Việt Nam ghi nhận 85 ca nhiễm COVID-19, Bộ Công thương lên kế hoạch cung ứng hàng hóa vào vùng cách ly

Thời sự - 11/24/2024

Bộ Công thương đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch, khu cách ly sẽ được tiến hành thế nào…

Đêm muộn 19/3, Bộ Y tế thông báo có thêm 9 ca mắc COVID-19 vừa được phát hiện tại Việt Nam, nâng tổng số ca ghi nhận ở nước ta lên 85 người.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 85 ca mắc COVID-19 - trong đó 16 ca đã chữa khỏi, ra viện. Trong số 69 ca mới phát hiện (từ 6/3), đã có 1 ca khỏi bệnh (âm tính 2 lần, cắt sốt nhiều ngày, các chỉ số bình thường), 4 ca khác đã âm tính lần 1 (2 bệnh nhân ở Đà Nẵng, 1 ca ở TP HCM và 1 ca ở Huế). Hầu hết các ca bệnh được kiểm soát tốt tình hình sức khoẻ.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công thương, 55 địa phương đã có kế hoạch cung ứng hàng hoá vào vùng cách ly theo các cấp độ của dịch bệnh. Trong đó, đã tính đến các tình huống nếu dịch bệnh lan rộng, phức tạp mà phải cách ly nhiều khu vực thì việc đưa các mặt hàng thiết yếu vào vùng dịch sẽ được tiến hành thế nào, các điểm báo hàng sẽ được bố trí ra sao.

'Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc cung ứng hàng hóa ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, kênh phân phối hàng hóa từ các điểm bán xăng dầu, cung cấp điện, đưa hàng vào siêu thị, điểm bán để đến tay người dân… và hiện tại, công tác này đang được tiếp tục và tăng lên thành cấp cao hơn',đại diện Vụ Thị trường trong nước nói.

Việt Nam ghi nhận 85 ca nhiễm COVID-19, Bộ Công thương lên kế hoạch cung ứng hàng hóa vào vùng cách ly

Khu cách ly tập trung thuộc nhà ở cho sinh viên tại KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Phong Thu

Tại Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội cũng đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo diễn biến của dịch bệnh.

Trong đó, thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30%-50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Cụ thể: Gạo 46.485 tấn; Thịt lợn 9.297 tấn; Thịt trâu, bò 2.675 tấn; Thịt gia cầm 3.099 tấn; Trứng gia cầm 62 triệu quả; Dầu ăn 3.070 nghìn lít; Muối ăn, bột canh 356 tấn; Rau củ 51.650 tấn; Thủy hải sản (tươi, đông lạnh) 2.582,5 tấn; Thực phẩm chế biến 2582,5 tấn; Sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 464,85 triệu gói.

Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày. Trong đó, định mức cho 1 người trong 30 ngày là gạo 18kg; Thịt lợn 1,35kg; Trứng gia cầm 15 quả; Muối ăn, bột canh 0.15kg; Thủy hải sản đông lạnh 1,56kg; Thực phẩm chế biến 1,35 kg; Sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 60 gói.

Tổng lượng hàng cần thiết là: Gạo 90 tấn; Thịt lợn 6,75 tấn; Trứng gia cầm 75 nghìn quả; Muối ăn, bột canh 750 kg; Thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn; Thực phẩm chế biến 6,75 tấn; Sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 60 nghìn gói.

Việt Nam ghi nhận 85 ca nhiễm COVID-19, Bộ Công thương lên kế hoạch cung ứng hàng hóa vào vùng cách ly

Bộ Công thương khẳng định đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường, do vậy người dân không nên hoang mang, lo lắng về việc thiếu lương thực, thực phẩm.

Trong chiều hôm qua (19/3), Sở Công thương Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng doanh nghiệp để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường.

Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở đề nghị các địa phương chủ động hướng dẫn nông dân đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại rau ngắn ngày. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Sở chỉ đạo ngành thú y hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, tái đàn theo hướng an toàn sinh học, thực hiện tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để bảo đảm đàn vật nuôi phát triển tốt, kịp thời phục vụ nhu cầu của thị trường. Đồng thời, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ các tỉnh, thành phố để thực hiện các chuỗi cung ứng thực phẩm, bảo đảm đủ nguồn nông sản an toàn phục vụ thị trường Thủ đô.

Bác thông tin Hà Nội phong tỏa cả thành phố vì dịch COVID-19

Liên quan đến việc một số tài khoản mạng xã hội chia sẻ các thông tin cho rằng Hà Nội sắp phong tỏa toàn thành phố vì dịch COVID-19, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định đây là thông tin bịa đặt, không chính xác.

'Hiện Hà Nội đang thực hiện rất tốt các biện pháp cách ly theo khu vực, tuyến phố đối với các ca đã xác định dương tính với COVID-19. Trường hợp phải cách ly rộng nhất là khu phố Trúc Bạch do khu vực này có một số ca lây nhiễm chéo. Người dân tuyệt đối không nên tin vào những lời đồn thổi mà hoang mang, lo sợ', bà Hương nhấn mạnh.

Về việc xử lý các trường hợp thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh, Phó giám đốc Sở TT&TT cho biết nếu xác định được cụ thể cá nhân hay tổ chức nào, sẽ chuyển thẳng cơ quan công an để điều tra xử lý nghiêm theo quy định.

Trong thời gian qua, Công an Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý 44 cá nhân có hành vi đăng tin, bài sai sự thật về dịch COVID-19 trên mạng xã hội, phạt hành chính gần 200 triệu đồng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!