Viêm mủ màng phổi: dễ bỏ sót, nhiều tai biến

Cần biết - 11/24/2024

Viêm mủ màng phổi có thể xảy ra đột ngột, rầm rộ, sốt, đau đầu, mệt mỏi giống cảm cúm nên người bệnh hoặc người nhà dễ bỏ qua dẫn đến bệnh nặng.

Tại sao bị viêm mủ màng phổi?

Viêm mủ màng phổi có thể do nhiều nguyên nhân, nhiều nghiên cứu cho thấy viêm mủ màng phổi có thể xuất phát đầu tiên ở khoang màng phổi hoặc thứ phát sau một số bệnh như: viêm phổi, áp-xe phổi, giãn phế quản, ung thư phổi bội nhiễm, dị vật phổi, nhiễm khuẩn huyết; vết thương và chấn thương ngực gây tràn dịch máu khoang màng phổi.

Vi khuẩn gây viêm mủ màng phổi thường gặp là tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, proteus, vi khuẩn lao, Bacteroides, Salmonella… Tuy nhiên, trên thực tế, căn nguyên để gây nên mủ màng phổi là do vi sinh vật (vi khuẩn, virut và vi nấm), riêng vi khuẩn chiếm tỷ lệ khoảng từ 5 - 10% viêm mủ màng phổi.

Viêm mủ màng phổi thông thường hay gặp là do vi khuẩn phế cầu (S.pneumoniae) nhưng ở các nước đang phát triển thì viêm mủ màng phổi chủ yếu do vi khuẩn tụ cầu vàng (S.aureus). Hiện nay, người ta gặp căn nguyên vi khuẩn gây viêm mủ màng phổi rất đa dạng, ngoài tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu (S.pyogenes) thì còn gặp các vi khuẩn gram âm như Salmonella, Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh)...

Viêm mủ màng phổi: dễ bỏ sót, nhiều tai biến

Tổn thương viêm mủ màng phổi trên phim CT.

Viêm mủ màng phổi: dễ bỏ sót, nhiều tai biến

Đau ngực, ho khan có phải đã mắc bệnh?

Khi bị viêm mủ màng phổi cấp tính, bệnh nhân thường có dấu hiệu như sau: bệnh khởi đầu đột ngột, rầm rộ hoặc khởi đầu bằng những triệu chứng giống như bị cảm cúm. Nếu viêm mủ màng phổi thứ phát do các bệnh khác thì rất khó xác định thời gian khởi phát của bệnh. Giai đoạn toàn phát có các triệu chứng: đau ngực, khó thở, ho khan. Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc gồm sốt cao, đau đầu, mất ngủ, kém ăn, gầy sút, bạch cầu trong máu tăng cao.

Nếu bệnh nhân bị viêm mủ màng phổi bán cấp và mạn tính, xuất hiện sau khi bệnh khởi phát trên 2 tháng nếu không được điều trị, có các triệu chứng: đau ngực, khó thở, ho có đờm hoặc có mủ hôi. Hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc không rầm rộ như ở giai đoạn cấp tính, nhưng toàn trạng bệnh nhân lại suy kiệt nặng, số lượng bạch cầu trong máu tăng vừa, hồng cầu và huyết sắc tố giảm...

Khám thấy hội chứng 3 giảm do dày dính co kéo màng phổi, các xương sườn nằm xuôi và kém di động, các khoang liên sườn hẹp lại, tạo nên một bên ngực cứng đờ và bị kéo thấp xuống hơn so với bên lành. Xquang thấy có khoang cặn ở vùng dưới và sau của màng phổi, có thể thấy hình ảnh khí quản và trung thất bị co kéo về bên tổn thương, cột sống bị vẹo với chiều lõm hướng về bên bị mủ màng phổi.

Dễ bỏ sót

Viêm mủ màng phổi có thể xảy ra đột ngột, rầm rộ, sốt, đau đầu, mệt mỏi giống cảm cúm nên người bệnh hoặc người nhà dễ bỏ qua dẫn đến bệnh nặng. Theo nghiên cứu, trong 90% trường hợp viêm mủ màng phổi khởi đầu bằng biểu hiện ho và sốt, giống như trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thông thường. Những triệu chứng không điển hình này khiến việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu trở nên khó khăn.

Biến chứng do viêm mủ màng phổi

Viêm mủ màng phổi không thể tự hấp thu và khỏi nếu không được điều trị. Trường hợp điều trị tích cực ngay từ giai đoạn cấp tính thì bệnh có thể khỏi sau 2 - 4 tuần và ít để lại di chứng nặng. Nhưng nếu điều trị không tốt hoặc không được điều trị thì mủ màng phổi sẽ trở thành mạn tính và dẫn tới các biến chứng nặng. Mủ từ khoang màng phổi rò qua khe liên sườn vào dưới da rồi sau đó vỡ qua da ra ngoài, tạo thành lỗ rò mủ kéo dài ở thành ngực. Rò phế quản: mủ từ khoang màng phổi vỡ vào nhu mô phổi và rò vào phế quản.

Bệnh nhân đột nhiên thấy đau nhói, khạc ra ít máu, khó thở rồi ộc ra một lượng mủ lớn. Nếu là rò phế quản lớn với lượng mủ nhiều thì bệnh nhân có thể bị ngạt thở cấp tính và thậm chí có thể tử vong. Nếu rò phế quản nhỏ thì bệnh nhân ho và khạc mủ thối kéo dài. Có khi gặp trường hợp vỡ ổ mủ màng phổi vào thực quản hoặc qua cơ hoành vào ổ bụng.

Điều trị

Viêm mủ màng phổi là bệnh lý hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Nếu điều trị sớm, việc điều trị có thể bao gồm dùng kháng sinh hoặc kết hợp kháng sinh với chọc hút dịch mủ bằng kim hoặc dẫn lưu mủ khoang màng phổi.

Trường hợp đến viện muộn, khi dịch mủ đã tạo thành các khoang vách thì chọc hút hay dẫn lưu sẽ không kết quả. Lúc này, bệnh nhân cần được phẫu thuật để làm sạch mủ trong khoang màng phổi, phá bỏ các vách ngăn, tạo điều kiện cho phổi giãn nở. Tuy nhiên, phẫu thuật mở ngực tiềm ẩn nhiều nguy cơ và về lâu dài vẫn ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của người bệnh.

Lời khuyên của thầy thuốc

Với thời tiết như hiện nay, phòng bệnh cần được chú ý, nhất là người già và trẻ nhỏ, nên mặc quần áo vừa phải để không có cảm giác quá nóng hay quá lạnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác. Cần có ý thức giữ vệ sinh chung, phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình. Điều trị tốt các bệnh viêm nhiễm, không hút thuốc lá, thuốc lào. Hằng ngày, cần chú ý đến chế độ ăn phong phú, đủ dinh dưỡng, giàu vitamin C để tăng sức đề kháng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!