Xuất huyết nội: Quái vật thầm lặng đưa đến cửa tử

Sơ cứu & Phòng ngừa - 12/06/2024

Như những cánh hoa hồng rơi rụng, người bệnh có thể phải đối mặt với "con quái vật" xuất huyết nội trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc!

Xuất huyết nội là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến chấn thương. Giống như những cánh hoa hồng rơi rụng tự lúc nào chẳng hay, người bệnh có thể phải đối mặt với “con quái vật” xuất huyết nội trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc!

Bạn hãy cùng tìm hiểu xuất huyết nội là gì, triệu chứng, nguyên nhân và cách chẩn đoán để có thể kịp thời điều trị trước khi quá muộn nhé.

Xuất huyết nội là gì?

Xuất huyết nội: Quái vật thầm lặng đưa đến cửa tử

googletag.cmd.push(function() { googletag.display('div-gpt-ad-1567067149968-0'); });

Xuất huyết nội (internal bleeding) là tình trạng chảy máu bên trong cơ thể khi một mạch máu bị tổn thương. Đối với trường hợp xuất huyết nhẹ, chẳng hạn như vỡ các mạch máu nhỏ gần bề mặt da thường chỉ tạo ra các đốm đỏ nhỏ trên da hoặc vết bầm nhỏ.

Trường hợp xuất huyết nặng thường khó kiểm soát được và có thể đe dọa tính mạng, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới.

Nguyên nhân xuất huyết nội

Bất cứ yếu tố nào làm tổn thương các thành mạch máu đều có thể dẫn đến xuất huyết. Đối với các vết thương nhỏ, cơ thể có thể tạo ra một cục máu đông hình thành từ protein và tế bào hồng cầu để bịt kín các mô bị vỡ và cầm máu. Tuy nhiên, những chấn thương nặng không thể được cầm máu lại bằng cách tạo cục máu đông. Điều này có nghĩa là máu vẫn tiếp tục chảy ra bên ngoài thành mạch hoặc các cơ quan xung quanh.

Nguyên nhân gây xuất huyết có thể do chấn thương, nhưng cũng có thể bị gây ra bởi các yếu tố làm suy yếu thành mạch máu theo thời gian hoặc cản trở quá trình đông máu. Những yếu tố này bao gồm một số điều kiện y tế, thuốc men và thói quen lối sống.

Nguyên nhân tiềm ẩn và các yếu tố nguy cơ gây chảy máu ở mức độ nhỏ đến trung bình bao gồm:

  • Ung thư
  • Hút thuốc
  • Vết thương nhỏ
  • Bệnh tiểu đường
  • Mất nước kéo dài
  • Đột quỵ hoặc đau tim
  • Bệnh gan, thận hoặc lách
  • Sử dụng ma túy bất hợp pháp
  • Khả năng đông máu di truyền
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
  • Huyết áp cao mãn tính hoặc dài hạn
  • Sử dụng rượu quá mức hoặc mãn tính
  • Dùng thuốc chống đông máu, corticosteroid, kháng sinh, chống trầm cảm
  • Bệnh đường tiêu hóa gây xuất huyết bao gồm viêm dạ dày ruột, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, bệnh celiac và hội chứng ruột kích thích.

Những nguyên nhân tiềm ẩn của xuất huyết nghiêm trọng hoặc đột ngột bao gồm:

  • Gãy xương
  • Phẫu thuật
  • Phình động mạch
  • Thuyên tắc mạch máu
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Chấn thương tai nạn xe hơi, vết thương đạn…

Nếu bạn gặp phải các tình trạng trên và nghi ngờ bị xuất huyết nội, việc đầu tiên là bạn cần chú ý đến các triệu chứng bất thường và thăm khám bác sĩ ngay để được kiểm tra.

Triệu chứng xuất huyết nội

Xuất huyết nội: Quái vật thầm lặng đưa đến cửa tử

Một trong những lý do khiến xuất huyết nội nguy hiểm là vì tình trạng này không dễ nhìn thấy như chảy máu bên ngoài. Máu là thành phần rất quan trọng đối với hoạt động của mọi cơ quan và mô, tế bào cơ thể, tình trạng mất máu có thể gây ra một loạt các triệu chứng không liên quan đến nhau. Các triệu chứng xuất huyết nội từ mức độ vừa đến nặng bao gồm:

  • Tê liệt
  • Đau ngực
  • Đau đầu nặng
  • Cơ thể yếu ớt
  • Đau cơ và khớp
  • Khó thở hoặc thở nông
  • Có máu trong nước tiểu
  • Choáng váng, chóng mặt
  • Kiệt sức không rõ nguyên nhân
  • Huyết áp thấp hơn bình thường
  • Đau bụng, có thể gây buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy, thường có màu sẫm, nâu hoặc đen
  • Bầm tím, thường xung quanh vị trí xuất huyết
  • Nhầm lẫn, mất trí nhớ hoặc mất phương hướng
  • Gặp vấn đề về thị lực như nhìn mờ, không rõ hoặc nhìn một thành hai

Những trường hợp xuất huyết nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm xuất hiện chỉ trong vòng vài phút, thường là sau chấn thương. Các triệu chứng xuất huyết nặng bao gồm:

  • Co giật
  • Hôn mê
  • Mất ý thức
  • Nôn ra máu
  • Suy nội tạng
  • Nhịp tim nhanh
  • Huyết áp rất thấp
  • Ít hoặc không có nước tiểu
  • Rò rỉ máu từ mắt, tai hoặc mũi
  • Đổ mồ hôi, da ẩm ướt, thường cảm thấy mát khi chạm vào

Xuất huyết nội có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Chẳng hạn như thận bị tổn thương sẽ không thể duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể hay máu oxy không đủ để nuôi dưỡng đầy đủ các động mạch vành sẽ khiến cơ tim bắt đầu chết.

Biến chứng xuất huyết nội

Xuất huyết nội: Quái vật thầm lặng đưa đến cửa tử

Khi cơ thể bình thường, huyết áp và lưu lượng máu ổn định sẽ cung cấp oxy đến các mô của cơ thể để duy trì hoạt động sống. Xuất huyết nội sẽ làm giảm lượng máu, khiến các mô bị thiếu oxy. Cơ thể sẽ bù lại bằng cách cố gắng tăng huyết áp và lưu lượng máu, kích thích nhịp tim tăng. Các mạch máu đến cánh tay và chân co lại để giữ đủ lượng máu đến các cơ quan quan trọng. Khi lượng máu mất quá nhiều kèm theo chấn thương, các mô của cơ thể không nhận được oxy và bắt đầu chết dần.

Khi lượng máu mất quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích, hay còn gọi là sốc xuất huyết, do cơ thể bị mất hơn 20% máu hoặc chất dịch. Tình trạng sốc này có thể đe dọa tính mạng, do mất nước nghiêm trọng làm cho tim không bơm đủ máu đến các bộ phận cơ thể, gây suy cơ quan.

Nếu không được điều trị kịp thời, xuất huyết nội nghiêm trọng hoặc mãn tính có thể dẫn đến suy nội tạng, co giật, hôn mê, chảy máu ngoài và cuối cùng là tử vong. Trong một số trường hợp, ngay cả khi điều trị, xuất huyết nội vẫn có thể đe dọa đến tính mạng.

Cách xử lý khi bị xuất huyết nội

Xuất huyết nội: Quái vật thầm lặng đưa đến cửa tử

Việc phát hiện sớm và điều trị chảy máu trong kịp thời có thể làm giảm nguy cơ biến chứng và giúp người bệnh phục hồi hoàn toàn. Do đó, điều bạn cần làm đầu tiên là đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán càng sớm càng tốt.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán xuất huyết, bác sĩ thường sẽ bắt đầu bằng cách kiểm tra thể chất kỹ lưỡng, đặt câu hỏi về các triệu chứng và xem xét tiền sử y tế cá nhân. Đồng thời xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), để xác định và đánh giá mức độ xuất huyết. Xét nghiệm máu và nước tiểu cũng có thể giúp chẩn đoán và xác định xuất huyết.

Khi xác định được nguồn gốc của xuất huyết, bác sĩ có thể chụp động mạch để nhìn vào bên trong các mạch máu riêng lẻ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng hoặc nguyên nhân của xuất huyết, bác sĩ cũng có thể yêu cầu đo điện tâm đồ (ECG) hoặc X-quang để đánh giá tổn thương hoặc lưu lượng máu đến tim.

Phương pháp điều trị

Mục tiêu đầu tiên của điều trị là tìm ra nơi bị xuất huyết và ngăn chặn tình trạng trở nặng. Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị xuất huyết nội trong dựa trên các yếu tố sau đây:

  • Sức khỏe tổng thể của bạn
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng
  • Nơi cơ quan hoặc mạch máu bị thương

– Trường hợp xuất huyết nhẹ: Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ. Thông thường, cục máu đông sẽ xuất hiện để hạn chế chảy máu để mạch máu tự hồi phục. Theo thời gian, các mô cơ thể xung quanh sẽ tái hấp thu lại lượng máu dư thừa và giảm dần tình trạng viêm.

– Trường hợp xuất huyết từ trung bình đến nặng: Bác sĩ có thể chỉ định vitamin K tiêm tĩnh mạch, truyền máu hay truyền chất điện giải. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của xuất huyết, phẫu thuật có thể là phương pháp cần thiết để hồi phục mạch máu và loại bỏ máu dư thừa.

Để nhanh chóng hồi phục và ngăn ngừa biến chứng, bạn có thể thực hiện vật lý trị liệu. Đồng thời, bạn cũng nên thay đổi lối sống lành mạnh, chẳng hạn như bỏ hút thuốc hoặc uống rượu.

Xuất huyết nội tuy nguy hiểm nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa và giảm thiểu mức độ nghiêm trọng. Chỉ cần bạn phát hiện sớm các triệu chứng bất thường và thăm khám kịp thời, con “quái vật” đáng sợ này sẽ không còn là mối đe dọa tiềm ẩn của bạn nữa!

Hoàng Trí | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Người mắc bệnh sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi? Hãy đọc ngay để biết
  • Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở người lớn cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm
  • Phát hiện sớm triệu chứng sốt xuất huyết

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!