Viêm khớp vảy nến phát hiện sớm, tránh tàn phế

Cần biết - 04/29/2024

Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp có liên quan với bệnh vảy nến.

Theo thống kê, tỷ lệ viêm khớp vảy nến chiếm 10-30% bệnh nhân bị vảy nến: 80% trường hợp có viêm khớp xuất hiện sau tổn thương vảy nến. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào, hay gặp nhất ở độ tuổi 30-50. Diễn biến cuả bệnh là phá huỷ khớp dẫn đến mất chức năng vận động. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân do đâu?

Viêm khớp thường xuất hiện nhiều năm sau khi bị vảy nến da, tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện đồng thời, thậm chí trước khi có những tổn thương da. Đây là một bệnh tự miễn, nguyên nhân chưa rõ, có thể do một sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường. Bệnh có tính chất gia đình và có mối liên hệ với kháng nguyên HLA-B27 (thể cột sống), các HLA-DR (thể viêm nhiều khớp). Các tác nhân nhiễm khuẩn, chấn thương có thể là những yếu tố góp phần làm khởi phát bệnh.

Viêm khớp vảy nến phát hiện sớm, tránh tàn phế

Hình ảnh tổn thương trong bệnh viêm khớp vẩy nến.

Cách nhận biết

Các triệu chứng của bệnh vảy nến và viêm khớp mạn tính thường phát triển riêng biệt trên bệnh nhân viêm khớp vảy nến.

Biểu hiện tại khớp có thể nhẹ hoặc rất nặng, hay gặp là sưng, đau, cứng khớp, không đối xứng một vài khớp, điển hình là ở khớp ngón tay; một số ít có viêm nhiều khớp đối xứng hoặc chủ yếu là đau, hạn chế vận động ở cột sống và khớp cùng chậu tùy theo thể lâm sàng. Ngón tay, ngón chân bị sưng toàn bộ một hoặc vài ngón tay hoặc ngón chân (chân hay gặp hơn tay), gặp ở 1/3, thậm chí 1/2 bệnh nhân.

Tổn thương da điển hình bao gồm những chấm, vết hoặc mảng trên nền viêm đỏ, phủ nhiều lớp dễ bong, thậm chí có những mảng tróc vảy, màu trắng đục như nến. Thương tổn nhỏ đường kính vài mm hoặc lan rộng thành mảng. Vị trí có thể gặp ở trên mặt trước của chân, tay, da đầu, ngoài ra còn tìm thấy tổn thương da ở dưới vú, kẽ mông hoặc trong rốn.

Loạn dưỡng móng xảy ra trong khoảng 80% các trường hợp. Những thay đổi trên móng hay gặp là mất màu móng, dày móng, rỗ như kim châm hoặc bong móng.

Các biểu hiện ngoài khớp ít gặp khác: viêm kết mạc, viêm mống mắt, hở van động mạch chủ, loét miệng, niệu đạo...

Nguyên tắc điều trị

Bệnh viêm khớp vảy nến không giống như viêm khớp dạng thấp, chỉ cần điều trị khi triệu chứng xuất hiện. Thông thường, kết hợp điều trị song song các tổn thương da và khớp. Hầu hết các thuốc điều trị viêm khớp cũng có tác dụng trên các tổn thương da.

Kết hợp giữa dùng thuốc và các biện pháp khác: giáo dục bệnh nhân, vật lý trị liệu để hồi phục chức năng vận động; ngoại khoa có thể cần thiết để chỉnh sửa, thay khớp ở giai đoạn muộn.

Với các thể viêm khớp nhẹ, khu trú ở một vài khớp có thể chỉ cần dùng các thuốc kháng viêm không steroid đơn độc hoặc phối hợp với chích corticosteroid tại khớp. Thể trung bình, nặng thường đòi hỏi sử dụng các thuốc điều trị cơ bản như methotrexate và/hoặc các chế phẩm sinh học.

Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ tổn thương da và số lượng khớp viêm. Đa số bệnh nhân có tổn thương khớp nhẹ và khu trú ở một vài khớp. Khoảng 20% bệnh nhân có thể tiến triển nặng và nhanh dẫn đến phá hủy, biến dạng khớp và gây tàn tật nặng.

Việc sử dụng corticosteroid có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nặng bệnh. Cần theo dõi các tác dụng phụ của thuốc, biến chứng nhiễm trùng ở da, phát hiện, điều trị các bệnh phối hợp.

Điều đặc biệt lưu ý, bệnh nhân phải được điều trị tích cực và theo dõi trong suốt quá trình điều trị. Không được điều trị theo mách bảo, không tự ý dừng hay đổi thuốc.

Các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm xét nghiệm định kỳ (tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, creatinine, SGOT, SGPT) 2 tuần trong 1 tháng đầu, mỗi tháng1 lần trong 3 tháng tiếp theo, sau đó 3 tháng làm xét nghiệm/lần.

Lời khuyên của thầy thuốc

Do chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh việm khớp vẩy nến nên chỉ có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa thiệt hại cho các khớp xương. Điều quan trọng là bệnh cần được chẩn đoán sớm để điều trị, nếu không bệnh có thể tiến triển đến tàn phế. Nếu điều trị không đúng, không kịp thời, bệnh nhân có thể bị dính khớp ở tư thế xấu, đặc biệt khớp háng và khớp gối thường bị rất sớm và bị tàn phế từ khi còn rất trẻ.

Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân viêm khớp vẩy nến nên chú ý bảo vệ các khớp xương như thay đổi tính chất công việc, hoạt động có tác động tiêu cực tới khớp. Duy trì cân nặng hợp lý tránh tải trọng quá mức cho khớp. Tập thể dục thường xuyên giúp các khớp xương linh hoạt, dẻo dai hơn. Bệnh có thể gây đau đớn, mệt mỏi nên tìm đến các phương pháp thư giãn như yoga, thiền để hỗ trợ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!