Viêm phổi là một bệnh thương tổn tổ chức phổi (phế nang, tổ chức liên kết và tiểu phế quản tận cùng), gây nên do nhiều tác nhân như: vi khuẩn, vi-rút, nấm, ký sinh trùng, hóa chất...Viêm phổi thường được biết đến là một chứng bệnh nguy hiểm phổ biến vào mùa đông.
Tuy nhiên, ngay cả trong mùa hè cũng xuất hiện nhiều yếu tố gây bệnh viêm phổi. Người già sức khỏe suy giảm và trẻ em là hai đối tượng dễ bị viêm phổi trong mùa hè nếu không biết giữ gìn và phòng tránh bệnh.
1. Những tác nhân làm xuất hiện và gia tăng bệnh viêm phổi trong mùa hè
- Đối với trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi):Việc ra mồ hôi để điều nhiệt chưa thật sự tốt, hệ thống thần kinh thực vật dễ bị kích thích làm mồ hôi ra nhiều quá mức cần thiết (đổ mồ hôi trộm). Đồng thời do thời tiết nóng bố mẹ dùng quạt điện trực tiếp thổi gió vào trẻ khi nằm ngủ làm mồ hôi bay hơi nhanh, lấy đi nhiệt lượng làm cơ thể trẻ nhiễm lạnh mặc dù thời tiết nóng bức. Nhiễm lạnh là yếu tố thuận lợi cho các bệnh viêm đường hô hấp trên từ đó có thể dẫn đến viêm phổi.
- Đối với trẻ lớn:Do ăn quá nhiều đồ ăn lạnh, sự thay đổi nhiệt độ cực đoan quá mức gây nên các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm amidan. Và từ các bệnh này nếu không được chữa trị đúng cách sẽ dễ dàng dẫn đến viêm phổi. Đồ ăn lạnh là một nguyên nhân gây viêm phổi cho trẻ lớn vào mùa hè.
Trẻ lớn do thời tiết nóng bức nên nhiều giờ đồng hồ nô đùa ngâm mình trong nước mát, nước tắm có thể vào mũi họng. Đồng thời tắm lâu trẻ dễ bị nhiễm lạnh là một nguy cơ lớn với các bệnh đường hô hấp.
Người già và trẻ nhỏ rất dễ bị viêm phổi trong mùa hè
- Đối với người lớn: Thời tiết nóng bức, lao động làm ra mồ hôi nhiều, mất điện giải và nước nhưng không được bồi phụ đầy đủ làm giảm sức đề kháng. Đồng thời sự thay đổi đột ngột nóng lạnh, (đang nóng bức đổ mồ hôi không nghỉ lại tắm lạnh ngay…). Sự thay đổi đột ngột này dễ dẫn đến viêm đường hô hấp hoặc bị viêm phổi đột ngột.
- Đối với người già: Sức chống đỡ của cơ thể đã kém, phổi bị lão hóa, bị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản, xơ phổi… Cùng với việc thời tiết nóng bức ra mồ hôi nhiều nhưng người già lại ít uống nước làm cơ thể bị thiếu nước rối loạn thể dịch, sức chống đỡ kém, các vi khuẩn hoặc vi-rút sẵn có ở mũi họng chúng tấn công vào đường hô hấp và gây bệnh.
- Việc sử dụng điều hòa nhiệt độ không đúng cách:
Sử dụng điều hòa nhiệt độ trong những ngày thời thiết quá nóng nực là giải pháp để tránh nóng tốt và tiên tiến nhất. Tuy nhiên nếu lạm dụng điều hòa nhiệt độ hoặc sử dụng không đúng cách cũng dễ dẫn đến viêm phổi.
Đối với những người chưa quen ở phòng điều hòa nhiệt độ, nếu ở ngay nhiều giờ liền và nhiệt độ phòng thấp rất dễ bị viêm mũi họng, amidan hoặc viêm phổi cấp.
Đối với những người đã quen với môi trường điều hòa nhiệt độ nhưng để nhiệt độ phòng quá thấp (mức dưới 16 độ), hoặc thay đổi luôn luôn từ môi trường lạnh sang môi trường nóng bức.
- Hậu quả của những kỳ nghỉ làm đảo lộn đột ngột nề nếp sinh hoạt (nhất là trẻ em và người quen ở môi trường được bảo vệ hoàn hảo), thay đổi đột ngột cơ thể không thích nghi kịp. Do thời tiết mùa hè nóng nực nên nhiều gia đình thường tổ chức đi nghỉ mát ở biển, việc tắm biển quá lâu và nắng gió ở vùng biển cũng khiến dễ ốm, sốt, ho … dễ dẫn đến viêm phổi.
2. Đặc điểm của viêm phổi mùa hè
- Viêm phổi mùa hè thường có đặc điểm khởi phát đột ngột: đột ngột sốt cao, khó thở, thở nhanh nông, đau ngực, tức thở hoặc tiến triển nặng ngay biểu hiện là các dấu hiệu suy hô hấp…
- Mùa hè ít bị viêm phổi nhưng khi bị thường có diễn biến nặng nề do bệnh xuất hiện ở những cơ thể suy yếu, trẻ nhỏ sức đề kháng kém, dễ dẫn đến tổn thương lan rộng, khó khống chế, nguy cơ tử vong cao hơn mặc dù bệnh ít bị hơn mùa đông.
Để quạt xối thẳng vào người không tốt cho hệ hô hấp
3. Những dấu hiệu cảnh giác bị viêm phổi trong mùa hè
Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở kèm theo các dấu hiệu sau cần cảnh giác bị viêm phổi mặc dù đang là mùa hè nóng bức:
- Dấu hiệu thở nhanh:
Khi bị viêm phổi, bắt buộc nhịp thở phải tăng lên. Ðây là dấu hiệu quan trọng và có giá trị để phát hiện sớm bệnh, để điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng dẫn đến tử vong, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Để phát hiện thở nhanh, phải đếm nhịp thở trong vòng một phút. Cách đếm như sau: Người lớn ngồi ôm trẻ vào lòng, giữ trẻ ở trạng thái yên tĩnh, không kích thích, không để quấy khóc. Vén áo trẻ lên cho phần bụng và phần ngực được phơi trần. Nhìn vào bụng hoặc ngực của trẻ để đếm, mỗi lần hít vào và thở ra một nhịp. Tính thời gian dựa vào kim giây của đồng hồ: Kết luận là thở nhanh khi:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở trên 60 lần/phút.
- Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi, nhịp thở trên 50 lần/phút.
- Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 60 tháng tuổi, nhịp thở trên 40 lần/phút.
- Người lớn có nhịp thở trên 30 lần phút.
- Dấu hiệu co rút cơ hô hấp: Trẻ co lõm ngực, phần bụng và ngực lõm sâu khi hít vào, cánh mũi phập phồng theo nhịp thở, người lớn có biểu hiện gắng sức khi thở.
- Dấu hiệu thiếu ôxy: Trẻ tím tái, người lớn trắng nhợt nhạt, nói thiếu hơi.
- Người lớn đột ngột đau ngực, tức thở, da nhợt nhạt. Những dấu hiệu trên kèm theo khó thở, sốt, ho, khò khè đờm… cần cảnh giác bị viêm phổi thùy ở người lớn.
- Khi trẻ có những dấu hiệu của viêm họng: Ho, sổ mũi, quấy khóc, kém vui chơi cần chú ý nếu xuất hiện các dấu hiệu trên hoặc các triệu chứng không thuyên giảm cần phải cảnh giác bị viêm phổi mùa hè.
Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa phù hợp để đảm bảo sức khỏe
4. Phòng tránh bệnh viêm phổi trong mùa hè
- Không dùng quạt điện thổi trực tiếp với số lớn vào người trẻ khi ngủ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi.
- Khi trẻ ngủ cần chú ý nếu bị ra mồ hôi nhiều nhất là vùng đầu cần dùng khăn khô mềm để lau chúng đi.
- Không cho trẻ tự ý ăn các đồ lạnh nhiều (kem, đá lạnh), người lớn cần hạn chế uống bia hoặc giải khát lạnh sâu và thời gian uống lâu (uống một hơi dài) làm vòm họng có thời gian bị lạnh nhiều và lâu dễ gây viêm họng….
- Khi lao động ra mồ hôi mất điện giải nhiều cần bù bằng uống nước pha orazon hoặc truyền dịch ringer lactat.
- Cần lau khô mồ hôi và nghỉ ngơi rồi mới tắm lạnh, không tắm đột ngột khi đang ra nhiều mồ hôi.
- Khi mới sử dụng điều hòa nhiệt độ cần có thời gian để thích nghi dần dần, không ở thời gian dài và lạnh sâu ngay. Hạn chế đặt nhiệt độ lạnh chênh quá nhiều so với môi trường xung quanh. Trẻ em nên đặt nhiệt độ phòng trên 25 độ, trong phòng có dụng cụ tưới ẩm, trong ngày cần có thời gian không ở trong phòng điều hòa (tối thiều là được 4 giờ trở lên).
- Khi tổ chức kỳ nghỉ nếu có trẻ nhỏ đi cùng cần lưu ý có những biện pháp chăm sóc phòng bệnh viêm phổi cho trẻ, không nên để trẻ chịu những thay đổi đột ngột lề nếp sinh hoạt và môi trường nắng gió như người lớn…
- Cho trẻ được bú sữa mẹ, bú sớm ngay sau đẻ, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 2 tuổi để đảm bảo sức đề kháng tốt nhất cho trẻ.
Ảnh minh họa: Internet
BS Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!