Cột sống là cơ quan dễ tổn thương nhưng chúng ta lại không chú ý cho đến khi mắc các bệnh lý nghiêm trọng. Ngay cả những hoạt động như thoa kem chống nắng, đeo trang sức hay sử dụng smartphone cũng tiềm ẩn rủi ro trở thành thói quen gây hại cho cột sống!
Những hoạt động tưởng chừng như vô hại nhưng chúng lại có thể gây hại nghiêm trọng cho cột sống của bạn. Thông thường, bạn sẽ chẳng hề nhận thấy rủi ro đến từ những hoạt động này đến khi cột sống bị tổn thương nghiêm trọng. Hãy cùng Hello Bacsi điểm qua 12 thói quen gây hại cho cột sống để chủ động phòng tránh nhé.
1. Sử dụng nhiều kem chống nắng
Kem chống nắng chính là cách hữu hiệu nhất để phòng chống nguy cơ ung thư da và hạn chế sự xuất hiện của các rãnh, vết nhăn trên da. Tuy vậy, cơ thể cũng cần tiếp xúc với ánh nắng để sản xuất ra vitamin D.
Bạn không thể cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể chỉ bằng cách bổ sung bằng thực phẩm. Nếu thoa kem chống nắng liên tục, cơ thể sẽ không thể có được lượng vitamin D cần thiết để chuyển hóa thành canxi.
Bạn cần để cơ thể tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng 15 phút nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất vitamin D, đặc biệt là vào buổi sáng. Sau đó, bạn có thể thoa vừa đủ lượng kem chống nắng cần thiết.
2. Tập thể dục sai tư thế
Các bài tập có thể giúp làm tăng mật độ xương cột sống và toàn bộ cơ thể. Một chế độ luyện tập đúng cách có thể tăng cường các cơ bắp ở vùng lưng và cột sống. Tuy nhiên, một số bài tập phổ biến như đi xe đạp và spinning có thể là nguyên nhân gây ra hoặc khiến tình trạng đau lưng của bạn trở nên trầm trọng hơn. Nguyên nhân là bởi một số loại xe đạp nhất định có thể đòi hỏi người tập phải nhoài người về phía trước và khom lưng trong một thời gian dài.
Bạn có thể tập 3 – 4 lần/tuần khoảng 30 – 40 phút, bao gồm các bài tập giảm cân và tăng sức mạnh giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, bạn nên chú ý giữ tư thế đúng trong quá trình tập luyện để tránh gây tổn thương cho cột sống.
3. Thói quen hút thuốc lá
Thói quen hút thuốc không những gây hại cho phổi mà còn cực kỳ nguy hiểm đối với cột sống của bạn nữa. Chất nicotin trong thuốc lá gây ảnh hưởng xấu đến xương cốt và có thể dẫn đến nguy cơ thoát vị đĩa đệm sớm. Căn bệnh thoát vị đĩa đệm thường xảy ra khi những đĩa đệm này bị khô, mỏng hoặc nứt.
Xương sống được lót bằng đĩa hoặc đệm giúp giảm áp lực và sốc trong quá trình di chuyển. Khi bạn hút thuốc sẽ gây ức chế lưu thông dưỡng chất vào đĩa đệm, làm mất nước và khiến cho các đĩa này khó hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sự khỏe mạnh.
Thói quen hút thuốc lá không chỉ gây hại trực tiếp cho sức khỏe của bạn mà còn gây ảnh hưởng không tốt cho những người xung quanh. Do đó, bạn nên lên kế hoạch hạn chế và dần bỏ hẳn thói quen hút thuốc lá.
4. Chế độ ăn thiếu canxi
Canxi rất quan trọng và cần thiết cho sức khỏe của xương, sữa và các sản phẩm từ sữa chính là nguồn cung cấp canxi không thể thiếu cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng với lactose trong sữa và buộc phải hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn sữa, phô mai, yogurt ra khỏi chế độ ăn hàng ngày thì xương của bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lượng canxi cần thiết để cung cấp cho cơ thể là 1.000mg/ngày nếu bạn dưới 50 tuổi và con số này sẽ tăng lên 1.200mg/ngày nếu bạn bước qua độ tuổi 50. Khi bạn thấy mình vẫn chưa thể bổ sung đầy đủ lượng canxi cần thiết qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày thì hãy nhờ bác sĩ cho đơn thuốc bổ sung thêm canxi.
Bạn có thể lựa chọn những nguồn dinh dưỡng khác thay thế sữa như rau xanh, các loại cá như cá mòi, cá hồi hay các thực phẩm tăng cường bổ sung canxi.
5. Thói quen sử dụng smartphone
Bạn có phải là người suốt ngày luôn cầm trên tay chiếc điện thoại và không thể rời mắt khỏi nó trong bất kỳ hoàn cảnh nào? Do màn hình điện thoại không ngang tầm mắt nên khi dùng, chắc chắn bạn sẽ thường phải cúi đầu, khiến xương cổ bị cong và căng cứng.
Một nghiên cứu tại đã tiến hành đo sức nặng đè lên đốt sống cổ ở các góc độ khác nhau và nhận thấy: Nếu bạn cúi xuống một góc 60° để nhìn vào màn hình thì sức ép sẽ tương đương với việc cõng một đứa trẻ nặng 27kg trên vai.
Việc sử dụng điện thoại thường xuyên là điều không thể tránh, nhưng bạn nên cố gắng nâng điện thoại lên cao hơn để giữ đầu ở tư thế thẳng nhất có thể.
6. Uống cà phê và nước ngọt có gas
Caffeine trong cà phê có thể làm giảm sự hấp thu canxi, ảnh hưởng đến mật độ xương và dễ gây gãy xương hơn. Bên cạnh đó, một số loại nước ngọt và nước uống có gas có chứa axit photphoric, làm tăng bài tiết canxi qua nước tiểu, dẫn đến mất cân bằng và thiếu hụt canxi.
Bạn có thể thay đổi thói quen uống cà phê bằng cách thử chuyển sang cà phê decaf (cà phê khử caffeine) hay sử dụng các loại nước trái cây thay thế các loại nước ngọt có gas.
7. Ngồi làm việc lâu trong văn phòng
Ngồi làm việc quá lâu, đặc biệt là khi bạn lại không cảm thấy thật sự hứng thú trong công việc có thể khiến bạn có tư thế lưng không đúng, gây áp lực cho cột sống.
Thói quen ngồi làm việc hàng giờ trước máy tính trong một tư thế mà không vận động chính là nguyên nhân gây áp lực cho cột sống, chèn ép các dây thần kinh, dẫn đến hiện tượng đau lưng. Bên cạnh đó, trạng thái không vận động trong suốt một thời gian dài cũng khiến cho cột sống bị thoái hóa.
Bạn nên dành thời gian nghỉ để đi lại nhẹ nhàng quanh văn phòng để thay đổi tư thế và giảm áp lực cho cột sống.
8. Sử dụng thuốc điều trị
Một số loại thuốc nhất định có thể khiến xương bạn trở nên yếu hơn, trong đó nhóm đầu tiên phải kể đến là thuốc steroid. Bạn càng sử dụng thuốc ở liều cao thì nguy cơ ảnh hưởng đến xương và cột sống càng lớn.
Bạn nên trao đổi thật kỹ với bác sĩ để xem các loại thuốc có tác động thế nào đến xương của bạn và tìm cách hạn chế các tác dụng phụ.
9. Bế trẻ con và vật nuôi sai cách
Tư thế khi bạn nhấc em bé hoặc vật nuôi lên có thể gây căng thẳng quá mức cho vùng lưng và cột sống. Lẽ dĩ nhiên sẽ có tư thế phù hợp và tư thế không phù hợp mà bạn cần biết để tránh gây tổn thương cho cột sống.
Cách thực hiện động tác bế đúng là bạn phải giữ cho chân của bạn rộng ngang bằng vai. Khi bạn khom người xuống, hãy chỉ uốn cong phần hông và đầu gối. Hãy cố gắng giữ em bé hoặc vật nuôi càng gần với cơ thể bạn càng tốt.
10. Đeo ba lô quá nặng
Khối lượng của chiếc ba lô và cách đeo ba lô sẽ có thể gây những tác động tiêu cực cho toàn bộ vùng lưng, vai, gáy và cột sống. Nếu bạn chỉ mang ba lô ở một bên vai thì càng dễ khiến cột sống bị cong vẹo, gây gù cột sống…
Thêm vào đó, thói quen đeo ba lô quá nặng cũng không tốt vì sẽ tạo áp lực lớn cho cột sống. Vì thế, trước khi mang ba lô, bạn hãy chắc chắn mình đã soạn sẵn những món đồ thật cần thiết cho vào và không nên để những món đồ linh tinh làm nặng ba lô.
Bạn hãy nhớ nguyên tắc khi mang ba lô là phải luôn đeo cả hai dây quai đều hai vai và chỉnh dây đeo cách thắt lưng không quá 10cm. Bạn cũng đừng quên dùng thêm dây cân bằng trọng lượng thắt vào phần eo.
11. Đeo trang sức kim loại
Thói quen đeo đồ trang sức bằng kim loại có thể gây kích thích lên các vùng da xung quanh. Khi hệ thần kinh nhận được tín hiệu này, nó sẽ phản ứng bằng cách cố dịch chuyển các phần cơ thể bị kích thích tránh xa khỏi vị trí của các đồ trang sức. Các nhóm cơ trong vùng dịch chuyển sẽ làm căng các nhóm cơ khác, từ đó gây ra hiện tượng nhức mỏi kéo dài.
Khuyên tai kim loại có thể là thủ phạm khiến bạn bị đau vùng cổ, gáy và lưng mà không tìm được nguyên nhân bệnh lý. Các đồ trang sức khác như vòng cổ, vòng tay, đồng hồ hay thậm chí các mảng kim loại dùng để trám răng cũng có thể gây ra vấn đề tương tự.
Khi bị đau mà chưa rõ nguyên nhân, bạn hãy thử tháo bớt các trang sức kim loại mà mình đang đeo để xem tình trạng có cải thiện hơn không.
12. Mang giày cao gót
Bàn chân là trụ đỡ cho mọi tư thế, vì vậy giày cao gót có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống xương khớp của bạn. Đi giày cao gót sẽ khiến khớp gối, hông phải căng lên và cột sống oằn ra để duy trì sự cân bằng, lâu ngày sẽ khiến bạn dễ bị đau lưng, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống…
Giày có gót càng cao, sự căng cơ càng nhiều và hậu quả càng lớn. Áp lực tác động lên cột sống có thể làm xuất hiện cơn đau từ cổ đến chân, khiến dây thần kinh bị mắc kẹt, gây đau thần kinh tọa và tê chân.
Bạn nên đi giày thấp hơn 7cm để ngăn ngừa áp lực cũng như tình trạng đau lưng và hông. Bạn có thể mang theo giày đế bệt để đi sau khi sử dụng giày cao gót để giúp chân nghỉ ngơi khi có thể.
Các hoạt động hàng ngày có thể là nguyên nhân khiến cột sống bị tổn thương nhưng bạn lại bỏ qua vì không hề nghĩ đến những nguy cơ tiềm ẩn này. Hãy chú ý hơn đến sinh hoạt hàng ngày của mình, bạn sẽ kịp thời điều chỉnh các thói quen gây hại cột sống để bảo vệ sức khỏe tốt hơn!
Tuyết Trinh | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Một số phương pháp tự chữa đau lưng vào dịp Tết
- Thoát khỏi triệu chứng thoái hóa cột sống cổ hành hạ suốt 2 năm
- Mách bạn cách chọn thực phẩm khi điều trị loãng xương
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!