PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật – Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, ngoài việc khám sức khỏe, làm các xét nghiệm như chẩn đoán, siêu âm, X quang, CT scan,... việc dựa vào các chất có trong kết quả xét nghiệm máu được coi như các chất chỉ điểm ung thư.
Các chất này là những chất có ở một khối u hoặc được sản xuất bởi một khối u tăng lên trong máu.
Các chất chỉ điểm ung thư sẽ góp phần giúp bác sĩ phát hiện sớm khối u, dự đoán được mức độ phát triển của khối u, tiên lượng, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Dưới đây là lời khuyên của PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật về biện pháp phát hiện sớm 5 căn bệnh ung thư hay mắc ở chị em phụ nữ.
1. Ung thư vú
Ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn 1: cơ hội chữa khỏi lên tới 90%.
Ở giai đoạn 2: cơ hội chữa khỏi bệnh là 80%.
Giai đoạn 3 là 60%.
Nếu chưa di căn ra mô xung quanh và hạch bạch huyết tỷ lệ sống sót là 100%. Còn nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ.
Nếu chị em phụ nữ có những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn như: tiền sử gia đình có chị, em gái, mẹ bị ung thư, người thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, phụ nữ từ 30 tới 45 tuổi trở lên, cần đi khám, kiểm tra sàng lọc định kỳ.
Để phát hiện bệnh sớm cần tự kiểm tra hằng ngày, xét nghiệm máu, ngoài ra chị em nên đi chụp X-quang tuyến vú hoặc siêu âm tuyến vú định kỳ; trong trường hợp có khối u sẽ làm sinh thiết tuyến vú.
Xét nghiệm máu có thể phát hiện bệnh ung thư ở nữ giới (ảnh minh họa: Internet)
Khi xét nghiệm máu, kết quả xét nghiệm CA15-3, CEA và HER2 giúp theo dõi tiến triển của bệnh, hiệu quả điều trị, phát hiện sớm mức độ tái phát đối với những người đã bị ung thư vú.
Riêng HER2 có giá trị trong hướng dẫn điều trị đích. Do vậy khi có khối nghi ngờ tuyến vú, chị em cần chụp xạ hình tuyến vú và chọc hút tế bào.
2. Ung thư cổ tử cung
Triệu chứng điển hình của bệnh này là chảy máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là sau khi giao hợp.
Bệnh có thể gặp ở những người sinh đẻ nhiều lần; có nhiều bạn tình, bị nhiễm vi rút đường sinh dục, đặc biệt là vi rút paplloma; phụ nữ hút thuốc lá, dùng thuốc ức chế, giảm miễn dịch; con gái của những phụ nữ điều trị bằng thuốc chống sảy thai trong thời kỳ mang thai.
Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phái nữ. Nếu được phát hiện sớm, 92% người mắc bệnh này có thể được chữa khỏi.
Tuổi thường gặp ung thư cổ tử cung là 30-59, đỉnh cao là 48-52 tuổi. Bệnh diễn ra âm thầm, không có dấu hiệu cụ thể để nhận biết, chỉ đến khi có những triệu chứng trên lâm sàng như ra máu bất thường không liên quan đến kỳ kinh hay sau khi giao hợp, ra khí hư, hôi, đau bụng vùng chậu, tiểu buốt,… xuất hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Để tầm soát ung thư cổ tử cung, chị em phụ nữ nên tầm soát định kỳ bằng tế bào âm đạo cổ tử cung. Ngoài ra, nếu có nghi ngờ chị em phụ nữ có thể làm xét nghiệm xem có bị nhiễm các virus có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung hay không. Vì theo thống kê thì 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV 16 và 18.
Chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần; siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo; nội soi cổ tử cung; phiến đồ tế bào âm đạo Pap’ smear, xét nghiệm SCC.
Kết quả xét nghiệm SCC có trong máu có thể được sử dụng trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung tế bào vảy. Kết quả này có độ nhạy chẩn đoán là 37% ở giai đoạn 1B, tăng lên 90% ở giai đoạn 4.
3. Ung thư nội mạc tử ung
Ung thư nội mạc tử cung thường được phát hiện ở giai đoạn đầu bởi vì nó thường xuyên tạo ra chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh.
Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung có thể bao gồm: chảy máu sau mãn kinh, kéo dài thời gian hoặc chảy máu giữa chu kỳ, bất thường chảy ra từ âm đạo, đau vùng chậu, đau khi giao hợp,…
Nếu ung thư nội mạc tử cung được phát hiện sớm, loại bỏ tử cung bằng phẫu thuật thường loại bỏ tất cả của ung thư.
Khi làm xét nghiệm máu: HE4 và CA125 giúp dự đoán mức độ xâm lấn của tế bào ung thư vào nội mạc, sự lan ra cổ tử cung và di căn hạch, giúp bác sĩ có thể tiên lượng được mức độ của bệnh.
4. Ung thư buồng trứng
Là loại ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ và được gọi là “sát thủ thầm lặng” đối với phụ nữ trên tuổi 55. Mỗi năm, trên toàn thế giới có hơn 20.000 phụ nữ phát hiện mắc ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng thường không có các dấu hiệu sớm, thường đến giai đoạn muộn mới xuất hiện. Hãy lắng nghe cơ thể mình nếu thấy các dấu hiệu này có thể nghĩ tới ung thư buồng trứng: khó chịu và/hoặc đau ở vùng bụng, vùng chậu dữ dội, kinh nguyệt không đều, lông, tóc mọc quá mức, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc đi tiểu thường xuyên; kém ăn; đầy bụng ngay cả sau bữa ăn nhẹ; tăng hoặc giảm cân không rõ lý do; chảy máu âm đạo bất thường.
Ung thư buồng trứng thường gặp ở những người tiền sử gia đình có mẹ, chị em gái bị bệnh; Những người từ 50 tuổi trở lên; Phụ nữ chưa từng sinh con; bản thân có tiền sử bị ung thư vú hoặc ung thư đại tràng; dùng thuốc kích thích phóng noãn; dùng bột talc nhiều năm; điều trị thay thế hoóc-môn.
Có 1 số bằng chứng cho thấy những phụ nữ điều trị hoóc-môn thay thế sau khi mãn kinh cũng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn 1 chút.
Để phát hiện bệnh sớm, cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần; siêu âm tử cung phần phụ, siêu âm đầu dò âm đạo; chụp CT scaner ổ bụng khi siêu âm có nghi ngờ, làm xét nghiệm máu.
Kết quả xét nghiệm HE4, CA 125, CA15-3 và CA72-4 trong máu sẽ giúp đưa ra kết luận về ung thư buồng trứng. Cụ thể: giá trị chẩn đoán của HE4 ở giai đoạn sớm là 62-83%, giai đoạn muộn là 75-93%;
Giá trị chẩn đoán của CA125 ở giai đoạn sớm là 50%, giai đoạn muộn là 92%. Trong khi giá trị chẩn đoán của CA15-3 chỉ đạt 50-56% và CA72-4 chỉ đạt 63-71%, sự kết hợp các dấu ấn này có thể làm độ nhạy chẩn đoán tăng lên.
5. Ung thư nhau thai (ung thư nguyên bào nuôi)
Ung thư nhau thai có tần suất 1/40.000 phụ nữ có thai, gần 50% sau chửa trứng, 25% sau sảy thai, 22% sau đẻ thường và 2-3% sau chửa ngoài tử cung . Ung thư nhau thai có tỷ lệ 1/120 thai nghén ở vùng Đông Nam Á. Tỷ lệ bệnh tăng lên ở những phụ nữ có mức sống thấp, ở những nước đang phát triển. Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ cao hơn.
Ung thư nhau thai thường rất hay gặp ở những sản phụ sau nạo hút thai chửa trứng. Do vậy, những sản phụ sau chửa trứng cần theo cần phải được theo dõi liên tục, 2 tuần 1 lần trong 3 tháng đầu, 4 tuần 1 lần trong 6 tháng kế tiếp và 8 tuần 1 lần trong 8 tháng tiếp theo.
Ung thư nhau thai có nguồn gốc từ sự đột biến gen của những tế bào hình thành các tổ chức có nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai như: bánh nhau, cuống rốn…
Những dấu hiệu điển hình của ung thư nhau thai là chảy máu âm đạo bất thường, nghén nặng, chân phù nề sớm, bụng to nhanh và lớn hơn nhiều so với tuổi thai,…
Các trường hợp có ra máu bất thường sau sinh, sau sảy thai, sau chửa ngoài tử cung đều nên đến khám phụ khoa, siêu âm và xét nghiệm Beta-hCG theo chỉ định của bác sỹ. Nếu phát hiện sớm thì tiên lượng điều trị thành công rất cao và có khả năng cao bảo tồn tử cung và phần phụ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!