Nhức nhối chuyện bạo lực học đường

Nuôi dạy con - 04/27/2024

Thời gian gần đây, bạo lực học đường đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Trên báo chí và tra Google từ khóa “bạo lực học đường” sẽ có ngay hàng ngàn kết quả.

Thời gian gần đây, bạo lực học đường đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Trên báo chí và tra Google từ khóa “bạo lực học đường” sẽ có ngay hàng ngàn kết quả. Những vụ án cực kỳ vô lý như đâm chết bạn vì cái “nhìn đểu”, đùa giỡn dẫn đến giết chết người, hay đánh hội đồng vì bị nhìn đểu, bị đánh hội đồng vì không “tuân lệnh” lớp trưởng… là những vụ việc đau lòng về “vấn nạn” bạo lực học đường hiện nay.

Buồn hơn là những clip được tung lên mạng, bên cạnh chuyện bạo lực còn là thái độ thờ ơ, thậm chí thích thú của các bạn cùng lớp đứng xem.

Dường như đây là hậu quả tất yếu của những vấn nạn trong xã hội: sự xuống cấp về văn hóa trong đời sống, thái độ coi thường các môn học bồi dưỡng đạo đức, thẩm mĩ trong giáo dục, sự lên ngôi của kinh tế và giá trị đồng tiền, giặc tham nhũng và các tệ nạn của người lớn...

Khi xã hội còn quan niệm đẳng cấp bất thành văn, đánh giá con người qua giàu nghèo, bằng cấp, địa vị, công việc sẽ tạo ra những cá nhân tự ti và tự kiêu. Thực trạng bạo lực học đường là do các em nhưng nhìn sâu xa, phải chăng bắt đầu từ người lớn - từ chính bản thân mỗi chúng ta...

Thật đau lòng khi những em học sinh được xem là những người chủ tương lai của đất nước lại có những hành vi bạo lực hay vô cảm ở ngay dưới mái trường của mình hoặc trên đường đi đến trường, về nhà giữa những bạn bè vốn cần được yêu thương, chia sẻ cùng nhau.

Khó có chuyện đánh nhau, gây gổ xảy ra nếu như từng đứa trẻ được gia đình yêu thương và tôn trọng. Các em sẽ tự tin hơn. Nhà trường và gia đình đừng quá đề cao vị thế và thành tích của học sinh giỏi, đừng quá nhiều chỉ trích với những học sinh học yếu và chưa ngoan sẽ tạo ra sự bình đẳng và tôn trọng.

Và khi xã hội mắc bệnh thành tích, cửa quyền cũng ảnh hưởng tới các em, thậm chí là hình ảnh để các em bắt chước, lâu dần sẽ ăn vào tiềm thức. Sự ảnh hưởng nữa từ bên ngoài xã hội là có thật khi mà hiện tượng bạo lực trong xã hội gia tăng. Người ta sẵn sàng dùng nắm đấm, thậm chí là vũ khí trong bất kỳ trường hợp nào.

Gia đình có trách nhiệm trong vấn đề này là tất nhiên vì cha mẹ không thể không biết tâm tính con cái, những biến đổi tâm lý các em nếu có sự quan tâm và giáo dục thường xuyên.

Mải lo làm kinh tế, những bữa cơm chiều thiếu vắng cha mẹ hoặc yêu thương thái quá, đáp ứng mọi yêu cầu của con nhưng không biết con nghĩ gì cũng vô tình làm sai lệch nhân cách trẻ.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục hiện nay dường như chủ yếu dạy chữ, thi đua có nhiều học sinh giỏi, hết cấp vào trường điểm hay vào đại học mà ít dạy người, cung cấp cho các em kiến thức xử lý những tình huống bất cập gặp phải.

Quan trọng hơn, không chỉ cha mẹ là tấm gương cho con cái mà thầy cô cũng phải là tấm gương trước học trò. Khi con yêu cha mẹ, trò kính thầy sẽ tạo cho các em tâm lý không làm điều gì để thầy cô, cha mẹ buồn. Điều này sẽ giúp các em tự điều chỉnh hành vi trước từng hoàn cảnh cụ thể theo hướng tích cực.

Bạo lực học đường - chuyện nhức nhối của cả xã hội hiện nay!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!