Có phải bé bị hăm, xử trí thế nào?
Lê Thu Hoa (Hòa Bình)
Hăm tã là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Việc xử trí không đúng cách dễ khiến tình trạng hăm của trẻ nặng hơn và bội nhiễm. Trẻ bị hăm da thường đau lúc đi tiêu, quấy nhiều, thậm chí kém ăn, ít ngủ...
Hăm ở dạng nhẹ sẽ tự khỏi không cần điều trị. Quan trọng nhất là chú trọng vệ sinh cho bé. Phải rửa sạch vùng kín cho bé ngay sau khi đi vệ sinh bằng nước ấm, thấm khô và thay tã mới. Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm.
Càng hạn chế cho bé dùng bỉm thì càng tốt. Trường hợp hăm tã nhẹ, chỉ cần bôi kem chống hăm vào các vết hăm.
Nên lưu ý lựa chọn kem chống hăm có chứa chất dexpanthenol (chất tiền vitamin B5) hoặc lanolin (chiết xuất từ mỡ cừu tự nhiên), kẽm oxyt để duy trì độ ẩm cho da.
Không dùng phấn rôm để rắc vào chỗ hăm vì có thể làm nặng thêm vùng da đang bị tổn thương. Cũng không nên sử dụng kem thoa có chứa corticoid, trừ trường hợp được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn cách sử dụng.
Nên cho trẻ đi khám chuyên khoa da liễu nhi ngay nếu thấy có các dấu hiệu như: tình trạng hăm xấu hơn, lan rộng hơn và không hết sau 2-3 ngày. Hăm lan tới bụng, tay, lưng, mặt. Trẻ sốt, vùng da bị hăm tấy đỏ, nổi mụn, phồng, loét hoặc vết thương đầy mủ... thì có thể vùng da đó đã bị bội nhiễm hay nhiễm nấm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!