2015: Năm của những căn bệnh lạ xuất hiện ở Việt Nam

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Năm 2015, bệnh whitmore xuất hiện sau nhiều năm bị lãng quên; lần đầu tiên phát hiện bệnh nhân mắc bệnh cam tẩu mã do vi khuẩn ăn mô người...

Bệnh whitmore - kẻ mạo danh nguy hiểm

Đầu tháng 8, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) xác nhận ca bệnh nhiễm khuẩn whitmore đầu tiên trong năm tại đây là một bệnh nhi 11 tháng tuổi. Bé sốt cao, sưng to tuyến mang tai khiến cha mẹ và bác sĩ tưởng nhầm là bệnh quai bị. Các chẩn đoán sau đó cho thấy bé mắc bệnh whitmore - một bệnh hiếm gặp, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng như sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn…

Đây là lần đầu tiên sau chiến tranh, tên của căn bệnh này xuất hiện lại ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, thật ra bệnh whitmore bị quên lãng vài chục năm trong khi nó vẫn âm thầm xuất hiện và bị nhầm lẫn với quai bị.

2015: Năm của những căn bệnh lạ xuất hiện ở Việt Nam

Cần tích cực phòng bệnh Whitmore

Ca nhiễm trùng roi đầu tiên

Cuối tháng 4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM ghi nhận ca nhiễm trùng roi đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng sốt kéo dài 18 ngày, nhức đầu, ớn lạnh, đau 2 khớp gối. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy bệnh nhân tổn thương gan, thận, giảm 3 dòng tế bào máu ngoại biên và nhiễm trùng nặng. Kết quả phết máu ngoại biên và phết tủy xương soi cho thấy bệnh nhân nhiễm trùng roi Trypanosoma evansi.

Loại trùng roi gây bệnh trên người chỉ từng ghi nhận ở Châu Phi như loài Trypanosoma brucei gây bệnh ngủ. Ở Nam Mỹ, trùng roi Trypanosoma cruzi gây bệnh Chagas. Người mắc bệnh sẽ bị các biến chứng ở hệ tiêu hóa và tim mạch như phì đại thực quản, đại tràng, bệnh cơ tim, suy tim, thậm chí chết đột ngột do loạn nhịp tim, ngưng tim. Một số loài Trypanosoma khác trong đó có Trypanosoma evansi chủ yếu gây bệnh trên động vật. Tại Việt Nam, bác sĩ thú y ở các tỉnh phía Bắc đã ghi nhận Trypanosoma evansi gây bệnh cho trâu bò từ hàng chục năm nay. Y văn thế giới chỉ ghi nhận một vài trường hợp hiếm hoi gây bệnh cho người. Ngành y tế Việt Nam ghi nhận đây là ca Trypanosoma evansi gây bệnh trên người đầu tiên ở trong nước.

Bé gái 5 tháng tuổi có kinh nguyệt

2015: Năm của những căn bệnh lạ xuất hiện ở Việt Nam

Bé gái thấy kinh từ 5 tháng tuổi (Ảnh: Linh Nga)

Bé gái Sùng Thị Dúa sinh năm 2014, trú tại thôn Hoàng Thu Phố A, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, xuất hiện kinh nguyệt từ lúc được 5 tháng tuổi. Từ đó đến nay tháng nào bé cũng thấy kinh đều như người lớn. Hiện cháu bé được 15 tháng tuổi. Bé thuộc trường hợp dậy thì sớm hiếm gặp. Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hoóc-môn của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (dưới 8 tuổi đối với trẻ gái và dưới 9 tuổi ở trẻ trai). Sự hoạt hóa trung tâm dậy thì gây ra tình trạng kích thích sớm toàn bộ trục hạ đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục. Đến nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác khiến trẻ dậy thì sớm.

Bệnh cam tẩu mã do vi khuẩn ăn mô người

Cuối tháng 10, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân bị cam tẩu mã do vi khuẩn ăn mô người. Ông Nguyễn Văn Thường 75 tuổi ở ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, bị hoại tử vùng thái dương bên phải, mất vành tai phải, liệt một bên mặt, bác sĩ chẩn đoán bị bệnh cam tẩu mã do một loại vi khuẩn ăn mô người gây ra.

Theo y văn, cam tẩu mã còn gọi là nha cam tẩu mã, tị cam, thuần cam hoặc hầu cam. Đây là chứng viêm miệng hoại thư, bắt đầu ở lợi hoặc ở má, lan rất nhanh ra má, môi, hoại tử phần mềm làm thủng má, môi, mũi, sau đó làm hoại tử xương, răng lung lay rụng dần, có mùi hôi thối. Bệnh gặp ở trẻ nhỏ có thể trạng rất suy kiệt, thường sau khi mắc bệnh sởi, thương hàn hoặc một bệnh nhiễm khuẩn nặng khác. Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 500.000 người bị ảnh hưởng bởi bệnh này, mỗi năm có 140.000 ca mới được ghi nhận.

Hội chứng Apert

Đầu tháng 10, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM đã phẫu thuật mổ hộp sọ cho bé 3 tháng tuổi mắc hội chứng Apert - một dị tật sọ mặt hiếm gặp. Bệnh nhi sẽ phải trải qua thêm 4 lần phẫu thuật nữa cho đến năm 10 tuổi mới hoàn tất toàn bộ quá trình điều chỉnh những bất thường ở sọ mặt bao gồm cả mắt, mũi, răng... nhằm trả lại khuôn mặt bình thường cho bé. Người mắc Apert có những biểu hiện như đầu hình tháp do dính toàn bộ khớp sọ, thiểu sản xương mặt, lồi mắt, hẹp khe mũi sau, dính ngón bàn tay, bàn chân...

Bé gái tiểu ra máu ồ ạt

Đầu tháng 11, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cứu sống bé gái tiểu ra máu ồ ạt cận kề cái chết. Bé gái nhập viện trong tình trạng đi tiểu đỏ toàn dòng kèm máu đông, tiểu gắt và rất đau. Bé gái 7 tuổi được xác định dị dạng mạch máu xâm lấn bàng quang gây đi tiểu ra máu ồ ạt. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp chưa từng được ghi nhận trong y văn thế giới.

Chàng trai 23 tuổi hóa ông già 60

2015: Năm của những căn bệnh lạ xuất hiện ở Việt Nam

Chàng trai 23 tuổi già như ông lão 60 (Ảnh: Phúc Hưng)

Chàng trai 23 tuổi ở Cà Mau mắc căn bệnh lạ khiến mặt già như ông lão 60. Anh đã đến nhiều bệnh viện ở Sài Gòn điều trị căn bệnh 'lạ' nhưng bất thành. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh ở chàng trai. Đây là trường hợp lão hóa sớm đầu tiên ở nam giới được ghi nhận tại Việt Nam. Đến nay Việt Nam mới ghi nhận những ca lão hóa sớm ở phụ nữ, hầu hết với tiền sử dùng mỹ phẩm có chứa corticoid ảnh hưởng đến da.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!