Yêu thích môn Lịch sử: Dễ ợt!

Làm mẹ - 05/06/2024

Nếu có ý thức về lịch sử nước nhà, niềm tự hào dân tộc, nhất định bố mẹ phải giúp trẻ có niềm yêu thích với môn học này.

Có một thực tế là rất nhiều phụ huynh đầu tư cho con học ngoại ngữ từ khi còn học mẫu giáo, nhưng còn môn Lịch sử của nước nhà, dân tộc thì ở trường lớp dạy thế nào có khi cũng không biết. Khi còn nhỏ, trẻ không có khái niệm về Lịch sử, lớn lên môn học này khiến trẻ nhàm chán là điều hiển nhiên.

Học Lịch sử không bao giờ là khó nếu cảm nhận được sự thú vị ngay từ khi còn nhỏ.

1. Đi tham quan… để học

Trẻ con luôn hào hứng với những chuyến đi. Đó là cơ hội để trẻ khám phá nhiều điều thú vị. Bố mẹ nên biết, bất cứ địa danh nào cũng đều có những câu chuyện, giá trị lịch sử. Vì thế, thường xuyên cho trẻ đi tham quan cũng là một cách hay để trẻ có thể hiểu biết về con người và mảnh đất vùng miền. Trước mỗi chuyến đi, hãy tìm hiểu trước về địa danh đó, kể cho trẻ những điều thú vị, đặc trưng, về danh nhân lịch sử. Trẻ sẽ tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên và lâu quên. Nếu trên lớp có bài học nào liên quan, chắc chắn trẻ sẽ hứng thú để trình bày những gì đã được biết.

Yêu thích môn Lịch sử: Dễ ợt!

Bảo tàng vừa là một địa điểm tham quan, vừa là nơi luôn đầy ắp những kiến thức lịch sử thú vị. Ở đó không có những quyển sách đầy chữ, những con số khó nhớ mà có rất nhiều hình ảnh, thước phim, hiện vật sẽ giúp trẻ dễ hình dung và hào hứng.

2. 'Nhuộm' phép màu cho nhân vật lịch sử

Những con số, ngày tháng, trình tự sẽ vô cùng khó khăn để trẻ tiếp nhận và nhớ. Cách hay hơn là để trẻ biết đến lịch sử thông qua những câu chuyện. Với trẻ con, những yếu tố mang tính thần thánh, siêu anh hùng, phép màu luôn có sức hút. Sẽ chẳng sao cả nếu Thánh Gióng có thể bay lên trời, cây nỏ của vua An Dương Vương có thể bắn trăm phát trăm trúng, thanh gươm của thần Rùa có sức mạnh vô biên giúp vua Lê Lợi thắng hàng vạn quân thù…

Tại sao trẻ cứ thích những bộ phim siêu nhân hiện đại trong khi các nhân vật lịch sử Việt Nam cũng tài giỏi không kém? Chỉ là bố mẹ chưa biết cách 'anh hùng hóa, thần thánh hóa' theo sở thích lứa tuổi của trẻ thôi.

3. Học qua truyện tranh, phim hoạt hình

Truyện tranh, phim hoạt hình về đề tài lịch sử có vẻ vẫn đang là những thứ 'thiếu thốn' ở nước ta. Nhưng đừng lấy đó làm lý do để đổ lỗi cho trẻ em không biết gì về lịch sử. Thiếu không có nghĩa là không có. Nếu chịu khó tìm kiếm, bố mẹ có thể tìm được khá nhiều trong các hiệu sách thiếu nhi. Những truyện tranh màu sắc sinh động cũng sẽ hấp dẫn với trẻ. Những năm gần đây, nước ta cũng đã có một bài bộ phim, thước phim tư liệu dưới dạng phim hoạt hình để phù hợp với trẻ em. Không quá khó để bố mẹ có thể tìm trên mạng.

Hãy tìm một mối liên hệ nào đó để trẻ có sự tò mò tìm hiểu về lịch sử. Ví dụ trong ngày Tết, trẻ có thể sẽ thắc mắc là tại sao Tết nào cũng có bánh chưng. Bố mẹ có thể cho trẻ xem phim hoạt hình câu chuyện về chàng hoàng tử Lang Liêu đã nghĩ ra cách làm bánh như thế nào. Trẻ được xem sẽ thích hơn nhiều so với việc bị bắt phải đọc sách.

Yêu thích môn Lịch sử: Dễ ợt!

4. Đơn giản hóa kiến thức

Đừng quá tham vọng, đòi hỏi trẻ phải nhớ vị vua này sinh năm bao nhiêu, anh hùng này đánh thắng bao nhiêu quân địch. Nhồi nhét con số và dữ liệu là cách khiến trẻ 'bội thực' kiến thức và 'phát ngán' với Lịch sử. Nếu không phải là những người học và nghiên cứu chuyên môn thì gần như chẳng ai có thể nhớ được điều đó cả.

Nếu một đứa trẻ có thể biết Văn Miếu là nơi dạy học cho Thái tử và ghi danh các vị Trạng Nguyên, vua Đinh Bộ Lĩnh đánh bại 12 sứ quân và đóng đô ở Hoa Lư, Lý Chiêu Hoàng là vị vua nữ duy nhất của nước ta, hết triều đại nhà Lý là đến triều đại nhà Trần… là cũng có thể coi có kiến thức tốt về Lịch sử rồi. Yêu cầu quá nhiều sẽ khiến trẻ thấy mệt mỏi và muốn 'trốn' học.

5. Đừng phó mặc cho trường lớp

Đây là điều quan trọng nhất để học sinh có thể yêu thích môn Lịch sử ngay ở bậc tiểu học. Bắt đầu từ lớp 4, trẻ mới được tiếp xúc với môn học này. Những năm học đầu tiên, gần như người lớn bỏ quên việc phải dạy lịch sử cho trẻ. Điều đó khiến trẻ tiếp nhận quá nhiều thứ và không thể dành chỗ cho một lĩnh vực hoàn toàn mới và có thể sẽ vô cùng khô khan nếu không biết cách truyền cảm hứng.

Chẳng hạn như, muốn 'thần thánh hóa' nhân vật lịch sử cho trẻ, nhưng đến khi trẻ học lớp 4, 9-10 tuổi rồi thì những câu chuyện đó liệu có còn phù hợp với tâm lý lứa tuổi? Hơn nữa trẻ biết đến các phim ảnh, đồ chơi siêu nhân từ lúc còn nhỏ thì các vị anh hùng lịch sử trong truyện cổ tích, truyền thuyết trẻ còn thấy tài giỏi và yêu thích?

Lịch sử là một môn học vô cùng thú vị nếu biết cách dẫn dắt. Trẻ càng nhỏ thì việc tiếp nhận càng dễ dàng hơn. Hãy dạy trẻ tình yêu, hiểu biết về quê hương, đất nước trước khi những văn hóa, văn minh giao lưu tràn ngập trong tâm trí trẻ. Điều đó, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể làm được.

>> Xem thêm: Để con trở thành thần đồng toán học không khó

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

NT

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!