Nhiều anh em cùng bị ung thư
Tại xã Vân Nội, Ninh Giang, Hải Dương có gia đình anh Phạm Duy V (sinh năm 1968) có 9 anh em thì 7 người mắc ung thư đại trực tràng. Một người anh trai của anh V sinh năm 1961 đã qua đời vì ung thư đại trực tràng.
Hiện nay, ngoài anh V có 5 người anh chị em còn lại hiện tại vẫn đang tiếp tục điều trị và tái khám tại Bệnh viện K trung ương. Các bác sĩ cho biết, trường hợp gia đình bệnh nhân V, không loại trừ khả năng mang gen di truyền nên cả gia đình đều mắc ung thư đại tràng.
Hiện nay, có khoảng 5% người mắc ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền về gene. Tỷ lệ ung thư đại trực tràng di truyền ở các nước phương Tây lên tới 30%. Còn ở Việt Nam, tỉ lệ này chiếm khoảng từ 2% tới 5% tổng số ca mắc bệnh ung thư. Tại bệnh viện K vừa ghi nhận trường hợp gia đình có nhiều thế hệ, anh em trong gia đình đều mắc ung thư đại tràng.
Theo PGS Đoàn Hữu Nghị– nguyên Giám đốc Bệnh viện E trung ương, người có trên 40 năm kinh nghiệm về nghiên cứu ung thư cho biết hiện nay ung thư đại trực tràng được xếp vào căn bệnh ung thư thứ 3 sau ung thư phổi, ung thư vú trên thế giới.
Đối với nam giới, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ tư sau ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư dạ dày. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,8 triệu người mắc ung thư đại trực tràng chiếm 10,2 % trong tổng số các bệnh ung thư mắc trên thế giới.
Nội soi cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng
Tuy nhiên, điều đáng mừng là tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng đã giảm trong nhiều thập kỷ nhờ phát hiện sớm qua sàng lọc và cơ hội khỏi lên tới 90%.
Khi ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sau 5 năm tới khoảng 90%. Tuy nhiên, theo PGS Nghị chỉ có khoảng 40% trường hợp ung thư đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn này. Khi ung thư đã lan ra ngoài đại tràng hoặc trực tràng, tỷ lệ sống thấp hơn rất nhiều.
PGS Nghịnhấn mạnh ung thư đại trực tràng tiên lượng tốt chỉ ở giai đoạn sớm có can thiệp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị can thiệp tốt nếu bệnh ở giai đoạn di căn xa, biến chứng thì tiên lượng xấu, thời gian sống thêm rất ngắn.
Ai cần tầm soát
Bệnh ung thư đại trực tràng có các triệu chứng nghèo nàn và rất dễ nhầm lẫn với các chứng rối loạn tiêu hóa. Một số dấu hiệu cảnh báo như đi đại tiện ra máu dính trong khuôn phân, đau bụng, đi phân lúc lỏng, lúc táo, rối loạn tiêu hoá, cảm giác đi ngoài không hết, phân dẹt…
Tuy nhiên, khi có các dấu hiệu này thì người bệnh thường được phát hiện khi bệnh ở giai đoạn muộn và khả năng điều trị thấp. Chính vì thế, PGS Nghị khuyến cáo những người dưới đây cần được sàng lọc sớm ung thư đại trực tràng.
Căn bệnh ung thư đứng hàng thứ 3 ở Việt Nam
1. Có người thân (cha mẹ, anh chị em, con cái) bị ung thư đại trực tràng hoặc có polyp u tuyến.
2. Người đã có polyp u tuyến và được loại bỏ hoặc đã từng bị chẩn đoán ung thư đại trực tràng.
3. Bị các bệnh về đường ruột như viêm loét đại tràng hoặc Crohn.
4. Có hội chứng polyp di truyền hiếm gặp như FAP hoặc hội chứng Lynch (HNPCC).
5. Người đã từng điều trị bức xạ vào bụng hoặc khung xương chậu.
6. Những người bị polyp cũng cần theo dõi vì một polyp đại tràng có thể mất khoảng 10 đến 15 năm để phát triển thành ung thư đại trực tràng.
Sàng lọc thường xuyên có thể ngăn chặn hoàn toàn bằng cách tìm và loại bỏ các khối u trước khi chúng có cơ hội để trở thành ung thư. Sàng lọc cũng có thể giúp tìm ra bệnh ung thư đại trực tràng sớm, khi khối u còn nhỏ, chưa lây lan và dễ dàng điều trị.
Hiện nay việc sàng lọc ung thư đại trực tràng có thể thực hiện các tầm soát sàng lọc sớm bằng xét nghiệm CEA, Tìm máu ẩn trong phân (FOB) nên làm hàng năm. Nội soi đại trực tràng hoặc chẩn đoán hình ảnh (siêu âm và CT).
Để phòng ung thư đại trực tràng, bác sĩ Nghị cho biết ngoài các yếu tố gene, di truyền không thể tránh. Mọi người không sử dụng các loại thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích. Thường xuyên tập thể dục thể thao và duy trì cân nặng hợp lý.
Duy trì chế độ ăn uống khoa học: Hạn chế thịt đỏ, đồ ăn chế biến sẵn (xúc xích, thịt hun khói…), ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, các thực phẩm giàu vitamin.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!