Hội chứng mắt khô hoặc bệnh khô mắt là tình trạng khá phổ biến xảy ra khi mắt bạn không tạo ra đủ nước mắt hoặc nước mắt bay hơi quá nhanh. Điều này khiến đôi mắt bị khô, có thể khiến mắt trở nên đỏ, sưng và ngứa.
Hội chứng mắt khô – hay gọi đơn giản theo nhiều người là bệnh khô mắt –thường có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, bạn không nên xem thường vì tình trạng này có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm khác cho đôi mắt của bạn.
Hiểu rõ những triệu chứng và nguyên nhân cũng như cách điều trị sẽ giúp bạn đối phó với chứng khô mắt tốt hơn. Hello Bacsi sẽ giúp bạn có thêm kiến thức qua bài viết sau đây.
Các triệu chứng của hội chứng khô mắt
Đa số những triệu chứng của bệnh khô mắt thường xảy ra nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những trường hợp nặng xảy ra có thể gây đau đớn và dẫn đến các biến chứng về sau.
Các triệu chứng thường ảnh hưởng đến cả hai mắt bao gồm:
- Mắt có cảm giác khô, đau hoặc nhức ngày càng trầm trọng hơn;
- Mắt nóng bừng và đỏ;
- Mí mắt dính chặt vào nhau khi thức dậy;
- Tầm nhìn bị mờ tạm thời. Tình trạng này thường được cải thiện khi bạn nhấp nháy mắt một lúc;
- Một số người cũng có hiện tượng hay chảy nước mắt. Nguyên nhân của hiện tượng này là do mắt đang cố gắng làm giảm bớt sự kích ứng bằng cách tạo ra nhiều nước mắt hơn.
Khi nào thì bạn cần đến lời khuyên y khoa?
Khi bạn thấy mình có các triệu chứng nhẹ nhưng dai dẳng và bạn nghi ngờ nó liên quan đến hội chứng khô mắt, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và kịp thời.
Bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra bạn để xem liệu vấn đề có phải do một tình trạng cơ bản gây nên hay không hoặc họ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia về mắt.
Nếu bạn gặp những triệu chứng nặng, bạn nên đến ngay bệnh viện để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Nguyên nhân gây hội chứng khô mắt
Hội chứng mắt khô có thể xảy ra khi quá trình tạo ra nước mắt phức hợp bị gián đoạn theo một cách nào đó. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân gây nên và hiện nay các nhà khoa học chưa tìm ra một nguyên nhân cụ thể.
Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Bạn sống trong khí hậu nóng hoặc nhiều gió;
- Bạn thường xuyên đeo kính áp tròng;
- Bạn gặp phải một số tình trạng cơ bản nhất định, chẳng hạn như viêm mí mắt;
- Bạn gặp phải các tác dụng phụ của các loại thuốc nhất định như thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu;
- Cơ thể phụ nữ có những thay đổi hormone, chẳng hạn như trong thời kỳ mãn kinh, mang thai hoặc trong khi sử dụng thuốc tránh thai;
Mặc dù tình trạng này có thể ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi, nhưng khả năng mắc phải hội chứng khô mắt tăng lên khi bạn già đi.
Ước tính có tới một trong ba người trên 65 tuổi gặp vấn đề về mắt khô và hội chứng mắt khô phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
Cách điều trị hội chứng khô mắt
Hội chứng khô mắt không phải là một tình trạng nghiêm trọng. Bạn có thể sử dụng các phương pháp sẵn có như:
- Thuốc nhỏ mắt giúp làm bôi trơn mắt;
- Thuốc giảm viêm;
- Nếu cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để tránh cho nước mắt khỏi bị khô một cách dễ dàng.
Nếu hội chứng mắt khô là do một tình trạng cơ bản gây nên thì việc áp dụng các cách điều trị trên sẽ giúp bạn làm giảm các triệu chứng.
Các biện pháp điều trị hội chứng khô mắt giúp kiểm soát các triệu chứng, nhưng không thể đẩy lùi hoàn toàn bệnh khô mắt. Một số người có thể có các đợt tái phát định kỳ và không thể chữa dứt điểm.
Biện pháp điều trị phù hợp cho hội chứng khô mắt phụ thuộc vào việc liệu các triệu chứng có do các nguyên dưới đây gây ra hay không:
- Giảm sự chảy nước mắt;
- Nước mắt bay hơi quá nhanh.
Đầu tiên, bạn nên xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như thuốc. Nếu bạn bị hội chứng mắt khô là do một tình trạng cơ bản gây ra, bác sĩ đa khoa có thể kê toa điều trị hoặc giới thiệu bạn đến một chuyên gia thích hợp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể giúp ngăn ngừa hội chứng khô mắt hoặc giảm bớt các triệu chứng bằng cách thay đổi môi trường, vệ sinh mắt đúng cách và cải thiện chế độ ăn uống hằng ngày.
Hello Bacsi hy vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn về hội chứng khô mắt cũng như việc chăm sóc cơ thể bản thân và gia đình.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Thực phẩm cho đôi mắt sáng khỏe
- Tại sao tầm nhìn bị mờ? (Phần 1)
- Tại sao tầm nhìn bị mờ? (Phần 2)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!