Tâm thần phân liệt: Cơn ác mộng cả đời

Tâm lý - 11/24/2024

Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nghiêm trọng. Nó khiến bạn không thể phân biệt đâu là thực tế, đâu là ảo giác.

Tâm thần phân liệt là một loại bệnh cực kỳ đáng sợ, nhưng bạn đã biết gì về nó?

Tâm thần phân liệt là một loại bệnh bệnh tâm thần nghiêm trọng. Nó khiến cho người bệnh không thể phân biệt được đâu là ảo tưởng và đâu là thực tế. Bệnh tâm thần phân liệt thường xảy ra ở lứa tuổi từ 16 đến 30. Nam giới có khuynh hướng mắc chứng tâm thần phân liệt ở độ tuổi trẻ hơn so với nữ giới. Trong nhiều trường hợp, bệnh diễn tiến rất chậm nên người mắc bệnh khó có thể nhận biết. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt, bệnh có thể xuất hiện đột ngột và phát triển một cách nhanh chóng.

Bốn dạng triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt

Tuy là một bệnh nặng nhưng tâm thần phân liệt có thể điều trị được. Việc chẩn đoán và can thiệp sớm có thể làm giảm tối đa các triệu chứng. Vì vậy, bạn cần cảnh giác với những dấu hiệu sớm của bệnh. Sau đây là các triệu chứng của bệnh mà bạn cần lưu ý:

  • Các triệu chứng tích cực: còn được gọi là các triệu chứng tâm thần ví dụ như ảo tưởng, ảo giác;
  • Các triệu chứng tiêu cực: người bệnh sẽ mất đi các biểu hiện cảm xúc thông thường, ví dụ như không thể hiện cảm xúc trên gương mặt, người uể oải;
  • Các triệu chứng nhận thức: quá trình tư duy bị ảnh hưởng. Đây có thể là các triệu chứng tích cực hoặc tiêu cực. Trong đó, mất tập trung là một triệu chứng tiêu cực;
  • Các triệu chứng cảm xúc: thường là các triệu chứng tiêu cực chẳng hạn như có những biểu cảm lạ trong một khoảnh khắc nào đó.

Nguyên nhân dẫn đến tâm thần phân liệt

  • Di truyền. Nếu trong gia đình không có người thân có tiền sử mắc chứng tâm thần phân liệt thì tỷ lệ mắc bệnh của một người bình thường ít hơn 1%. Ngược lại, nếu bố mẹ có tiền sử mang bệnh này thì tỷ lệ mắc bệnh của con cháu sẽ tăng lên đến 10%;
  • Sự mất cân bằng hóa học trong não. Các chuyên gia tin rằng sự mất cân bằng dopamine, serotonin (các chất dẫn truyền thần kinh) có thể là nguyên nhân dẫn đến tâm thần phân liệt;
  • Quan hệ gia đình. Tuy chưa có bằng chứng chứng minh rằng các mối quan hệ gia đình có thể dẫn đến chứng tâm thần phân liệt nhưng một số bệnh nhân cho rằng chính những căng thẳng trong gia đình đã khiến bệnh của họ tái phát;
  • Các tác nhân từ môi trường. Những căng thẳng nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày có thể là mầm mống gây ra chứng tâm thần phân liệt. Trước khi có bất kỳ triệu chứng cấp tính nào rõ ràng thì người bệnh có các biểu hiện như tính khí trở nên thất thường, lo lắng và không tập trung. Các tác nhân gây ra tình trạng này có thể là do hôn nhân đổ vỡ, thất nghiệp…;
  • Do thuốc. Marijuana và LSD là các loại thuốc được biết đến là có khả năng dẫn đến tâm thần phân liệt. Ngoài ra, steroid và chất kích thích như cần sa đều có thể gây ra nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh.

Ảnh hưởng của bệnh

Những người bị tâm thần phân liệt có thể gặp khó khăn trong việc sắp xếp và kết nối các ý nghĩ với nhau một hợp lý. Họ có thể cảm thấy tâm trí mình đang bị ảnh hưởng bởi các luồng ý tưởng hoàn toàn không liên quan gì đến nhau. Đôi lúc trong đầu đang có một ý nghĩ “thoát ra” nhưng một suy nghĩ khác lại xuất hiện xóa bỏ suy nghĩ ban đầu và thay vào đó, nó khóa lại các suy nghĩ. Vì vậy, các dòng suy nghĩ của họ rất dễ đột ngột bị gián đoạn.

Điều trị bệnh tâm thần phân liệt

Cần điều trị bệnh sớm trước khi quá muộn để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống bình thường của người bệnh. Bệnh tâm thần phân liệt có thể điều trị bằng thuốc nhưng vấn đề ở đây là muốn người bệnh uống thuốc lại là một chuyện hết sức nan giải. Bên cạnh đó, những người bị tâm thần phân liệt phải dùng thuốc trong một quãng thời gian rất dài hoặc có thể đến suốt cuộc đời nên gánh nặng về tài chính cho chính người bệnh và người thân của họ thực sự không nhỏ. Bệnh nhân phải tiếp tục dùng thuốc ngay cả khi không còn các triệu chứng của bệnh để đề phòng việc bệnh có khả năng tái phát.

Với người lần đầu mắc bệnh, quá trình điều trị căn bệnh này thực sự là một trận chiến hết sức cam go. Người bệnh có thể mất rất nhiều thời gian để hồi phục và họ phải chiến đấu với nó bằng chính niềm tin và hy vọng của bản thân. Do đó, họ rất cần sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè cũng như các trung tâm hỗ trợ khám và chữa bệnh chuyên nghiệp.

Khả năng một người bình thường có thể mắc bệnh tâm thần phân liệt là dưới 1%. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh. Đó là “cơn ác mộng cả đời” đấy. Vì vậy, hãy quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình hơn nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Làm sao để chia sẻ vấn đề về sức khỏe tâm thần với người khác?
  • Trẻ em có thể mắc những bệnh tâm lí thần kinh nào?
  • 5 thực phẩm giúp bạn hết lo âu căng thẳng mỗi ngày

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!