dùng chung kim tiêm khi dùng thuốc truyền tĩnh mạch;
  • Quan hệ đồng giới nam;
  • Sống với người mắc bệnh viêm gan B;
  • Mẹ mắc bệnh viêm gan B có thể truyền sang con;
  • Công việc phải tiếp xúc nhiều với máu người bệnh;
  • Du lịch đến những vùng có tỷ lệ người mắc viêm gan B cao như Châu Phi, Trung và Đông Nam Á, Đông Âu.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị hiệu quả

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm gan B?

Nếu nghi ngờ bạn mắc viêm gan B, bác sĩ sẽ khám bệnh và làm xét nghiệm máu để phát hiện virus trong máu, cũng như cho biết bạn mắc viêm gan B cấp tính hay mãn tính. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu sinh thiết gan (cắt một mẫu nhỏ ở gan) để đem đi xét nghiệm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm gan B?

Bạn nên gặp bác sĩ ngay sau khi bị phơi nhiễm virus viêm gan B để được tiêm huyết thanh miễn dịch viêm gan B. Tiêm huyết thanh trong vòng 12 tiếng sau khi phơi nhiễm có thể giúp bảo vệ bạn khỏi sự phát triển của virus viêm gan B. Nếu không được tiêm huyết thanh kịp thời bạn có thể bị viêm gan B cấp tính hoặc mãn tính.

Các phương pháp điều trị bệnh phụ thuộc vào việc bạn bị:

Viêm gan B cấp tính

  • Bạn có thể không cần chữa trị, bệnh có thể tự khỏi;
  • Bạn sẽ được chăm sóc tại nhà và chỉ nên hoạt động nhẹ nhàng. Nghỉ ngơi hợp lý từ 1 tới 4 tuần sau khi chẩn đoán bệnh sẽ có ích cho việc phục hồi bệnh. Trong khoảng thời gian này, bạn nên tránh tiếp xúc thân mật với người khác, có chế độ ăn nên cung cấp đủ calo, chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể;
  • Ngoài ra, trong 2 tuần từ khi người bị viêm gan B nhiễm bệnh, cần phải tiêm huyết thanh kháng virus viêm gan B cho những người có quan hệ mật thiết với người bệnh.

Viêm gan B mãn tính

Bạn sẽ cần điều trị để giảm các nguy cơ mắc bệnh gan và ngăn chặn khả năng lây lan cho người khác. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Các loại thuốc kháng virus như lamivudine (Epivir), adefovir (Hepsera), telbivudine (Tyzeka) và entecavir (Baraclude) có thể giúp chống lại virus viêm gan B và làm chậm khả năng gây tổn thương cho gan của chúng;
  • Interferon alfa-2b (Intron A): đây là một phiên bản tổng hợp của một hợp chất được cơ thể sản xuất ra để chống lại sự nhiễm trùng. Loại thuốc này chủ yếu được sử dụng cho người trẻ tuổi không muốn trải qua quá trình điều trị lâu dài, hoặc phụ nữ muốn mang thai;
  • Ghép gan: bác sĩ có thể đề nghị phương pháp này nếu gan bạn đã bị tổn hại quá nghiêm trọng. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần gan bị tổn hại và thay vào bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm gan B?

Để hạn chế diễn tiến của bệnh viêm gan siêu vi B, bạn nên:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ và có chế độ ăn uống phù hợp;
  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục;
  • Tránh lây nhiễm cho người khác qua máu và dịch cơ thể bạn;
  • Gọi cho bác sĩ nếu các triệu chứng không biến mất từ 4 tới 6 tuần hoặc triệu chứng mới phát triển;
  • Hỏi bác sĩ về việc tiêm vắc xin cho gia đình và những người thân của bạn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!