Ảnh minh họa.
Theo WHO, năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi, bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ... theo yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (2005).
WHO gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp. Năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam, và hiện nay là Covid-19.
WHO ghi nhận, Việt Nam đã xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch, tăng cường giám sát, bảo đảm phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.
Để ứng phó hiệu quả hơn với dịch bệnh Covid-19, WHO khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và sẵn sàng kiểm soát dịch bệnh; cần phát hiện sớm, cách ly và xử trí các trường hợp mắc bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn thích hợp; tăng cường giám sát, chia sẻ thông tin minh bạch và kịp thời với WHO như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (2005).
Đối với các khuyến nghị về việc cho học sinh nghỉ học và hủy bỏ các sự kiện công cộng tại Việt Nam, WHO cho rằng, điều này phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan chức năng. Theo tổ chức này, cơ quan chức năng của các quốc gia đưa ra quyết định về các biện pháp bổ sung trong phòng, chống dịch bệnh, ví dụ cho học sinh nghỉ học hoặc hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người căn cứ vào mức độ nguy cơ ở quốc gia đó.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!