11 thành viên Đội xe cứu thương từ thiện đăng ký hiến tạng

Thời sự - 11/24/2024

Nhiều năm nay, 11 người trong đội xe cứu thương từ thiện ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, đã chuyên chở hàng trăm chuyến xe đưa bà con nghèo đến bệnh viện kịp thời. Không những vậy, họ còn đăng ký hiến tạng với mong muốn sau khi mất đi vẫn giúp ích cho đời.

Ông Nguyễn Văn Tác (SN 1970), Đội trưởng đội xe cứu thương từ thiện của xã Trung Hưng cho biết, khoảng 20 năm về trước, đường sá tại xã không được láng nhựa như bây giờ. Đa phần người dân di chuyển bằng ghe, xuồng nên mỗi khi có người bệnh thì việc đưa đến bệnh viện không được kịp thời. Một lần khi thấy hàng xóm đưa người bệnh nặng đi cấp cứu bằng xuồng, ông Tác liền đề nghị được chở người bệnh trên xe máy của mình.

'Tôi sợ đưa bệnh nhân bằng xuồng đến bệnh viện sẽ chậm trễ nên chở đi bằng xe máy sẽ nhanh hơn. Sau lần đó, tôi liền nghĩ ngay đến ý định sao mình không giúp những bệnh nhân nghèo bằng cách này', ông Tác chia sẻ. Trong 2 năm, bằng chiếc xe máy cà tàng, ông Tác đã giúp chuyển nhiều bệnh nhân nghèo đi cấp cứu.

Một thời gian sau, khi đường sá thuận tiện hơn, ông Tác đã dùng một ít tiền mua lại chiếc ôtô cũ với giá 30 triệu đồng và vận chuyển bệnh nhân nghèo hoàn toàn miễn phí. Thấy được tấm lòng của ông, mọi người trong xã ai cũng trân quý. Muốn giúp đỡ được nhiều người hơn nên ông Tác đứng ra thành lập Đội xe cứu thương từ thiện. Ban đầu chỉ có 2 tài xế nhưng đến nay trong đội đã có 11 người, trong đó có cháu ruột và em rể ông Tác cũng tham gia.

11 thành viên Đội xe cứu thương từ thiện đăng ký hiến tạng

Ông Đỗ Văn Quản (bên trái) làm hồ sơ đăng ký hiến tạng.

Ông Tác nhớ lại: 'Thấy mình làm việc nghĩa nên vào năm 2012 có Mạnh Thường Quân tài trợ, đội xe mua được chiếc ôtô trị giá 600 triệu đồng dùng để chuyển bệnh. Hai năm sau, đội cũng mua được chiếc thứ 2. Hai ôtô này dùng để phục vụ bà con nghèo và hoàn toàn miễn phí'.

Mỗi tháng, Đội xe chuyển được trung bình khoảng 75 ca bệnh, có tháng chuyển hơn 100 ca, đến nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang… 'Trường hợp mà anh em trong đội xe đều nhớ mãi là có một nạn nhân bị tai nạn giao thông. Khi chúng tôi đến nơi chở người này đi bệnh viện thì anh ta đã tử vong. Do gia đình quá nghèo không thể đưa thi thể về quê ở TP Hà Nội để mai táng nên đội xe quyết định chở thi thể và người nhà ra TP Hà Nội và họ không lấy bất cứ chi phí nào', ông Bùi Thanh Huỳnh - người tham gia đội xe cứu thương nhắc lại. Ông Tác cho biết từ trước đến nay, ông có hơn 60 lần đi hiến máu và hàng trăm lần hiến tiểu cầu, riêng việc hiến tạng là một tình cờ.

'Năm 2018, có lần tôi chuyển một bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh và thấy tại đây có nhiều người đăng ký hiến tạng. Trong đầu tôi lúc đó muốn đăng ký làm việc này ngay. Tôi về bàn với vợ con, nhưng ban đầu họ không chịu vì họ sợ sau khi tôi mất, tạng bị lấy đi thì cơ thể không còn toàn vẹn. Nhưng tôi đã thuyết phục được gia đình, tôi bảo rằng mong muốn sau khi mất đi mình vẫn còn giúp được cho đời thì hà cớ gì không làm', ông Tác bày tỏ.

Sau khi làm hồ sơ đăng ký, ông Tác được cấp thẻ hiến tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Thấy nghĩa cử của ông Tác, 10 người còn lại trong đội xe cũng noi theo. Cũng với suy nghĩ trên mà ông Ông Văn Thích, Trưởng ấp Thạnh Quới B - thành viên trong đội xe, đã tìm hiểu thủ tục hiến tạng và liên hệ xin hồ sơ đăng ký qua bưu điện, rất nhanh gọn sau đó ông Thích đã có thẻ hiến tạng.

'Tôi nghĩ mình chết rồi thì nội tạng nếu thích hợp cho nhiều người tại sao mình không cho đi. Trước khi làm hồ sơ, tôi có về hỏi vợ con, họ đều đồng ý với ý nghĩ bất ngờ của tôi', ông Thích tự hào nói. Nghề nghiệp của những người trong đội xe đa phần là tài xế, nông dân nhưng với nghĩa cử cao đẹp là hiến tạng đã được nhiều người dân địa phương hưởng ứng theo.

Ông Đỗ Văn Quản, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Trung Hưng bày tỏ: 'Thấy mấy chú trong đội xe hiến tạng, tôi cũng muốn làm việc thiện nguyện và có ích như vậy nên đã xin hồ sơ tại Bộ môn Giải phẫu học - Phôi thai học thuộc Khoa Y, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh để đăng ký. Có 5 người nữa trong xã cũng làm hồ sơ hiến tạng giống như tôi, họ mong muốn được giúp người khác sau khi mất'.

Tính đến nay, đã có 17 người dân tại xã Trung Hưng đăng ký hiến tạng, người nhỏ nhất là 22 tuổi, lớn nhất 75 tuổi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!