Tuyên truyền về DS-KHHGĐ và bình đẳng giới ở xã Quang Minh (huyện Văn Yên). Ảnh: M.Q
Chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân
Triển khai Chiến lược trong 10 năm qua, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đưa nội dung truyền thông về dân số vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, dưới nhiều hình thức phù hợp.
Các mô hình truyền thông có hiệu quả tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Truyền thông dân số cũng được các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực thực hiện với nội dung phong phú, đa dạng, đồng thời huy động được sự ủng hộ, tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên, nhân viên y tế thôn, bản nỗ lực tuyên truyền tại khu dân cư…
Nhờ có những hoạt động truyền thông hiệu quả, nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về dân số đã có những chuyển biến tích cực: Có tới 95% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có hiểu biết cơ bản về lợi ích của dân số - sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai; 80% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới được tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; 50% thanh niên trước khi đăng ký kết hôn được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của phá thai; 70% người chưa thành niên, thanh niên dân tộc ít người được tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông…
Một yếu tố quan trọng trong công tác dân số trong 10 năm qua ở Yên Bái là mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số đã từng bước củng cố, phát triển đáp ứng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho nhân dân. Ở tuyến huyện, các trung tâm y tế đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu, toàn diện; thực hiện tốt vai trò chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ lưu động tại cơ sở. Tuyến xã đảm bảo tính sẵn có của dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu cơ bản, 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi và đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh. Đối với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, ngành Dân số ở Yên Bái đa dạng các biện pháp tránh thai để tăng sự lựa chọn cho người dân, vừa thực hiện cấp các phương tiện tránh thai ở kênh miễn phí vừa cung ứng qua kênh tiếp thị xã hội và xã hội hóa, đồng thời mở rộng các phương tiện tránh thai phi lâm sàng (thuốc uống tránh thai, bao cao su) thông qua mạng lưới phân phối phương tiện tránh thai phi lâm sàng dựa vào cộng đồng.
Đẩy mạnh mô hình nâng cao chất lượng dân số, tỷ lệ tảo hôn giảm
Các mô hình nhằm nâng cao chất lượng dân số ở Yên Bái đã mang lại nhiều kết quả trong 10 năm qua. Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2009 - 2015 được triển khai tại 15 xã thuộc 4 huyện gồm: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ đưa tỷ lệ tảo hôn tại các xã này giảm tương đối mạnh, từ chiếm 30% tổng số cặp kết hôn vào năm 2010 xuống còn 18,5% vào năm 2015.
Giai đoạn 2016 - 2019, trong điều kiện nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương giảm, mô hình này triển khai tại 24 xã của huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách dân số tại các xã đặc biệt khó khăn. Tuy hiệu quả có bị ảnh hưởng nhưng vẫn giảm tỷ lệ tảo hôn từ 26,1% năm 2016 xuống còn 21,9% vào năm 2019.
Cùng đó, Chương trình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh năm 2013 được hỗ trợ triển khai tại 20 xã của thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Trấn Yên, Yên Bình từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Năm 2019 mở rộng thêm 18 xã, đến nay đã thực hiện gần 16.000 ca sàng lọc trước sinh, khoảng 3.500 ca sàng lọc sơ sinh.
Với mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai từ năm 2010 và hiện đang thực hiện tại 18 xã của 7/9 huyện, thị, thành phố, hàng năm đã có 1.500 em lứa tuổi vị thành niên, thanh niên trên địa bàn các xã mô hình được tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân.
Với những nỗ lực này, công tác dân số của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và thực hành của người dân về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình đã có những chuyển biến tích cực. Quy mô gia đình 2 con ngày một được chấp nhận rộng rãi. Xu thế giảm sinh tiếp tục được duy trì, tỷ suất sinh thô toàn tỉnh giảm từ 19,4%o năm 2011 xuống còn 18,8%o năm 2019. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên bình quân hàng năm khoảng 10% tổng số trẻ sinh.
Ban hành kế hoạch hành động Thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân số của Yên Bái còn một số khó khăn, thách thức. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, mức sinh của tỉnh là 2,74 con/bà mẹ - đứng thứ 3 trong 12 tỉnh có mức sinh cao nhất toàn quốc. Chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn thấp. Mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao so với mức bình quân của cả nước.
Lợi thế của dân số vàng được quan tâm nhưng khai thác chưa có hiệu quả. Dân số của tỉnh bước vào giai đoạn già hóa nhưng chưa có giải pháp đồng bộ để thích ứng. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số có nhiều biến động. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Vừa qua, ngày 20/2/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Hành động Thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 - một kế hoạch hành động thiết thực nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề mới phát sinh của tỉnh theo định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ ngày 22/11/2019 sẽ được thực hiện.
Theo đó, Yên Bái sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân số; đồng thời cũng thực hiện đổi mới công tác truyền thông, vận động về dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Bên cạnh đó, cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo đội ngũ công tác dân số và tranh thủ hợp tác quốc tế cho lĩnh vực này.
Từ năm 2020 đến 2021 sẽ là thời gian xây dựng mô hình, chuẩn bị nguồn lực thực hiện kế hoạch. Từ năm 2020 đến 2025, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu chung nhất là đưa nhanh mức sinh chung của toàn tỉnh về mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số đến ngày 1/4/2019, quy mô dân số tỉnh là trên 821.000 người, trong đó tỷ trọng người 15 - 64 tuổi chiếm 64,6% tổng dân số; số người trên 65 tuổi chiếm 6,8% tổng dân số. Yên Bái đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người phụ thuộc và cũng đã bước vào thời kỳ già hóa dân số theo xu thế chung của cả nước.
Yên Bái đã khống chế được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức 0,2 điểm phần trăm/ năm. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,2 trẻ em trai/ 100 trẻ em gái. Chỉ số phát triển con người của tỉnh đang từng bước được cải thiện...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!