Mới đây, cháu NTPV (11 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) được mẹ đưa tới khoa khám tâm lý - tâm thần trẻ em thuộc BV Tâm thần TP.HCM do phá phách thái quá và không tập trung.
Chạy nhảy lung tung, lục lọi đồ đạc
Mẹ V. kể với bác sĩ (BS): “V. luôn cử động tay chân và giãy đạp liên tục ngay khi biết bò, lật và trườn. 15 tháng tuổi, V. hay leo trèo không sợ té. Cha mẹ nhắc nhở hoặc giữ lại, V. chỉ ngồi yên một lúc rồi tiếp tục leo trèo. Không ai chú ý, V. nghịch phá và lục lọi bất cứ đồ đạc gì trong nhà”.
Hai tuổi, V. luôn bốc chụp đồ của người bán khi được mẹ dẫn đi chợ. Do không cho mẹ nắm tay nên V. luôn chạy lạc chốn đông người. Đến nhà người khác chơi, mặc dù mẹ nhắc nhở nhiều lần nhưng V. luôn lục tung mọi thứ.
“Được bốn tuổi, V. nói rất nhiều khiến mọi người vô cùng mệt mỏi. Đi mẫu giáo, V. không làm theo hướng dẫn của cô giáo. V. cũng không ngồi yên trong giờ học và hay tự ý rời khỏi chỗ, chọc phá bạn bè. Vô bậc tiểu học, V. thường quên làm bài về nhà, nhớ rất ít hoặc không nhớ gì. V. cũng thường bỏ quên đồ dùng học tập hoặc không nhớ cất chỗ nào. Đến những chỗ lạ, V. luôn chạy nhảy, leo trèo, phá phách đồ đạc, đi vào nơi không được phép…” - mẹ V. kể.
Trong lúc BS khám bệnh, V. không ngồi yên. BS bảo ngồi xuống, V. làm theo nhưng luôn xoay người trên ghế và nghịch phá vật dụng trên bàn. Sau khi khám, BS chẩn đoán V. bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Tương tự, do nóng nảy và luôn phá phách nên cháu NPNM (tám tuổi, ở TP.HCM) được cha đưa tới khoa khám tâm lý - tâm thần trẻ em thuộc BV Tâm thần TP.HCM.
“Khi biết đi, M. vùng chạy liên tục và lôi kéo đồ đạc chung quanh. Hai tuổi, M. nói huyên thuyên và thường cắt ngang lời mẹ, cha. Đi mẫu giáo, M. luôn bị cô giáo than phiền leo trèo, phá phách và đánh bạn. Vô lớp 1, M. hay la hét và chơi trò nguy hiểm, xô ngã bạn bè. M. thường ra khỏi lớp khi cô đang dạy và không làm bài tập. Chưa hết, M. luôn nổi nóng, gây hấn với bạn và cô, kể cả cha mẹ” - cha M. cho biết.
Qua quá trình khám, BS cũng chẩn đoán M. bị rối loạn tăng động giảm chú ý.
Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý cần được tổ chức vui chơi lành mạnh để hòa mình với cuộc sống. Ảnh: Trần Ngọc.
Bệnh kéo dài tới tuổi trưởng thành
“Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) thường gặp ở trẻ em do phát triển thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý” - BS Nguyễn Thị Giang, Trưởng Khoa khám tâm lý - tâm thần trẻ em thuộc BV Tâm thần TP.HCM, đưa ra lời giải thích.
Theo BS Giang, đặc điểm chung của trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý là hành vi hiếu động quá mức đi kèm giảm khả năng chú ý, ảnh hưởng đến việc học tập và giao tiếp của trẻ.
“Không điều trị kịp thời, trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có thể có kết quả học tập kém. Chưa hết, lớn lên gặp những khó khăn trong cuộc sống như thất nghiệp, rắc rối với pháp luật, nghiện rượu hoặc các chất khác, mối quan hệ không ổn định, sức khỏe thể chất và tinh thần kém, bề ngoài nhếch nhác…” - BS Giang nói.
BS Đinh Thạc, Trưởng Khoa tâm lý BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cũng cho biết biểu hiện rõ nét ở trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý là ngồi không yên, liên tục nói nhiều, không yên lặng, thường rời khỏi vị trí, hết sờ vật này tới món đồ khác. “Chưa hết, trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường không kiên nhẫn, luôn trả lời trước khi nghe hết câu hỏi, hay chen ngang và nói lớn, dễ nổi đóa mà không sợ hậu quả. Ngoài ra, những đặc điểm dễ nhận biết ở trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý là khó tập trung vào công việc, trò chơi; dễ bị phân tán, mơ màng, hay quên; không chú ý lắng nghe khi được nói trực tiếp; thường làm mất đồ dùng học tập và cá nhân…” - BS Thạc nói.
Theo BS Thạc, điều đáng lưu ý chứng rối loạn tăng động giảm chú ý rất phổ biến ở trẻ và tiến triển mạn tính trong giai đoạn vị thành niên cho tới trưởng thành. “5%-17% trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Ở tuổi vị thành niên, con số nói trên là 9,6%. Đến tuổi trưởng thành là 4,4% mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Điều này cho thấy có đến 65% trẻ tăng động giảm chú ý tiếp tục trải qua rối loạn này ở thời kỳ trưởng thành” - BS Thạc nói thêm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!