Tôi bị xuất tinh sớm. Trong đơn thuốc điều trị của bác sĩ kê có thuốc fluoxetin. Tôi tra thông tin thì đây là thuốc chống trầm cảm, nhưng còn ngại chưa hỏi lại bác sĩ. Mong quý báo giải thích tại sao tôi lại phải uống thuốc trầm cảm để chữa xuất tinh sớm. Xin cảm ơn.
Nguyễn Văn Thành (Hà Nam)
Xuất tinh sớm (XTS) là một trong các rối loạn tình dục phổ biến ở nam giới. Tỷ lệ nam giới mắc chứng bệnh khó nói này ngày một nhiều, phạm vi lứa tuổi mắc bệnh đang dần trẻ hóa.
Trong các liệu pháp điều trị XTS, việc sử dụng nhóm thuốc chống trầm cảm là liệu pháp tương đối mới, đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ.
Qua đánh giá các yếu tố tác động gây XTS, có nhiều người cho rằng gần như đều do đáp ứng phản xạ tâm lý, tinh thần là chính dẫn đến mất kiểm soát cơ co bóp túi tinh. Nhiều tác giả coi XTS là một sự rối nhiễu serotonin (một chất trung gian hóa học dẫn truyền thần kinh) và các thụ cảm thể (receptor) của nó ở thần kinh trung ương.
Qua quá trình theo dõi và đánh giá tác động của thuốc chống trầm cảm bao gồm: Các thuốc như chất ức chế monoamine oxidase (MAO), thuốc chống trầm cảm ba vòng (chứa hoạt chất amitriptylin, clomipramine) và các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (fluoxetin, paroxetin, sertralin, citalopram...), người ta thấy rằng một số bệnh nhân trầm cảm sau khi dùng thuốc các triệu chứng trầm cảm cải thiện rõ rệt, nhưng lại xuất hiện hiện tượng chậm xuất tinh và giao hợp không xuất tinh.
Điều này đã gây nên sự chú ý của các nhà tình dục học và nam học tập trung nghiên cứu đánh giá tác dụng của các thuốc chống trầm cảm trong việc điều trị XTS.
Cơ chế tác dụng của thuốc fluoxetine và các thuốc cùng nhóm là làm tăng dẫn truyền serotonin và tăng hoạt động của các thụ cảm thể 5-HT chuyên biệt sau synap, có tác dụng làm chậm quá trình xuất tinh. Fluoxetine kích hoạt các thụ cảm thể trên, sẽ làm nâng ngưỡng xuất tinh do đó có hiệu lực chống XTS.
Tại não, nồng độ serotonin tăng giúp bệnh nhân cải thiện được tình trạng lo âu lan tỏa, tự tin hơn trong khi sinh hoạt tình dục, hạn chế được xuất tinh sớm. Còn ở ngoại vi, việc ức chế tái hấp thu serotonin sẽ giúp bệnh nhân tránh được rối loạn co bóp cơ trơn, trong số đó có cơ trơn ở túi tinh khiến tình trạng XTS được cải thiện.
Như vậy, anh cứ yên tâm dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tình trạng bệnh sẽ được cải thiện. Chúc anh thành công!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!