Việt Nam sản xuất được gần hết vắc-xin phòng bệnh nguy hiểm

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Trong 12 loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm triển khai theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, 10 loại vắc-xin được sản xuất trong nước.

Theo ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, sau 4 năm thực hiện Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" (2012-2016), điểm đáng chú ý là hiện nay thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân.

10/12 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là thuốc nội địa, gồm bạch hầu, bại liệt, ho gà, lao, sởi, tả, thương hàn, uốn ván, viêm não Nhật Bản B, viêm gan B (chỉ nhập khẩu hai loại và Qinvaxem và rubella).

Việt Nam sản xuất được gần hết vắc-xin phòng bệnh nguy hiểm

10/12 loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng do Việt Nam tự sản xuất. Ảnh: Tiến Tuấn.

Thuốc sản xuất trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, với 520/953 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường.

Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tăng lên so với trước đây, có những địa phương đã vượt mục tiêu đề án khi có tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như tỉnh Ninh thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm đồng, Long An.

Một số bệnh viện có số lượng mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng nhiều, như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM).

“Các nhà máy dược phẩm đã đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao, thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vắc-xin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao. Chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao, hình thức đẹp không thua kém thuốc ngoại nhập, giá thành rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập cùng loại”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, tính đến năm 2015, đã có 163 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới, một số nhà máy đi đầu đầu tư đã đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như EU, Nhật Bản…

Thạc sĩ Trần Túc Mã, tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, cho hay sau bốn năm thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế, doanh thu từ hệ thống nhà thuốc của đơn vị tăng trưởng tốt, việc triển khai bán hàng tại hệ thống Nhà thuốc được thuận lợi. Đơn vị này có 5 sản phẩm được Bộ Y tế trao tặng danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt”, gồm hoạt huyết dưỡng não, Boganic, Ampelop, dưỡng cốt hoàn.

Trong giai đoạn 2 của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” (2016-2020), Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!