Xin đừng ‘yêu cho roi cho vọt’

Làm mẹ - 11/24/2024

Dùng roi vọt được coi là sự bất lực trong việc dạy con.

Hình ảnh cô bé 4 tuổi Đỗ Thị Kim Ngân bị bố mẹ bạo hành đến biến dạng khuôn mặt, chấn thương sọ não không khỏi khiến nhiều người xót xa. Cái lý do mà hai bậc phụ huynh ấy đưa ra là dạy dỗ con bé không nghe lời. Nếu đứa trẻ nào cũng được dạy dỗ theo kiểu bạo hành như thế, thật không ngạc nhiên nếu có một thế hệ lớn lên mà tâm lý phát triển không thể bình thường.

Xin đừng ‘yêu cho roi cho vọt’

Đánh con không phải là việc hiếm thấy của các bố mẹ Việt, bởi có câu ‘Yêu cho roi cho vọt. ghét cho ngọt cho bùi’, chỉ khác là ‘yêu’ nhiều hay ít. Vì sợ ‘cho ngọt cho bùi’ con sẽ hư nên đánh, mắng, phạt được coi là một hình thức dạy con. Đôi khi do nóng giận không thể kiềm chế, bố mẹ ‘thượng cẳng chân, hạ cẳng tay’ với con cái, hay mang con cái ra trút giận.

Nhưng khi thực hiện điều này, các bậc cha mẹ ít biết rằng, hành động đó sẽ phản tác dụng. Trẻ đau sẽ sinh ra sợ hãi. Một số trẻ 'lỳ đòn' sẽ không còn sợ cây roi. Lời bố mẹ theo đó cũng trở nên vô nghĩa. Trẻ không những không nghe lời mà tiếng nói của bố mẹ dường như không còn trọng lượng.

Như vậy đánh đập, chửi mắng liệu còn có tác dụng dạy con?

Không ít trẻ bướng bỉnh khiến bố mẹ bực mình, cáu giận, thậm chí đánh con. Nhưng nên nhớ, tính cách của con, một phần là bẩm sinh, phần lớn được hình thành trong quá trình dạy dỗ. Dùng roi vọt được coi là sự bất lực trong việc dạy con.

Nếu lỡ không kiềm chế được mà đánh con, bố mẹ nên dành cho con một lời xin lỗi sau đó. Sau đó, hãy chỉ cho con thấy lỗi sai của mình. Một cuộc trò chuyện công bằng và tôn trọng từ hai phía sẽ mang lại sự hiệu quả cao trong việc hiểu và giáo dục con.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

NT

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!