Xử trí hăm tã ở trẻ sơ sinh

Nuôi dạy con - 03/28/2024

Hăm tã là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Việc xử trí không đúng cách dễ khiến tình trạng hăm của trẻ nặng hơn và bội nhiễm.

“Thủ phạm” gây hăm tã ở trẻ

Hăm tã là phản ứng của da khi hệ thống bài tiết tại da bị bít kín như đổ mồ hôi nhiều mà không được thông thoáng, nước tiểu đọng lại trong tã bỉm lâu, da bị tổn thương, hăm có thể gây ra mụn nhọt nếu như bé gãi vì ngứa ngáy, da sẽ bị trầy xước, dễ nhiễm khuẩn hoặc có thể nhiễm nấm do ẩm ướt. Hăm tã thường gặp ở trẻ dùng bỉm thường xuyên và tầm từ 3 đến 15 tháng tuổi.

Xử trí hăm tã ở trẻ sơ sinh

Khi mặc bỉm thường xuyên, da bé bị chà xát vào bỉm gây hăm tã.

Nguyên nhân gây hiện tượng hăm tã ở trẻ sơ sinh rất nhiều, nhưng dưới đây là một số “thủ phạm” gây hăm tã phổ biến ở trẻ sơ sinh.

Da bé bị ẩm ướt: Ngay cả những chiếc bỉm có khả năng hút ẩm cao cũng có thể gây ẩm ướt cho vùng da của bé. Nếu trẻ bị ẩm ướt trong thời gian dài, nó sẽ là cơ hội cho vi khuẩn trong phân kết hợp với nước tiểu để gây tình trạng hăm tã. Nếu nhiễm khuẩn nặng hơn thì hăm đã chuyển sang dạng viêm da.

Da bé bị chà xát với bỉm: Da bé bị chà xát vào bỉm cũng là một nguyên nhân gây hăm tã, đặc biệt là với trẻ sơ sinh, da trẻ rất nhạy cảm với hóa chất như hương thơm trong bỉm hay do chất tẩy rửa dùng giặt tã. Da trẻ sơ sinh mỏng manh nên ít có khả năng chống đỡ với chất gây viêm và sẽ dễ bị hăm tã hơn trẻ lớn hơn.

Đồ ăn lạ:Hiện tượng trẻ sơ sinh bị hăm tã do đồ ăn lạ phổ biến nhất là khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Thức ăn mới lạ làm thay đổi thành phần của phân bé khiến cho bé đi đại tiện nhiều hơn bình thường. Vùng da xung quanh hậu môn của bé dễ tấy đỏ và hăm.

Nhiễm nấm:Có trường hợp trẻ hăm tã do nhiễm một loại nấm men hoặc nấm Candida. Nấm Candida rất phổ biến ở trẻ em, có ở mọi nơi trong môi trường. Nó phát triển tốt ở nơi ấm và ẩm, nhất là bên dưới tã lót.

Khi nào cần điều trị?

Khi trẻ bị hăm tã, những dấu hiệu sau thường xuất hiện và có thể thấy bằng mắt thường, đó là: đỏ da ở vùng quấn tã; đỏ da ở xung quang bộ phận sinh dục, kèm theo mùi khai. Vùng da đỏ có thể bắt đầu từ hậu môn của bé sau đó lan dần ra tới mông và đùi, da căng và có lốm đốm đỏ, nếu bội nhiễm thì ở giữa có mủ… Trẻ bị hăm da thường đau lúc đi tiêu, quấy nhiều, thậm chí kém ăn, ít ngủ rất khó chăm sóc.

Nên cho trẻ đi khám chuyên khoa da liễu nhi ngay nếu thấy có các dấu hiệu như: tình trạng hăm xấu hơn, lan rộng hơn và không hết sau 2-3 ngày. Hăm lan tới bụng, tay, lưng, mặt. Trẻ sốt, vùng da bị hăm tấy đỏ, nổi mụn, phồng, loét hoặc vết thương đầy mủ… thì có thể vùng da đó đã bị bội nhiễm hay nhiễm nấm.

Cần điều trị hăm tã đúng cách

Việc điều trị hăm tã cho trẻ còn tùy thuộc tình trạng hăm của trẻ. Hăm ở dạng nhẹ sẽ tự động khỏi không cần điều trị. Nếu được phát hiện sớm và xử lý ngay thì vùng da hăm sẽ nhanh chóng lành lặn. Quan trọng nhất là chú trọng vệ sinh cho bé. Phải rửa sạch vùng kín cho bé ngay sau khi đi vệ sinh bằng nước ấm, thấm khô và thay tã mới. Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm. Dùng khăn ướt có thể làm khô da bé, cần cẩn thận chọn loại không cồn và không mùi. Càng hạn chế cho bé dùng bỉm thì càng tốt. Luôn luôn rửa sạch tay trước và sau khi thay tã cho bé.

Trường hợp hăm tã nhẹ, chỉ cần bôi kem chống hăm vào các vết hăm. Làn da bé yêu có cơ chế bảo vệ vô cùng non yếu. Do đó nên lưu ý lựa chọn kem chống hăm có chứa chất dexpanthenol (chất tiền vitamin B5) để duy trì độ ẩm tối đa cho làn da của bé, giúp da nhanh hồi phục mà không làm khô da hay bong vẩy. Loại thuốc chống hăm có chứa lanolin (chiết xuất từ mỡ cừu tự nhiên) cũng rất tốt. Lanolin có cấu tạo lipid gần gũi với chất bã nhờn của người. Lanolin vừa có chức năng tạo “hàng rào bảo vệ” không cho da bé tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng da như nước tiểu, phân mà lại không ngăn cản sự trao đổi khí ở da bé, giúp da bé luôn khỏe mạnh. Loại kem có thành phần là kẽm oxyt hoặc có chiết xuất hydrocarbon cũng phù hợp để chống hăm cho bé, giữ vùng da bị ngứa không dính nước tiểu.

Không nên dùng phấn rôm để rắc vào chỗ hăm vì có thể làm nặng thêm vùng da đang bị tổn thương. Cũng không nên sử dụng các loại kem thoa có chứa corticoid trừ trường hợp được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn cách sử dụng.

Nếu bị hăm ở dạng nặng hoặc có mủ, tốt nhất là không bôi kem. Sau khi vệ sinh xong, vệ sinh sạch sẽ cho bé rồi nhúng mông của bé vào chậu nước có pha baking soda (một bát nhỏ baking soda vào một chậu nước). Cách này giúp trung hòa axit trong phân và nước tiểu. Sau đó, lau khô bằng khăn mềm.

Với trường hợp nặng, hăm tã có bội nhiễm hoặc do nhiễm nấm ngày càng nặng hơn thì phải đưa bé đi khám để dùng thuốc. Bác sĩ sẽ căn cứ tình trạng bội nhiễm để kê thuốc cho bé. Có thể bé phải dùng thuốc hạ sốt (nếu bé sốt cao), thuốc kháng sinh đường uống khi bội nhiễm lan rộng, sử dụng dung dịch vệ sinh làm sạch vùng da bị tổn thương, kèm thuốc kháng khuẩn bôi tại chỗ có chứa kháng sinh, corticoid. Trường hợp bội nhiễm theo dạng viêm da thì phải cho bé dùng thuốc theo phác đồ trị viêm da.

Nếu hăm tã có dấu hiệu nhiễm nấm thì phải dùng kem chống nấm. Cha mẹ tuyệt đối không sử dụng nhiều loại kem bôi chống hăm mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhi vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng.

Không dùng chung kem chống hăm cho nhiều bé. Nếu ngón tay bạn đã chạm vào vùng da bé bị hăm thì bạn không dùng lại ngón tay đó để lấy kem trong hũ nữa mà dùng ngón tay khác để lấy thêm kem. Nếu có thể, bạn nên để da bé tiếp xúc với không khí trong khoảng thời gian ngắn sau khi thay bỉm. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn và các vết hăm cũng sẽ mau lành hơn.

BS. Hồng Hạnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!