Buồn nôn là một cảm giác rất khó chịu mà có lẽ ai cũng đã từng trải qua khi bị cảm, say xe hay khi ốm nghén. Nhưng cơn buồn nôn có thể đến bất chợt mà không có lý do rõ ràng đấy.
Tiến sĩ Yevgeniy Vaynkof từ Văn phòng Y tế Manhattan ở New York cho biết nguyên nhân gây buồn nôn thường rất cụ thể và dễ xác định. Bạn có thể buồn nôn khi say xe, ốm nghén hoặc uống nhiều rượu bia.
Tuy nhiên, nếu bạn buồn nôn mà không rõ nguyên nhân thì hãy tham khảo 13 lý do sau xem mình có thuộc trường hợp nào không nhé.
1. Buồn nôn khi bạn đang lo lắng
Buồn nôn có thể là một triệu chứng phổ biến của sự lo âu. Khi bạn đang trong cơn hoảng loạn khi gặp nguy hiểm, nồng độ adrenaline trong máu sẽ tăng lên. Chất này giúp bạn sẵn sàng đối phó tác nhân gây nguy hiểm hoặc tìm cách trốn khỏi tác nhân đó thật nhanh.
Khi bạn lo lắng, các chức năng của cơ thể như tiêu hóa có thể bị ngưng trệ, dẫn đến sự tích tụ của một số chất độc trong cơ thể. Sự tích tụ chất độc này sẽ gửi các tín hiệu hóa học đến não và gây ra cảm giác buồn nôn.
2. Buồn nôn do biến chứng của tiểu đường
Nhà nghiên cứu nội tiết Elizabeth Holt tại Đại học Y khoa Duke cho biết buồn nôn, nôn và đau bụng là các dấu hiệu điển hình của các bệnh lý dạ dày. Nhưng đây cũng có thể triệu chứng của một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường tuýp 1.
Khi bạn bị tiểu đường, cơ thể không tạo ra đủ insulin và từ đó không sản xuất đủ đường cho các tế bào. Các tế bào khi không đủ năng lượng do thiếu đường sẽ đốt cháy chất béo để tạo ra nhiên liệu. Điều này sẽ làm tăng lượng ceton trong nước tiểu và máu gây nên chứng nhiễm toan ceton. Bệnh nhân bị chứng này sẽ cảm thấy muốn nôn.
Tình trạng nhiễm toan ceton có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong, đặc biệt là ở những người không biết mình mắc bệnh tiểu đường hoặc không nhận ra các dấu hiệu tiểu đường như khát nước và đi tiểu thường xuyên.
3. Buồn nôn vì suy thượng thận
Chứng rối loạn nội tiết tố này là do tuyến thượng thận không sản xuất đủ một loại hormone nào đó. Một nguyên nhân gây suy thượng thận là bệnh Addison. Đây là một bệnh tự miễn làm tổn thương tuyến thượng thận và hạn chế sự sản xuất hormone cortisol rất quan trọng cho sự tăng trưởng và quá trình trao đổi chất.
Các triệu chứng suy thượng thận điển hình là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sụt cân và về lâu dài là tụt huyết áp. Những người có những triệu chứng trên cần đi khám ngay lập tức vì bệnh này nếu không điều trị có thể gây tử vong.
4. Buồn nôn do nhồi máu cơ tim
Bạn nên cẩn thận khi cảm thấy muốn nôn hoặc khó chịu trong bụng vì đây có thể là triệu chứng của nhồi máu cơ tim. Bạn hãy đi kiểm tra tim mạch ngay cả khi bạn không bị đau ngực.
Theo tiến sĩ Amnon Beniaminovitz từ Manhattan Cardiology ở thành phố New York cho biết: phụ nữ thường đi khám khi gặp các dấu hiệu trên hơn nam giới. Một số bệnh nhân nam có các triệu chứng của chứng trào ngược axit nhưng thực ra lại bị nhồi máu cơ tim. Vậy nên, nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu gì, hãy đi khám để xác định đúng bệnh nhé.
Đôi khi cơn đau của nhồi máu cơ tim rất giống đau bao tử hoặc đau vùng bụng trên. Những cơn nhồi máu cơ tim thường không phải là cơn đau nhói mà giống chứng nặng bụng hoặc khó tiêu hơn.
5. Buồn nôn vì trào ngược dạ dày thực quản
Ợ nóng là dấu hiệu của trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản. Những cơn đau dữ dội ở ngực hoặc bụng không phải là triệu chứng duy nhất khi bạn bị trào ngược axit. Khi axit hay thức ăn thừa trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản, một số người sẽ có triệu chứng buồn nôn.
Nhiều người đi khám vì có các triệu chứng nhồi máu cơ tim như buồn nôn và khó chịu. Tuy nhiên, sau khi thăm khám kỹ lưỡng để loại trừ các nguyên nhân tim mạch, bác sĩ lại phát hiện ra người này không bị nhồi máu cơ tim và có thể chữa dễ dàng với thuốc không kê toa.
6. Buồn nôn do liệt dạ dày
Buồn nôn là một trong những triệu chứng khó chịu của bệnh liệt dạ dày, một rối loạn trong đường tiêu hóa có khả năng gây suy nhược.
Khi mắc bệnh, quá trình thức ăn đi từ dạ dày sang ruột non chậm lại hoặc ngừng hẳn. Số thức ăn không được tiêu hóa sẽ làm bạn buồn nôn.
7. Buồn nôn vì hội chứng ngộ độc cần sa
Nhiều người tin rằng hút cần sa có thể giảm buồn nôn nhưng thực tế cần sa có thể có tác dụng ngược lại.
Hút cần sa có thể gây ra những cơn buồn nôn và nôn dữ dội. Việc bỏ cần sa có thể giải quyết nhiều triệu chứng ở hầu hết các bệnh nhân.
8. Buồn nôn do hội chứng nôn ói chu kỳ
Hội chứng đáng sợ này phổ biến ở trẻ em nhưng cũng ảnh hưởng đến người lớn. Bệnh nhân có những cơn buồn nôn và nôn đột ngột, dữ dội và lặp đi lặp lại mà không có lý do rõ ràng. Một cơn buồn nôn và nôn có thể kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
Mặc dù nguyên nhân hội chứng nôn ói chu kỳ chưa rõ nhưng một số nghiên cứu cho thấy bệnh này có liên quan tới chứng đau nửa đầu hoặc tiền sử gia đình bị đau đầu. Bệnh nhân thường được điều trị bằng thuốc đau nửa đầu.
9. Buồn nôn khi ngất do phản xạ thần kinh
Nếu bạn bị xanh xao và buồn nôn khi nhìn thấy máu và sau đó là ngất xỉu thì bạn đã bị chứng ngất do phản xạ thần kinh.
Các tác nhân kích thích như đau, lo lắng, đứng lâu và khó khăn khi đi vệ sinh đều có thể làm giảm nhịp tim và huyết áp đột ngột.
Trước khi ngất xỉu, người bị ngất do phản xạ thần kinh có thể cảm thấy chóng mặt buồn nôn và có thể là tim đập nhanh. Các triệu chứng khác bao gồm cảm giác ra mồ hôi, ù tai hoặc mờ mắt.
10. Buồn nôn vì tác dụng phụ của thuốc
Nhiều loại thuốc theo toa và không theo toa có tác dụng phụ là buồn nôn. Những loại thuốc này bao gồm bisphosphonates dùng cho bệnh loãng xương và thuốc điều trị tiểu đường. Một số thuốc huyết áp, thuốc chống trầm cảm và thuốc kháng sinh cũng có thể gây buồn nôn. Bạn cần tham vấn các bác sĩ kê đơn nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này và có cảm giác buồn nôn.
Ngay cả thuốc giảm đau thông thường như aspirin, ibuprofen và naproxen cũng có thể gây buồn nôn, loét niêm mạc dạ dày và chảy máu.
Bạn có thể tìm hiểu để chọn những loại thuốc không gây kích ứng bao tử hoặc uống thuốc sau khi đã ăn no để hạn chế tác dụng phụ.
11. Buồn nôn do nuốt phải dị vật
Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn đôi khi cũng vô tình nuốt phải xương cá hoặc một dị vật nào đó lẫn trong thức ăn. Dị vật trong dạ dày có thể dẫn đến buồn nôn, nôn và đau bụng.
Tuy nhiên, có trường hợp một số người cố tình nuốt các đồ vật không phải là thức ăn do đang mắc một tình trạng tâm thần nào đó hoặc rối loạn lạm dụng chất kích thích.
12. Buồn nôn vì mắc bệnh về túi mật
Đột ngột đau bụng vùng trên bên phải sau khi ăn nhiều thức ăn nhiều dầu mỡ là một triệu chứng điển hình của chứng viêm túi mật. Cơn đau thường xảy ra khi các viên sỏi trong túi mật chặn ống mật. Đôi khi, những người có vấn đề túi mật chỉ có một triệu chứng là buồn nôn.
Nếu bạn bị đau hay buồn nôn nhưng siêu âm không thấy sỏi mật cũng không thể khẳng định bạn không có bệnh về túi mật, bạn hãy thực hiện các xét nghiệm hình ảnh khác để xem túi mật có bị viêm, nhiễm trùng, bạn có uống rượu quá mức hoặc có khối u không.
Những lý do trên đây đôi khi có thể gây những cơn buồn nôn và nôn đột ngột khiến bạn bất ngờ đấy. Nếu bạn thấy mình thường buồn nôn dù không say xe, cảm cúm hay uống rượu bia thì hãy đi khám ngay nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 9 món giúp giảm cảm giác buồn nôn thông thường
- Những điều bạn cần biết về phẫu thuật ghép gan
- 10 điều bạn nên làm để ngăn ngừa mỏi mắt do dùng máy vi tính
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!