5 yếu tố cha mẹ cần quan tâm để chăm con 0-5 tuổi khỏe mạnh mỗi ngày

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Cha mẹ cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ, không tự ý dùng kháng sinh cho con... để bé có được sự phát triển toàn diện.

5 yếu tố cha mẹ cần quan tâm để chăm con 0-5 tuổi khỏe mạnh mỗi ngày

Tại hội thảo nhi khoa với chủ đề 'Chăm con khỏe mạnh mỗi ngày', Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã tư vấn cho các bậc cha mẹ cách để trẻ có được sự phát triển toàn diện.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, để trẻ có được sự phát triển tốt, cha mẹ cần quan tâm cả về thể chất, chiều cao, cân nặng cũng như tinh thần của trẻ. Nếu trẻ được chăm sóc tốt trong môi trường an toàn và thuận lợi trong những năm đầu đời, thì những tiềm năng của trẻ sẽ được phát triển một cách tối ưu nhất.

Quan tâm đến sự phát triển bình thường của trẻ 

Trong giai đoạn nuôi con từ 0 - 5 tuổi, bậc cha mẹ cần theo dõi chiều dài/chiều cao của bé theo biểu đồ tăng trưởng hàng tháng, hàng năm của trẻ nhỏ. 'Nếu chiều cao của trẻ không tăng, có thể là trẻ đang bị thiếu dinh dưỡng. Cha mẹ nên để ý tới phân của bé, nếu phân nhờn mỡ thì nhiều khả năng là cơ thể bé không hấp thụ được mỡ. Nếu bé ăn tốt, hấp thụ tốt mà chiều cao vẫn không tăng thì có thể bé đang mắc một bệnh mãn tính nào đó. Khi ấy, cha mẹ cần đưa bé đi khám để tìm nguyên nhân', PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho hay.

Một vấn đề nữa mà cha mẹ ít quan tâm khi nuôi con nhỏ là sự phát triển vòng đầu cho tới khi trẻ được 2 tuổi. Vòng đầu của bé cần phát triển đúng chuẩn, nếu to hơn chuẩn hoặc nhỏ hơn chuẩn cần đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân.

Tặng con chiều cao

PGS.TS Quỳnh Hương cho hay trẻ em sẽ có sự tăng trưởng mạnh về chiều cao vào những năm đầu đời và tuổi dậy thì. Theo đó, ở giai đoạn tiền dậy thì một giấc ngủ sâu từ 21-23h sẽ giúp não bộ tiết hóc môn tăng trưởng nhiều nhất. Đây là thời điểm vàng giúp cho bé tận dụng được hóc môn tăng trưởng để tăng chiều cao. 'Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đúng mức tới giấc ngủ. Họ để cho trẻ ngủ muộn, thậm chí tới 0h. Điều này khiến cho trẻ không tận dụng được hormone tăng trưởng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của bé', cô bổ sung.

Bệnh lý ở trẻ

Trẻ em thường gặp phải các bệnh lý như ho, nôn, biếng ăn hoặc tiêu chảy trong những năm đầu đời. Nếu trẻ mắc các bệnh lý trên, PGS. TS Quỳnh Hương đặc biệt nhấn mạnh cha mẹ không nên tự ý dùng kháng sinh để điều trị bệnh cho trẻ.

'Nếu trẻ ho, khò khè kéo dài mà không sốt, nhiều khả năng trẻ bị hen phế quản. Khi đó chưa chắc trẻ đã cần dùng kháng sinh nên gia đình đừng tự ý mua kháng sinh cho trẻ dùng mà cần đi khám bác sĩ. Nếu trẻ chán ăn do tâm lý, tức là vẫn thích ăn vặt nhưng đến bữa chính không ăn, cha mẹ tuyệt đối không ép trẻ ăn, cần cho trẻ dùng bữa cùng gia đình, không cho trẻ ăn rong, cần thay đổi thực đơn hàng ngày cho bé. Tuyệt đối không cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi vì điều này sẽ khiến dạ dày tiết axit trong lúc xem tivi, lâu dần sẽ sinh phản xạ tiết axit khi xem tivi, như vậy trẻ sẽ gặp nguy cơ viêm dạ dày', cô cho hay.

Cha mẹ cũng cần quan tâm đến màu phân của trẻ. Các trường hợp mà cha mẹ cần đưa con đi gặp bác sĩ ngay là khi phân bé có màu đen (trẻ bị chảy máu trong ruột), có màu trắng (nhiều khả năng trẻ bị tắc mật), phân có máu.

Một số bệnh lý cha mẹ cũng có thể phát hiện ngay khi nhìn màu, ngửi mùi nước tiểu của con. Nếu nước tiểu của bé có màu trắng đục như sữa, nhiều khả năng bé tiểu ra dưỡng chất. Nếu nước tiểu có mùi thơm như nước đường chưng, con có khả năng gặp rối loạn chuyển hóa axit amin, gây tình trạng ứ axit amin lên não và làm chậm phát triển tinh thần. 'Nếu con gặp phải một trong các trường hợp trên, cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay lập tức', cô nhấn mạnh.

Kháng sinh và kháng kháng sinh

'Ít bậc cha mẹ biết rằng kháng sinh chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn mà không có tác dụng đối với virus. Do đó, nếu trẻ mắc bệnh do virus gây ra thì thuốc kháng sinh cũng không thể làm trẻ khỏi bệnh. Đồng thời, việc dùng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ sẽ có nguy cơ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, gây khó khăn cho đội ngũ y bác sĩ trong việc điều trị cho bệnh nhi', PGS.TS cho hay. Lời khuyên mà cô dành cho bậc cha mẹ là đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì, đặc biệt với các loại thuốc có độc tính, phụ huynh không được tự ý dùng cho con mà không theo chỉ định của bác sĩ.

Tiêm chủng

Trẻ cần được tiêm các loại vaccine đầy đủ theo lịch tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm. PGS.TS lưu ý vaccine phòng cúm sẽ không được tiêm cho trẻ bị dị ứng trứng. Vì vậy, trẻ cần được ăn thử trứng trước khi đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin này.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!