Người lớn bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể cảm thấy khó khăn khi làm việc cũng như sinh hoạt hằng ngày. Sau đây là một số mẹo mà để bạn vui sống và đối phó với hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Sắp xếp nhà cửa ngăn nắp
Đừng để bất kỳ điều gì ngỡ như vô cùng đơn giản ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn. Bắt đầu bằng cách sắp xếp đồ vật ngăn nắp, đúng vị trí và ném đi những thứ bạn không cần nữa.
Nếu bạn giữ những vật dụng cần thiết khác nhau, chúng cần phải có chỗ để. Hãy sử dụng tủ hồ sơ, hộp lưu trữ hay bất kì vật gì hữu dụng để chứa chúng và bạn nên nhớ đặt chúng vào chỗ cũ sau khi sử dụng xong.
Bạn nên có một hộp riêng để đựng giấy bỏ đi và những vật dụng không cần thiết và bạn hãy nhớ nên đổ rác đi vào cuối mỗi ngày.
Bạn cũng nên đặt một khay hoặc giỏ lên bàn hoặc kệ sách để giữ cho những vật dụng quan trọng như chìa khóa, ví, đồng hồ, mắt kính và điện thoại gọn gàng hơn và tránh thất lạc chúng.
Kiểm tra các loại giấy tờ định kì
Xây dựng một hệ thống kiểm tra và phân loại thư mỗi ngày. Bạn có thể tự tạo ra một khu vực đặc biệt để giữ tất cả các giấy tờ quan trọng, chẳng hạn như hóa đơn, thông tin bảo hiểm, và giấy tờ ngân hàng. Bạn nên để các tài liệu quan trọng khác vào những khu vực dễ nhớ và xem lại những giấy tờ này ít nhất một lần một tuần.
Quản lí những khoản thu chi của bạn
Quản lý tiền bạc có thể làm khó cho những người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, đặc biệt là nếu bạn có xu hướng mua hàng ngẫu hứng. Vì thế, bạn hãy sử dụng một chiếc máy tính xách tay hoặc sử dụng một thiết bị điện tử hoặc phần mềm tài chính để theo dõi tất cả mọi thứ bạn đã mua, cho dù món hàng bạn mua rất rẻ. Việc biết bao nhiêu tiền mà mình đã chi tiêu mỗi tháng và những khoản đã tiêu vào sẽ giúp bạn quản lý tài chính một cách hiệu quả hơn.
Lên một danh sách việc cần làm mỗi ngày
Mỗi buổi sáng, bạn lên một danh sách những thứ bạn muốn thực hiện ngày hôm đó. Cố gắng thực hiện to-do-list đó, như vậy bạn sẽ có khả năng để làm được tất cả mọi thứ trong kế hoạch. Sắp xếp công việc của bạn theo thứ tự quan trọng từ trên xuống dưới và thực hiện chúng. Gán mỗi công việc cho một thời gian cụ thể trong ngày và hãy nhớ gạch bỏ đi mỗi công việc khi bạn đã hoàn thành nó.
Sử dụng các chương trình hay thiết bị điện tử để nhắc nhở
Quên cuộc họp, deadline, uống thuốc hoặc các nhiệm vụ khác có thể làm công việc và cuộc sống cá nhân của bạn khó khăn hơn. Bạn có thể chuyển chúng vào chương trình máy tính và các thiết bị điện tử khác để cài đặt nhắc nhở bạn về các cuộc hẹn và thời hạn. Ví dụ như bạn có thể cài đặt máy tính hoặc điện thoại thông minh để nhắc nhở bạn năm phút trước mỗi sự kiện quan trọng.
Tránh hiện tượng mất tập trung tại nơi làm việc
Mất tập trung tại nơi làm việc có thể là một thách thức lớn đối với người lớn bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Bạn có thể thử những cách sau để lấy lại sự tập trung:
- Chuyển các cuộc gọi đến vào hộp thư thoại để không gây mất tập trung khi bạn phải liên tục nghe điện thoại, sau đó kiểm tra vào một thời điểm cố định nào đó trong ngày;
- Bạn nên làm việc trong một không gian yên tĩnh, vì vậy bạn không bị phân tâm bởi những người khác;
- Sử dụng tai nghe để át đi những âm thanh ồn ào tại nơi làm việc;
- Chỉ nhận một nhiệm vụ tại một thời điểm. Không nên ôm đồm nhiều việc sẽ dẫn đến việc khó sắp xếp thời gian để hoàn thành chúng. Vì thế, bạn nên biết cách nói lời từ chối khi phải nhận nhiệm vụ mới mà chưa làm xong nhiệm vụ cũ.
Chiến đấu với sự chán nản
Nhiều người bị rối loạn tăng động giảm chú ý dễ dàng cảm thấy chán nản – đặc biệt là trong công việc thường ngày hoặc công việc phải làm nhiều với giấy tờ. Điều này, có thể làm cho bạn cảm thấy khó khăn và có thế cảm thấy không muốn làm việc nữa. Hãy thử những lời khuyên sau:
- Chia các nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn;
- Giữa các nhiệm vụ công việc cần phải làm, đi dạo hoặc hít thở không khí trong lành;
- Hãy ghi chú trong các cuộc họp.
Tập thể dục nhiều hơn
Tập thể dục thường xuyên có thể làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Việc này có thể giúp bạn có thêm nhiều năng lượng để làm việc tốt hơn. Một số nghiên cứu cho thấy rằng hoạt động thể chất có thể kích thích các bộ phận của não liên quan đến bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Đặc biệt, các môn như yoga và karate giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân tăng động giảm chú ý vì chúng bắt người mắc hội chứng này phải động não để ghi nhớ các bài tập.
Đừng quá lo lắng khi bạn bị mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Bạn vẫn có thể vui sống hằng ngày và làm việc một cách hiệu quả nếu bạn biết cách sắp xếp mọi thứ. Những lời khuyên kể trên sẽ giúp ích cho bạn.
Bạn có thể tham khảo các bài viết sau:
- Giải pháp cho bệnh tăng động giảm chú ý ở sinh viên
- Tăng khả năng tập trung như Hoàng Xuân Vinh
- Vì sao bạn thường mất tập trung?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!