Viêm phổi ở trẻ nhỏ khi thời tiết thất thường

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Thời tiết chuyển giao xuân - hè nắng mưa thất thường, nhiệt độ và độ ẩm thường xuyên thay đổi đang là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn..

Thời tiết chuyển giao xuân - hè nắng mưa thất thường, nhiệt độ và độ ẩm thường xuyên thay đổi đang là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut, nấm mốc phát triển và gây bệnh. Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị các tác nhân này tấn công nhất. Trong đó viêm tiểu phế quản là bệnh viêm hô hấp cấp thường gặp và có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Thủ phạm gây bệnh là gì?

Tác nhân gây viêm tiểu phế quản thường là do các virut, đứng hàng đầu là virut hợp bào hô hấp (VRS), chiếm 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh. Virut này có 2 điểm là lây lan rất mạnh nên bệnh có khả năng xảy ra thành dịch; người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm RSV nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản. Virut cúm và á cúm cũng gây bệnh cho khoảng 25% số trẻ. Ngoài ra phải kể đến Adenovirus với 10% số mắc.

Viêm phổi ở trẻ nhỏ khi thời tiết thất thường

Virut hợp bào hô hấp là thủ phạm chính

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là 3 - 6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Các bậc cha mẹ cần cảnh giác theo dõi sát khi thấy trẻ có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3 - 5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở.

Khám lâm sàng: Những trẻ đến viện khi thăm khám thường thấy nhịp thở nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực). Nặng hơn nữa trẻ có thể bỏ bú, tím tái. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được điều trị đúng và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trong khoảng 1/5 trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ.

Viêm phổi ở trẻ nhỏ khi thời tiết thất thường

Gây viêm tiểu phế quản ở trẻ.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa. Đặc biệt, sau khi bị viêm tiểu phế quản, đường thở của trẻ sẽ trở nên nhạy cảm hơn nên có khoảng 1/3 trẻ bị viêm tiểu phế quản có thể diễn tiến thành hen sau này. Cần lưu ý là bệnh có thể sẽ nặng hơn, kéo dài hơn, nhiều biến chứng hơn và tử vong cũng cao hơn trong các trường hợp sau: trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch. Đây là những trẻ có yếu tố nguy cơ cần được cho nhập viện sớm khi bị viêm tiểu phế quản.

Chăm sóc trẻ khi bị viêm tiểu phế quản

Nếu bệnh nhẹ: Có thể chăm sóc tại nhà. Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi với 2 - 3 giọt nước muối sinh lý và hút sạch dịch mũi cho trẻ. Cho trẻ dùng thuốc đúng như chỉ dẫn của thầy thuốc. Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ bị hen. Cần đi tái khám đúng hẹn của bác sĩ.

Nếu bệnh nặng: Khi trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng cần cho trẻ nhập viện để điều trị. Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi vào viện, các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm, thuốc giãn phế quản. Kết hợp với lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm dãi. Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh phải dùng thuốc hạ sốt chống nôn, truyền đủ dịch và điện giải theo nhu cầu của trẻ. Cho trẻ ăn đủ chất (nếu trẻ đã ăn bổ sung), nếu còn bú mẹ cho bú nhiều hơn. Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn và cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng.

Trường hợp nặng có suy hô hấp: phải cho thở ôxy, khí dung ẩm, truyền nước, điện giải theo nhu cầu cơ thể. Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp thì phải tiến hành đặt nội khí quản và các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có biểu hiện viêm nhiễm thứ phát, không nên dùng steriod cho trẻ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính hay gặp ở trẻ nhỏ và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong do suy hô hấp, do vậy việc phòng bệnh là quan trọng. Để phòng ngừa bệnh cho trẻ, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi, không để trẻ bị lạnh, giữ cho môi trường sống của trẻ được trong lành. Những trẻ bị các bệnh tim, phổi bẩm sinh càng đặc biệt lưu ý vì trẻ dễ mắc bệnh và tiến triển xấu.

BS. Trần Thị Hạnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!