Việc trẻ đi học bị bắt nạt, hành hung ở trường luôn là điều khiến cha mẹ phải lo ngại và có nhiều trường hợp trẻ bị đe dọa không dám kể với bố mẹ những chuyện đã trải qua, và khiến mọi chuyện ngày càng tồi tệ hơn.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội) đã có bài viết chia sẻ về cách cha mẹ dạy con phòng tránh và ứng phó với bạo lực như sau:
'DẠY CON PHÒNG TRÁNH VÀ ỨNG PHÓ VỚI BẠO LỰC
1. CHỌC CHO NÓ TỨC. Nghe phương pháp này có vẻ rất trái tai nhưng đúng thế các mẹ ạ. Nếu con mình hiền, phải chọc cho nó tức lên để nó bùng phát cơn điên khi quá sức chịu đựng. Chỉ khi con nhìn thấy con bùng lên và mọi sự trêu chọc chấm dứt, con mới hiểu phải làm gì khi bị bắt nạt. Tớ ngày xưa cũng thế, khùng lên cái thấy ổn liền nên sau đó đanh đá dần lên.
Tớ đã làm việc này ngay khi con dưới 2 tuổi và làm liên tục. Dì con Péo tiếp tay cho mẹ nó vụ này rất nhiệt tình. Vậy mà, tin không, nó bị trêu liên tục tận hơn 2 năm mới phát khùng lên. Một ngày đẹp trời, nó điên tiết lao vào cắn cấu, đánh dì ầm ầm. Lúc này, tớ xử cả em gái lẫn con. Dặn con không được đánh nhưng cũng cấm dì không trêu cháu nữa. Bước 1 đã xong.
2. KHÔNG BAO GIỜ BẠO LỰC VỚI CON. Với 1 người chẳng bao giờ đánh ai như tớ thì việc này quá dễ. Tuy nhiên, nếu các bố mẹ là người đã từng cáu lên mà đánh ai đó thì cần phải tìm cách xử lý tính cách của mình đi. Bạo lực với con, nó chịu quen rồi, ra đời nó bị ăn đòn thì cũng chịu đựng đó. Đến lúc ấy, nó khổ sở đủ đường, các bố mẹ có phải là đã tiếp tay cho kẻ bắt nạt con mình không?
Tiến sĩ Vũ Thu Hương hiện là Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội)
3. PHẠT NGHIÊM NẾU CON CÓ TÍNH HAY TRÊU CHỌC (LÀM PHIỀN) NGƯỜI KHÁC. Nói chung, ngoài việc hiền quá ra, nếu con hay trêu bạn, hay thích làm phiền người khác thì con cũng sẽ rất dễ bị ăn đòn. Vì thế, các cha mẹ phải xử lý nghiêm các trường hợp con hay trêu chọc và đánh bạn. Phạt thật lực và phạt thứ mà con sẽ thấy tiếc nuối lắm (ví dụ: cả nhà ăn kem mà con nhịn, cả nhà chơi món gì đó mà con ngồi nhìn...). Khi đó con sẽ dần rút kinh nghiệm và bớt trêu chọc làm phiền người khác.
4. LÀM BẠN VỚI CON ĐỂ BIẾT MỌI VIỆC. Khi cha mẹ luôn là bạn bè, con sẽ khắc nói ra mọi chuyện của mình. Nếu cha mẹ luôn xa cách, con sẽ chẳng bao giờ chia sẻ. Luôn nói với con bằng luật nhưng lúc thường ngày thì trêu đùa và chia sẻ mọi thứ trên trời dưới bể với con, nó sẽ coi bố mẹ là bạn. Tôn trọng nó, chia sẻ mọi điều hay dở với nó, nó sẽ thật sự tin tưởng bố mẹ.
5. KHÔNG ĐỂ CON CÔ ĐỘC. Nếu biết con mình khó kết bạn, các bố mẹ phải tạo ra cách để con tự kết bạn. Con ở lớp mà chỉ lủi thủi một mình thì rõ là dễ rơi vào tâm điểm của nhóm thích bắt nạt. Vì thế, phải dạy con kết bạn.
Cách hay nhất là mua cho con độ hơn 10 gói kẹo. Mỗi ngày cho con 1 gói và bảo con phát tặng các bạn bè con thích. Hỏi con về những bạn con đã phát kẹo: mẹ bạn tên gì, nhà bạn có chó/mèo không?... để con buộc phải giao tiếp với bạn. Sau 10 ngày, đứa trẻ liên tục có kẹo đó sẽ có hẳn 1 nhóm bạn chơi chung. Khi đó, bắt nạt nó chẳng dễ tí nào.
6. KHI CON BỊ TẨY CHAY/BẮT NẠT HÃY CỔ VŨ CON TỰ XỬ LÝ. Thường thì khi con bị tẩy chay/bắt nạt, các bố mẹ nóng máu lên thường sẽ lao đến trường để xử hộ con hoặc mách thày cô giáo. Nếu vậy, con sẽ bị trả thù. Việc mình cần làm là bình tĩnh cùng con tìm cách đối phó.
Bố mẹ đừng xui con làm cái này cái kia mà hãy bảo con tự nghĩ cách xử lý. Nếu cần khuyên, chỉ cần nói: Ngày xưa bố/mẹ bị .... bố/mẹ đã làm.... và kết quả là.... Đứa trẻ sẽ tham khảo lời khuyên đó và xử lý một cách tự tin vì nghĩ rằng mình đã tự tìm ra cách chứ không cần ai giúp. Điều này sẽ khiến con mạnh mẽ hơn.
7. DẠY CON ỨNG PHÓ KHI BỊ BẠO HÀNH. Các bố mẹ hãy đặt ra các tình huống khác nhau như túm tóc, đá vào lưng, giật áo.... và bảo con nghĩ cách ứng phó. Tối nào cũng làm việc này thì con sẽ tự hình thành được thói quen tự vệ hết sức bản năng. Đến lúc đó, động vào con chẳng dễ tí nào.
Các mẹ ạ, xã hội mà. Có những bạn đáng yêu thì cũng có những con quỷ đội lốt người. Tìm cách giáo dục con là cách hay nhất để con sống tốt. Chúc các bố mẹ thành công'.
TS Vũ Thu Hương hiện là giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Chị cũng là người thường xuyên chia sẻ những bài viết trên trang cá nhân giúp các bố mẹ hiểu rõ hơn tâm lý trẻ nhỏ hơn cũng như truyền cảm hứng cho nhiều bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy con.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!