Mụn trứng cá phát triển khi tuyến bã của cơ thể sản xuất quá nhiều chất nhờn. Chất nhờn này kết hợp với tế bào của tuyến bã làm tắc nghẽn các lỗ chân lông.
Biểu hiện của bệnh là nhiều loại tổn thương khác nhau như: nhân mụn, sẩn, mụn mủ, cục, nang… khu trú ở các vị trí tiết nhiều chất nhờn như mặt, lưng, ngực. Để thuận lợi cho công tác điều trị, bác sĩ lâm sàng thường chia tổn thương thành hai loại, đó là tổn thương viêm (mụn bọc, mụn mủ) và tổn thương không viêm (mụn đầu trắng, mụn đầu đen). Cần lưu ý đến tính chất đa dạng trong tổn thương mụn trứng cá để phân biệt với phát ban trứng cá, vốn thường có triệu chứng là các sang thương đơn dạng (sẩn), cùng lứa tuổi và có thể xuất hiện ở vị trí ngoài vùng tiết bã.
Mụn trứng cá thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tuy nhiên, bệnh có xu hướng tồn tại dai dẳng, hay tái phát, với biến chứng thường gặp là sẹo lõm, hoặc sẹo lồi, gây mất thẩm mỹ, làm suy giảm đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có sự liên hệ khá rõ ràng giữa bệnh lý mụn trứng cá và xu hướng trầm cảm đặc biệt là ở người trẻ.
Ở độ tuổi trưởng thành, mụn trứng cá thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới
Các giai đoạn phát triển của mụn trứng cá
Mụn trứng cá phát triển qua 4 giai đoạn
Giai đoạn 1: Tắc nghẽn ống chân lông, các tế bào của tuyến bã và của ống chân lông khi chết sẽ được đào thải ra ngoài qua ống chân lông. Tuy nhiên, khi chúng không được đào thải theo cơ chế tự nhiên thì sẽ gây tắc nghẽn, ngăn chặn sự di chuyển của chất nhờn trong ống.
Giai đoạn 2: Sự hoạt động quá mức của tuyến bã. Lượng chất nhờn sản xuất tại tuyến bã được kích thích bởi hoóc môn, chủ yếu là testosteron. Do việc sản xuất hoóc môn của cơ thể tăng cao nhất vào những năm trưởng thành nên việc sản xuất chất nhờn cũng tăng nhanh. Nam giới thường bị mụn trứng cá nặng hơn nữ ở tuổi trưởng thành do lượng testosteron được sản xuất nhiều hơn. Người ta cũng thấy không có mụn trứng cá ở nam giới khi đã bị cắt bỏ 2 tinh hoàn.
Giai đoạn 3: Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes. Vi khuẩn Propionibacterium acnes hiện diện rất nhiều trên da của bệnh nhân bị mụn trứng cá. Chúng sẽ kết hợp với lượng chất nhờn và các tế bào chết để làm tăng độ nghiêm trọng của mụn và sự sưng tấy ống chân lông.
Giai đoạn 4: Tình trạng sưng tấy của chân lông. Khi vi khuẩn Propionibacterium acnes tấn công lỗ chân lông, bề mặt của ống chân lông sẽ bị sưng tấy. Sự sưng tấy này gây nên mụn trứng cá mủ xuất hiện trên mặt da. Nếu sưng tấy kéo dài và không được chữa trị, các mụn u nang lông nghiêm trọng sẽ phát triển sau đó, dẫn đến nhiễm trùng cũng như tạo sẹo vĩnh viễn.
Một số nguyên tắc trong điều trị mụn trứng cá
Nên hạn chế trang điểm đến mức tối đa:
Nhiều chị em thường trang điểm khi bị mụn vì nghĩ rằng lớp kem phấn sẽ giúp che đi những nốt mụn xấu xí và khiến khuôn mặt trông dễ nhìn hơn. Thế nhưng, trên thực tế cho thấy đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm, khiến mụn trầm trọng thêm và lan rộng ra xung quanh do lỗ chân lông bị bịt kín, da mất đi khoảng thở cần thiết. Tốt nhất, trong khoảng thời gian này hãy hạn chế trang điểm ở mức tối đa. Nếu bắt buột phải trang điểm thì phải trang điểm thật nhẹ, tránh bôi quá dày và cần tẩy trang thật kỹ vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Làm sạch da mặt:
Đây là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bạn có sớm hết mụn hay không. Bởi vì, da mặt bẩn là nguyên nhân hàng đầu khiến mụn xuất hiện và làm mụn trầm trọng hơn. Mỗi ngày bạn nên rửa mặt nhẹ nhàng với sữa rửa mặt 2 – 3 lần/ngày. Sữa rửa mặt sẽ lấy đi hết chất bẩn, bã nhờn và vi khuẩn trên da, giúp da sạch sẽ, thông thoáng, khỏe mạnh hơn. Lưu ý, bạn chỉ nên sử dụng những loại sữa rửa mặt có tính sát khuẩn cao, thành phần chiết xuất từ thiên nhiên và tránh xa sản phẩm rửa mặt có chứa hạt mát-xa.
Không nặn mụn:
Nặn mụn là một việc làm hoàn toàn sai lầm khi bị mụn mà rất nhiều người mắc phải. Không những không làm mụn nhanh hết hơn, mà còn có thể làm vết thương chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn P.acnes tấn công gây viêm nhiễm nặng, khiến mụn lan rộng hơn và dễ để lại sẹo xấu. Chỉ nặn mụn khi mụn đã thực sự chín, nhân mụn trồi lên trên và trong quá trình thực hiện cần đảm bảo vệ sinh, làm sạch tay và dụng cụ nặn mụn, đồng thời phải nặn thật nhẹ nhàng.
Cần tuân thủ điều trị của bác sĩ
Phân loại mức độ mụn trứng cá là hết sức cần thiết để lựa chọn phác đồ điều trị tương ứng phù hợp. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả bạn chỉ nên mua những sản phẩm có chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thành phần chiết xuất từ thiên nhiên. Vì vậy, khi bị mụn trứng cá cần đến cơ sở chuyên khoa da liễu có uy tín để được khám và điều trị. Tuyệt đối không chọn mặt hàng trôi nổi, chứa hóa chất độc hại.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!