Xử lí khi bị chó mèo cắn

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Trẻ nhỏ bị chó cắn cần được đưa ngay đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được bác sỹ khám và đánh giá cụ thể.

Chó, mèo là những loại vật nuôi gần gũi, thân thuộc với mỗi gia đình Việt Nam. Bình thường chúng là những con vật đáng yêu, dễ thương và thông minh. Nhưng chúng cũng có thể là ổ chứa vi-rút dại. Ở Việt Nam ổ chứa vi-rút dại chủ yếu là chó nhà, hiếm thấy ở mèo. Nguyên nhân chính vẫn là do tập quán nuôi chó ở vùng nông thôn. Trẻ con thường chưa nhận thức được hết những nguy hiểm xung quanh mình nên chúng coi chó, mèo là những người bạn. Điều đó thật sự nguy hiểm do trẻ có thể bị chó cắn bất cứ lúc nào. 

Theo BS. Đinh Thị Thu Hương, vi-rút dại gây tổn thương hệ thần kinh của trung ương của động vật có vú. Bệnh lây truyền do nhiễm vi-rút dại (thường là nước bọt qua vết cắn). Hiện nay chưa có phương pháp điều trị cho người mắc bệnh dại khi đã lên cơn. Người mắc bệnh dại chắc chắn dẫn đên tử vong.

Vậy khi bị chó mèo cắn, chúng ta cần xử lí vế thương như thế nào? Liệu có cần theo tiêm vắc-xin không? BS. Đinh Thị Thu Hương và ThS. Nguyễn Kiên Cường sẽ tư vấn câu hỏi này.

Xử lí khi bị chó mèo cắn

Ảnh minh họa

Câu hỏi 1: Chào Bác sĩ! Con cháu năm nay 2 tuổi, hôm qua trong lúc chơi ở cổng gần nhà thì bị chó nhà hàng xóm cắn, vết cắn không xước hay chỉ máu, chỉ in vết răng. Như vậy con cháu có sao không? Cháu cần làm gì?

BS. Đinh Thị Thu Hương, Bộ Y tế, trả lời:

Chào em,

Khi em bé nhà bạn chẳng may bị chó cắn, trước tiên bạn cần phải giữ thái độ và xử lý vết thương cho trẻ:

- Kiểm tra vết chó cắn trên người trẻ để xác định mức độ nặng nhẹ: 

+ Trẻ bị bao nhiêu vết cắn trên người, ở vị trí nào

+ Vết thương có nặng không? Trẻ chỉ bị chày xước ngoài da hay bị cắn sâu và chảy máu.

- Xử lý tại nhà:

+ Rửa sạch vết thương của trẻ bằng nước xà phòng, nên xả nước mạnh và vết thương trong khoảng 5 phút.

+ Sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn ( cồn 70 độ hoặc dung dịch cồn iod)

+ Băng hờ vết thương bằng gạc sạch, không nên băng kín

+ Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được bác sỹ điều trị

- Tiêm phòng dại:Trẻ nhỏ bị chó cắn cần được đưa ngay đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được bác sỹ khám và đánh giá cụ thể. Khi bác sỹ xem xét vết thương và tình trạng cụ thể của trẻ và cả vật nuôi sẽ quyết định xem có nên tiêm ngừa uốn ván, tiêm vắc xin dại và kháng huyết thanh dại hay không?

- Theo dõi vật nuôi: sau khi trẻ bị chó cắn, bên cạnh việc theo dõi sức khỏe của trẻ, gia đình còn phải theo dõi chó trong vòng 10-14 ngày xem chúng có phát bệnh dại hay không?

Chính vì vậy, qua mô tả của bạn: con của bạn bị chó cắn chỉ in vết răng, nhưng không rõ vị trí nào trên cơ thể? Trẻ bị cắn 1 chỗ hay nhiều chỗ, tình trạng con chó nhà hàng xóm thể nào?

Bạn nên xử lý vết thương cho trẻ theo hướng dẫn trên và cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để có thể khám và có hướngxử trí cụ thể. Bên cạnh đó bạn cũng phải theo dõi sát con chó nhà xóm đó trong 10 ngày đến 14 ngày để xem chó có biểu hiện dại không? 

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho chương trình của chúng tôi.

Chúc bạn và cháu luôn khỏe!

Câu hỏi 2: Thưa Bác sĩ! Em bị mèo cắn đã quá 24 giờ thì có chích ngừa (tiêm phòng) được không? Nếu chích (tiêm) thì liều lượng thế nào? Bao nhiêu mũi tiêm thì đủ một liều? Và một mũi chích thì khoảng bao nhiêu tiền ạ? Em xin cảm ơn Bác sĩ!

Xử lí khi bị chó mèo cắn

Ảnh minh họa

ThS. Nguyễn Kiên Cường, Viện Y học dự phòng Quân đội, trả lời:

Chào em,

Em bị mèo cắn quá 24 giờ hoàn toàn có thể chích ngừa được. Về sơ cứu vết thương cũng như các thông tin khác về bệnh dại em có thể xem trong các bài trả lời liên quan, tôi xin đề cập đến vấn đề sử dụng vắc-xin như câu hỏi của em. Em nên chích ngừa sớm trong vòng 48 giờ đầu tiên thì kết quả phòng bệnh dại sẽ tốt nhất, tuy nhiên quá 48 giờ thì vẫn nên chích ngừa, thời gian chích ngừa càng sớm càng tốt.

Nếu em chưa tiêm phòng bệnh dại bao giờ, thì em cần tiêm tiêm đủ 5 mũi trong vòng 1 tháng. Vắc-xin phòng bệnh dại hiện nay có chất lượng tốt thường được sử dụng là Verorab, của Pháp sản xuất có giá khoảng 200.000 đồng/ 1 lọ (0,5 ml). Có hai cách tiêm bắp và tiêm dưới da. Tiêm bắp tiêm vào ngày 0, 3, 7, 14 và ngày thứ 28, mỗi lần tiêm 0,5ml, (Ngày 0 được hiểu là ngày đầu tiên tiêm vắc xin). Người ta không tiêm dưới da với các trường hợp vết cắn nặng, vết cắn gần cơ quan thần kinh, vết cắn ở đầu mặt, cổ, chi trên, cơ quan sinh dục...

Tiêm dưới da được tổ chức y tế thế giới công nhận tác dụng sinh miễn dịch, liều tiêm thấp hơn và bằng 1/5 với liều tiêm bắp, tức là mỗi lần tiêm là 0,1 ml. Thời gian tiêm cũng khác hơn, với công thức tiêm là 222011 được hiểu là: Tiêm 0,1ml vào 2 vị trí khác nhau vào các ngày 0, 3, 7. Tiêm 1 mũi vào các ngày 28 (hoặc 30) và 1 mũi vào ngày 90; hoặc có thể tiêm theo công thức 22202 tức là tiêm 1ml vào 2 vị trí khác nhau vào các ngày 0, ngày 3, ngày 7, và ngày 28.

Tùy theo vị trí tình trạng vết thương, tình trạng con vật mà bác sĩ có chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại hay không. Em nên đến Trung tâm y dự phòng để được khám và tư vấn và sử dụng vắc xin đúng cách.

Chúc em mạnh khỏe!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!