Dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Hiện nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt vẫn chưa được làm sáng tỏ nên việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội càng sớm càng tốt.

Theo các nhà khoa học, bệnh tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ khoảng 0,3−1% dân số ở các quốc gia và thường xảy ra trong độ tuổi từ 18−40 tuổi. Hiện nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm sáng tỏ nên việc xử trí chủ yếu là điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng tâm lý xã hội.

Tuy là một bệnh nặng nhưng tâm thần phân liệt có thể điều trị được. Việc chẩn đoán và can thiệp sớm có thể làm giảm tối đa các triệu chứng. Vì vậy, bạn cần cảnh giác với những dấu hiệu sớm của bệnh.

Bạn hãy thử tìm hiểu một số dấu hiệu của bệnh dưới đây:

Nghe thấy giọng nói trong đầu

Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường nghe thấy những tiếng nói kỳ lạ phát ra trong đầu. Những giọng nói thì thầm những điều tiêu cực về thế giới bên ngoài hoặc về chính bản thân người bệnh. Khi nghe thấy chúng, bệnh nhân thường có xu hướng đáp lại và trò chuyện với “giọng nói”.

Trong một vài trường hợp, bệnh nhân tin rằng những tiếng nói này chính là “đấng tối cao” đang tìm đến họ và nếu người bệnh nghe được những chỉ thị, họ có thể hành động theo lệnh đã đưa ra. Bên cạnh đó, bệnh nhân hầu như sẽ không tin rằng những “tiếng nói” này là không có thật.

Xuất hiện hoang tưởng

Sự xuất hiện của những cơn hoang tưởng thường là dấu hiệu của tâm thần phân liệt. Bệnh nhân thường xuyên phải chịu đựng cảm giác lo lắng, sợ hãi tột độ như có người đang theo dõi hoặc hãm hại họ.

Có những người bệnh còn sinh ra ảo tưởng khá vĩ đại như đinh ninh rằng họ là một vị vua đầy quyền lực hoặc có thể thực hiện những điều kỳ diệu như bay lượn hay lơ lửng trên không.

Xuất hiện những cơn phẫn nộ không kiểm soát

Bệnh nhân bị tâm thần phân liệt thường rất dễ tức giận và luôn suy nghĩ rằng người khác đang tìm cách hãm hại họ, dẫn đến các cơn thịnh nộ. Bên cạnh đó, chịu đựng những rối loạn tâm thần này càng khiến người bệnh như muốn phát điên. Những người bệnh tâm thần phân liệt thường tỏ ra khó chịu hoặc phiền toái về các vấn đề nhỏ nhặt. Khi đó, họ chuyển sang trạng thái giận dữ rất nhanh.

Hình thành xu hướng bạo lực

Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường có xu hướng phát sinh những hành vi bạo lực. Qua phân tích của các nhà tâm thần học, hành vi bạo lực được xem như phản ứng tự vệ của người bệnh trước những yếu tố khiến họ tin rằng chúng đang hãm hại họ. Thêm vào đó, một số hành động bạo lực bắt nguồn từ các “mệnh lệnh” của tiếng nói trong đầu người bệnh, họ thường trở nên hung hãn một cách đột ngột mà không cần bị khiêu khích.

Trở nên lo lắng, hoảng sợ

Người mắc bệnh tâm thần phân liệt thường lo sợ rằng những người xung quanh sẽ làm hại mình, hoặc nghe thấy tiếng nói trong đầu đang chế nhạo, sỉ nhục và làm tinh thần họ càng rối loạn hơn. Càng sợ hãi, những biểu hiện bên ngoài như nói lắp bắp, nắm chặt tay hoặc nói quá to khiến người bệnh càng lộ rõ vấn đề tâm thần, đặc biệt là khi họ bị buộc phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Tách biệt với xã hội

Khi bệnh tâm thần phân liệt bắt đầu tiến triển, ngay cả những người từng hoạt động tích cực trong cộng đồng cũng bắt đầu rút lui dần khỏi các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí với gia đình họ để sống tách biệt. Đôi khi, chính nỗi sợ bị hãm hại khiến người bệnh càng cố gắng thu mình lại khỏi thế giới bên ngoài.

Xuất hiện những hành vi kỳ lạ

Người bệnh sẽ hành xử một cách kỳ quái như tự nói chuyện một mình hoặc có những phát ngôn kỳ lạ khi trò chuyện với bạn bè và gia đình. Khi bệnh tình tiến triển về sau, người bệnh sẽ mất dần ý thức về việc vệ sinh cá nhân, thực hiện sinh hoạt hằng ngày, khó ngủ, thiếu năng lượng và sụt cân.

Thường nghĩ về việc tự tử

Nhiều bệnh nhân tâm thần tự sát vì họ làm theo chỉ dẫn khi các giọng nói trong đầu yêu cầu họ phải chết. Những ý nghĩ tự sát cũng thường xuất hiện khi người bệnh ngừng sử dụng thuốc chống loạn thần.

Bệnh tâm thần phân liệt là một bệnh tâm lý nguy hiểm, nó không những ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh mà còn tác động đến những người xung quanh. Bạn hãy chú ý vào những dấu hiệu bất thường của người bệnh để giúp họ điều trị kịp thời.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Tâm thần phân liệt: Cơn ác mộng cả đời
  • 6 dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc bệnh tâm thần
  • Làm sao để chia sẻ vấn đề về sức khỏe tâm thần với người khác?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!