100% cơ sở chăn nuôi có dùng kháng sinh

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kháng sinh là những nguyên nhân gây ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Đó là vấn nạn được nêu ra tại diễn đàn khoa học 'Vấn đề VSATTP từ việc lạm dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp' do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 8-6.

Theo GS Đậu Ngọc Hào, Hội Thú y Việt Nam, trên thế giới không nước nào bán kháng sinh tự do như ở Việt Nam. Điều này cần thiết phải có lộ trình đưa kháng sinh vào dạng quản lý đặc biệt. 'Nhiều ngành đã cấm đưa kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên việc thực hiện lệnh cấm này không được giám sát, kiểm tra' - GS Hào nhận xét.

100% cơ sở chăn nuôi có dùng kháng sinh

Ảnh minh họa: Internet

Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho hay: Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT (Cục Thú y) cũng đã triển khai dự án điều tra tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại năm tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Thái Bình và Nam Định; kết quả triển khai cho thấy 100% số cơ sở chăn nuôi có sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho heo. 68% số cơ sở có sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng; 24,04% số cơ sở tự trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng, trong đó 1,23% số hộ trộn bằng kháng sinh dạng nguyên liệu.

Tình hình này cũng tương tự đối với thủy sản khi nhiều loại kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng được phát hiện lạm dụng tại công đoạn nuôi trồng thủy sản đối với cá nuôi (cá tra, cá rô phi, cá lóc), tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), tập trung chủ yếu tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Trà Vinh; kháng sinh cấm Chloramphenicol (CAP) bị phát hiện lạm dụng tại cả nuôi trồng thủy sản, bảo quản, lưu thông trên thị trường đối với thủy sản nuôi (tôm, cá), hải sản (cua, mực, bạch tuộc, ghẹ) và thủy sản khô các loại trên phạm vi cả nước.

Theo TS Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, hầu hết thuốc BVTV sử dụng ở Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Từ năm 2006 đến nay Việt Nam đã nhập khẩu trên 70.000 tấn thành phẩm/năm với giá trị từ 210 đến 774 triệu USD. Trên 90% thuốc BVTV được nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chưa kể một lượng lớn thuốc BVTV nhập lậu qua đường biên không kiểm soát được.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!