Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng sức khỏe mà bạn không ngờ tới.
Bạn đang cảm thấy cực kỳ khó chịu khi hàng tấn công việc cứ đổ dồn đến cùng một lúc? Bạn cảm thấy ăn không ngon, ngủ không yên khi lúc nào cũng phải suy nghĩ quá nhiều thứ? Bạn không muốn nhưng lúc nào cũng cảm thấy bị căng thẳng, mệt mỏi? Nếu đang ở trong tình trạng đó, bạn hãy tạm gác tất cả khó chịu trong lòng đi và sống thoải mái hơn vì căng thẳng thật sự là kẻ giết người thầm lặng!
1. Căng thẳng làm chậm quá trình hồi phục sau luyện tập thể dục
Một nghiên cứu khoa học cho thấy các hormone gây căng thẳng có thể khiến cơ thể bạn khó hồi phục hơn sau khi tập thể dục. Nghiên cứu này đánh giá mối quan hệ giữa tình trạng căng thẳng và khả năng phục hồi sau khi tập thể dục của 31 sinh viên đại học và nhận thấy rằng các sinh viên bị căng thẳng nặng có khả năng hồi phục kém hơn những người khác. Họ thường cảm thấy thiếu năng lượng, mệt mỏi và đau đớn.
Khi bạn bị căng thẳng, đặc biệt là tình trạng mạn tính, hormone cortisol tăng lên, tác động đến cơ và chất béo dự trữ, làm chậm quá trình phục hồi sau tập luyện. Bạn có thể tập yoga ở giữa các buổi tập thể dục thông thường để cải thiện tình trạng này.
2. Căng thẳng làm giảm trí nhớ
Một nghiên cứu cho thấy, việc cố gắng nhớ ra nơi cất chìa khóa xe khi bạn đang vội để đi họp sẽ trở nên khó khăn hơn vì lúc này bạn đang căng thẳng. Sự căng thẳng có thể tạo ra những thay đổi trong não bộ và dẫn đến những hậu quả lâu dài liên quan đến hoạt động tinh thần.
Một nghiên cứu khác ở Đại học Iowa đã cho thấy mối quan hệ giữa mức độ căng thẳng nặng với trung khu lưu trữ trí nhớ ngắn hạn ở não. Kết quả cho thấy stress có thể làm cản trở trí nhớ của bạn, do đó việc nhớ một điều gì đó tưởng chừng đơn giản lại là một vấn đề lớn. Khi bị căng thẳng, bạn hãy đi dạo một vòng và thả lỏng cơ thể để cảm thấy tốt hơn.
3. Sự căng thẳng khiến bạn tăng cân
Căng thẳng có khiến bạn tăng cân không? Câu trả lời là có. Một nghiên cứu được thực hiện trên 5.000 người đã cho thấy căng thẳng tâm lý – xã hội có thể khiến chúng ta tăng cân chứ không phải giảm cân. Chúng ta có xu hướng tìm đến đồ ăn ngọt, mặn và béo khi gặp căng thẳng.
Hơn nữa, các nhà khoa học cho rằng việc ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo khi nồng độ cortisol trong cơ thể cao có thể làm giảm hiệu quả của quá trình trao đổi chất. Vì thế, bạn hãy dẹp bỏ các loại thức ăn nhanh và xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho sức khỏe.
4. Căng thẳng khiến bạn khó ngủ
Căng thẳng do công việc hay do những biến cố trong cuộc sống có thể khiến bạn trằn trọc cả đêm và khó chìm vào giấc ngủ. Tình trạng thiếu ngủ như thế có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe như tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh béo phì và làm suy yếu hệ miễn dịch.
Ngoài ra, vấn đề ở đây là mối liên hệ giữa hai vấn đề này giống như một cái vòng luẩn quẩn – mất ngủ có thể khiến tình trạng căng thẳng và trầm cảm nghiêm trọng hơn. Sau đó, căng thẳng lại khiến bạn khó ngủ hơn.
Để giải quyết tình trạng này, bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để dễ ngủ hơn cũng như giảm căng thẳng.
5. Căng thẳng làm suy yếu hệ miễn dịch
Tình trạng căng thẳng mạn tính có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, do đó khiến cơ thể bạn gặp khó khăn trong việc bảo vệ bạn tránh khỏi virus.
Tuy nhiên, có một điều thú vị là stress ngắn hạn có thể sản sinh ra những thay đổi có lợi đối với hệ miễn dịch. Căng thẳng càng kéo dài càng ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch của bạn, do stress có thể là thay đổi hormone trong cơ thể. Cách tốt nhất để thoát khỏi tình trạng này đó là bạn hãy thư giãn bằng cách nghe nhạc và thả lỏng cơ thể.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 10 cách đơn giản để giảm thiểu căng thẳng
- 5 thực phẩm giúp bạn hết lo âu căng thẳng mỗi ngày
- Đánh tan căng thẳng bằng liệu pháp thiên nhiên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!