Xử lý nước ăn, uống trong vùng ngập lụt

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Cách xử lý nguồn nước sạch sau mưa bão.

Vì vậy, một việc hết sức cấp bách và cần thiết là phải xử lý tốt nguồn nước cho ăn uống và sinh hoạt, tránh để xảy ra dịch bệnh do mưa lũ và ngập lụt kéo dài.

Trong trường hợp giếng nước bị ngập mà không có nước mưa để sử dụng thì phải lấy nước ngập để xử lý. Các bước xử lý nguồn nước như sau:

Bước 1: Làm trong nước

Dùng phèn chua với liều lượng 1 gam phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào chum, vại, lu, khạp hay thùng nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.

Xử lý nước ăn, uống trong vùng ngập lụt

Cán bộ y tế xử lý nguồn nước bị ô nhiễm.

Bước 2: Khử trùng bằng hóa chất

Sau khi đã làm trong nguồn nước cần tiến hành bước tiếp theo là khử trùng nước bằng cloramin B: Thường dùng cho các hộ gia đình, cloramin B được đóng gói dưới dạng viên hàm lượng 0,25 gam, 1 gam hoặc viên khử aquatabs 67mg. Loại này rất tiện lợi cho việc khử trùng thể tích nước nhỏ như: chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước và 1 viên aquatabs 0,67g có thể khử trùng được 20 lít nước trong.

Khử trùng bằng hóa chất bột (cloramin B, clorua vôi): Thường được khử trùng các nguồn nước cấp cho tập thể, các giếng nơi tập trung dân tránh lũ và phải do cán bộ y tế chỉ đạo thực hiện.

Cách tính lượng hóa chất cần thiết để khử trùng dựa trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg/lít. Ví dụ: Một thùng nước 30 lít thì cần 0,3g bột cloramin B loại 27% clo hoạt tính hoặc 0,4g clorua vôi 20% hoặc 0,12g clorua vôi 70% (HTH) để khử trùng. Có thể dùng thìa canh để đong bột hóa chất khử trùng, mỗi thìa canh đầy tương đương 10g. Như vậy, để khử trùng 300 lít nước cần khoảng 1/3 thìa bột cloramin B thông thường (27%).

Cách khử trùng: Hòa tan lượng hóa chất cần thiết vào một gáo nước rồi đổ vào bể chứa, trộn đều. Múc nước giếng lên ngửi, nếu không thấy mùi clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột hóa chất trên vào giếng và khuấy đều, cho thêm đến khi nào nước giếng có mùi clo thì thôi. Múc nước tưới lên thành bể chứa để khử trùng. Nước sau khử trùng khoảng 30 phút là sử dụng được.

Sau khi đã làm trong nước và khử trùng bằng hóa chất cần đun sôi nước mới có thể uống được.

Một số lưu ý trong quá trình khử trùng nguồn nước

- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn hoặc các chất hữu cơ trong nước sẽ hấp phụ hết clo hoạt tính và làm mất tác dụng khử trùng của clo.

- Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

- Nếu lỡ cho quá nhiều clo thì chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng. Nước này vẫn phải đun sôi mới uống được.

- Hiện nay, loại hóa chất dùng phổ biến nhất là cloramin B dạng viên 0,25g, dạng bột 27% clo hoạt tính và aquatabs 67mg.

(Theo tài liệu của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế)

Quy trình xử lý nước uống:

Làm trong nước bằng phèn chua hoặc vải => Khử trùng bằng cloramin hoặc clorua vôi => Đun sôi => Uống

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!