Nếu phát hiện sớm chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, bạn sẽ có thể giúp trẻ vượt qua trở ngại này một cách nhẹ nhàng thay vì la mắng con.
Bạn nhận thấy con trẻ tăng động quá mức? Bạn lo lắng rằng con bị rối loạn tăng động giảm chú ý? Hãy cùng Hello Bacsi kiểm tra xem con bạn có mắc chứng bệnh này không nhé!
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một dạng rối loạn đặc trưng bởi tình trạng hấp tấp, hiếu động quá mức và giảm sự tập trung chú ý. ADHD thường được chẩn đoán ở trẻ em, tuy nhiên các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý có thể tiếp tục kéo dài cho đến khi các em phát triển đến độ tuổi thiếu niên và trưởng thành.
Có ba kiểu rối loạn tăng động giảm chú ý: hiếu động, bốc đồng và thiếu chú ý. Trẻ em khi mắc bệnh ADHD có thể biểu hiện rất nhiều triệu chứng khác nhau ở cả bé trai và bé gái. Sau đây là 10 dấu hiệu dễ nhận thấy nếu con bạn bị chứng ADHD:
1. Con dễ bị xao nhãng khi học tập: Con bạn thường gặp khó khăn và tốn nhiều thời gian để hoàn thành bài tập về nhà? Trẻ mắc chứng ADHD có thể quên mất nội dung bài học hoặc thường bị xao nhãng bởi các trò chơi tiêu khiển trên mạng Internet, điện thoại. Từ đó, con hình thành thói quen thức quá khuya để có thể hoàn thành bài tập.
2. Con thuộc tuýp học sinh thụ động và tiếp thu chậm: Dù rằng có thể con đã ôn bài ở nhà trước đó, tuy nhiên bạn có thể nhận thấy rằng kết quả kiểm tra không tương xứng với nỗ lực mà con bỏ ra.
3. Con có khả năng đọc hiểu kém: Con có thể nắm bắt được những thông tin từ bài đọc, tuy nhiên lại không thể kết nối các ý chính lại với nhau. Ngoài ra, con có thể đọc sót các thông tin hướng dẫn chi tiết khi làm bài tập về nhà và bài kiểm tra.
4. Con gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp: Con ít hòa đồng với bạn bè xung quanh bởi vì không thể nhận biết các tín hiệu xã hội hoặc không theo kịp cuộc nội dung trò chuyện. Vì thế, bạn bè của con dần có xu hướng tách biệt và cô lập, thậm chí là chế nhạo con.
5. Con rất hay quên các vật dụng: Con thường quên mang theo những vật dụng cần thiết như đồ học thể dục, tập sách… Đây chính là dấu hiệu cơ bản ở trẻ mắc chứng ADHD. Tuy nhiên, những bé gái mắc chứng bệnh này thường xu hướng chơi với những bạn chia sẻ cho trẻ đồ dùng.
6. Con hay bị nhầm lẫn vị trí: Con bạn thường xuyên nhầm lẫn vị trí của các đồ vật như điện thoại, chìa khóa…
7. Con rất hiếu động và sáng tạo: Con có thể nói huyên thuyên suốt cả ngày và không chịu ngồi yên một chỗ. Đặc biệt, con luôn có những ý tưởng sáng tạo và muốn thực hiện chúng ngay lập tức, tuy nhiên lại không có khả năng sắp xếp và làm việc theo trình tự.
8. Con chậm trễ trong sinh hoạt: Con luôn luôn chậm trễ trong sinh hoạt hằng ngày và thường không sẵn sàng vào những lúc cần thiết.
9. Con bướng bỉnh không biết nghe lời: Con có xu hướng cãi lại lời người lớn mỗi khị bị phê bình. Dường như con không thể rút ra kinh nghiệm từ những lỗi lầm đã mắc phải.
10. Tâm trạng của trẻ thường thay đổi thất thường: Có lúc tâm trạng của con cực kỳ vui vẻ nhưng ngay sau đó, con lại trở nên cáu gắt hoặc buồn bã chỉ do một lời nhận xét khiến con bị tổn thương.
Nếu bạn nghi ngờ rằng con có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào của bệnh ADHD, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ nhi khoa để có thể chẩn đoán chính xác nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Con không nên chơi gì khi bị rối loạn tăng động giảm chú ý?
- Các trò chơi hữu ích cho trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý
- Bố mẹ làm gì giúp con vượt qua bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!