3 điều cần nhớ cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

Chăm sóc mẹ - 04/24/2024

Hello Bacsi - Khi mang thai, để có một sức khỏe tốt  mẹ bầu cần ghi nhớ 3 điều về bệnh tiểu đường thai kỳ sau đây nhé!

Đừng quá hốt hoảng nếu bạn được chẩn đoán mắc phải tiểu đường thai kỳ. Chỉ cần ghi nhớ 3 điều sau đây, tình trạng sức khỏe của bạn sẽ được kiểm soát dễ dàng.

1. Thay đổi chế độ ăn uống

Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp và cách cân bằng lượng tinh bột, chất béo và protein mà bạn nạp vào cơ thể. Nhưng những hướng dẫn này chỉ mang tính tổng quát. Thực tế, chế độ ăn uống sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bạn như mức độ đường glucose trong máu, cân nặng, thói quen tập thể dục, sở thích ăn uống và khẩu vị. Chuyên gia dinh dưỡng có kinh nghiệm về bệnh tiểu đường thai kỳ cũng có thể giúp bạn lên kế hoạch ăn uống hiệu quả.

Các chuyên gia thường khuyến khích phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kì nên duy trì những thói quen ăn uống sau.

Tránh xa đường

Để giữ nồng độ đường trong máu không tăng quá cao, bạn cần phải tránh xa các thực phẩm có khả năng làm tăng lượng đường trong cơ thể như đường, mật ong, đường nâu, si-rô,… Khi kiểm tra nhãn hiệu thực phẩm, hãy nhớ các thành phần có chữ cuối là OSE luôn là đường (sucrose, dextrose, glucose). Bạn có thể ăn thức ăn có chứa một lượng đường vừa phải, nhưng hãy cố gắng tránh xa các thức ăn chứa hàm lượng đường cao hơn tiêu chuẩn, chẳng hạn như bánh nướng, bánh ngọt, bánh, kem, kẹo, và nước ngọt.

Kiêng uống nước ép trái cây

Ngay cả đường tự nhiên trong trái cây cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu của bạn, vì vậy bạn cần hạn chế uống nước ép trái cây nguyên chất. Các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ cho rằng bạn có thể thỉnh thoảng uống một lượng nhỏ nước ép (khoảng 30 ml) trong bữa ăn. Ngoài ra bạn có thể trộn nước ép trái cây với soda để pha loãng đường và tăng cảm giác ngon miệng. Nước cà chua cũng là một lựa chọn tốt vì loại nước này chứa hàm lượng đường thấp. Bạn có thể ăn trái cây tươi, vì các loại trái cây tươi có chứa chất xơ giúp làm chậm sự hấp thu đường vào máu.

Ăn ít đồ tinh chế hơn

Bạn nên lựa chọn các loại thức ăn chứa tinh bột không tinh chế. Nếu bạn ăn quá nhiều tinh bột tinh chế như gạo trắng, khoai tây nghiền, bánh mì trắng, chúng sẽ nhanh chóng chuyển thành đường khi tiêu hóa và làm gia tăng đường huyết trong máu. Thay vào đó, hãy tập trung ăn những món giàu chất xơ (như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, đậu Hà Lan và các loại rau). Các món này giúp giảm lượng insulin mà cơ thể cần để giữ cho lượng đường trong máu ở phạm vi bình thường.

Ăn các loại thực phẩm có chứa crôm

Loại khoáng chất này đã được chứng minh có thể giúp cải thiện việc dung nạp glucose trong bệnh tiểu đường thai kỳ, vì vậy hãy luôn bổ sung thức ăn có chứa crôm trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Bạn có thể tìm thấy khoáng chất này trong các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, rau bina, cà rốt và gà. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn uống thuốc bổ sung crôm.

Ăn thức ăn chứa ít chất béo

Tất cả mọi người đều cần chất béo trong chế độ ăn uống, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, chế độ ăn chứa nhiều chất béo có thể không hoàn toàn tốt cho sức khỏe của bạn. Bạn nên tập trung ăn các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh, chẳng hạn như chất béo trong các loại hạt.

2. Kiểm soát bữa ăn

Bạn nên ăn ít nhất ba bữa chính và ba bữa phụ một ngày (bao gồm một bữa ăn vặt trước khi đi ngủ) và chia chúng theo khoảng thời gian đồng đều nhất có thể. Một quy tắc khác áp dụng cho tất cả phụ nữ mang thai và những người bị tiểu đường thai kỳ càng phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn là không bao giờ được bỏ bữa. Bỏ bữa chính (hoặc bữa ăn vặt) có thể dẫn đến hạ đường huyết, có thể gây ra run rẩy, nhức đầu và có thể có hại cho thai nhi. Bữa ăn vặt quan trọng nhất trong những ngày này sẽ rơi vào buổi tối bởi nó sẽ giúp bạn phòng ngừa hạ đường huyết vào ban đêm. Trước khi đi ngủ, hãy ăn một bữa ăn vặt có chứa protein (như pho mát ít béo) và tinh bột (chẳng như bánh mì trắng). Tinh bột sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu vào đầu buổi tối, trong khi các protein lại hoạt động như chất ổn định lâu dài.

3. Kiểm soát cân nặng

Cân nặng tăng cao quá mức có thể làm lượng đường trong máu tăng cao, vậy nên bạn cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ và tỷ lệ tăng cân. Tăng quá nhiều cân một cách nhanh chóng (1 kg trở lên mỗi tuần) sẽ tạo ra thêm chất béo cho cơ thể và có thể gây hiệu ứng kháng insulin.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo cho bạn một thai kỳ khỏe mạnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!