Thương truật trị phong thấp, rối loạn tiêu hóa

Cần biết - 11/24/2024

Thương truật còn có tên mao truật, xích truật, nam thương truật. Thương truật là rễ củ phơi khô của cây thương truật (Atractylodes lancea (Thunb) DC.), thuộc họ cúc (Asteraceae).

Ngoài ra, còn có vị thuốc bắc thương truật (Atractylodis sinensis DC.), thương truật Nhật Bản (Atractylodis japonica Kitaga.).

Thương truật chứa glucosid (atractylol, atractylon, hinesol, eudesmol), tinh dầu (p.xymen, õ-eudesmol, elemol, õ-selimen, arcucumen) và polysaccharid. Theo Đông y, thương truật vị cay đắng, tính ấm; vào kinh tỳ và vị. Có tác dụng kiện tỳ, trừ thấp, phát hãn, minh mục. Chữa chứng thấp trở trung tiêu, trừ phong thấp, tả tiết, ẩm tích, mắt khô, quáng gà. Liều dùng: 4 - 12g.

Thương truật trị phong thấp, rối loạn tiêu hóa

Cây và vị thuốc thương truật.

Bài thuốc có dùng thương truật

Trừ thấp giảm đau: Trị các chứng bệnh do phong thấp hoặc hàn thấp sinh đau nhức khớp xương, chân tay và thân mình.

Bài 1: thương truật, tần giao, tỳ giải, mộc qua, ý dĩ, tầm gửi cây dâu, thạch hộc, hoàng kỳ, thục địa, thạch xương bồ, tằm sa mỗi vị 12g; cam thảo 4g. Sắc uống. Trị đau khớp, đau do phong hàn thấp.

Bài 2 - Bột Nhị diệu: thương truật 2g, hoàng bá 2g. Các vị nghiền bột, làm hoàn. Ngày 3 lần, mỗi lần 8 - 12g, uống với nước ấm. Trị gân xương đau nhức do thấp nhiệt.

Nếu thêm ngưu tất, gọi là Hoàn Tam diệu;thêm ý dĩ gọi là Hoàn Tứ diệu. Cả hai bài đều trị thấp nhiệt ở phần dưới: chân, đầu gối sưng nóng đỏ đau.

Bài 3:mạch nha, thương truật, bán hạ chế, bạch truật, hoàng kỳ mỗi vị 12g; trần bì 8g, nhân sâm 8g, thiên ma 16g, can khương 6g; phòng phong, phục linh, trạch tả, xuyên khung mỗi vị 10g. Sắc uống. Chữa đầu choáng, tâm phiền, nhiều đờm, lợm giọng buồn nôn, nôn mửa.

Giúp tiêu hóa, cầm tiêu chảy: Trị tỳ vị hàn thấp, ăn uống kém, buồn nôn khó chịu, bụng trướng tiêu chảy.

Bài 1 - Bột Bình vị: thương truật 12g, trần bì 6g, cam thảo 4g, hậu phác 8g, gừng tươi 8g, đại táo 8g. Sắc uống. Trị các chứng bệnh trên.

Bài 2: thương truật 40g, bạch thược 20g, hoàng cầm 10g, quế nhục 4g. Các vị tán bột, làm hoàn. Mỗi lần uống 12g với nước cơm. Chữa tỳ thấp, tiêu chảy, biếng ăn, đại tiện phân sống.

Bài 3 - Việt cúc hoàn: thương truật, hương phụ, xuyên khung, thần khúc, chi tử (sao) mỗi vị 12g. Các vị tán bột, làm hoàn. Mỗi lần uống 6 - 10g với nước ấm hoặc sắc uống. Công dụng hành khí giải uất. Chữa khí uất làm cho buồn bực bế tắc, dạ dày đau, ợ chua, buồn nôn và nôn, ăn không tiêu.

Tán hàn giải biểu: Bột thần truật:thương truật 8g, cảo bản 6g, xuyên khung 8g, khương hoạt 8g, bạch chỉ 8g, cam thảo 4g, tế tân 3g. Các vị nghiền bột thô, thêm hành ta, gừng tươi, sắc uống lúc còn nóng cho ra mồ hôi. Trị cảm lạnh sợ lạnh, nhức đầu, không ra mồ hôi.

Trị quáng gà: thương truật 12g, gan dê 150 - 200g. Hãm sắc thương truật lấy nước. Gan dê rửa sạch, dùng dao inox thái miếng, cho vào nước gan dê nấu chín, thêm gia vị, ăn.

Kiêng kỵ:Người thể âm hư, nóng trong, đại tiện táo không dùng được.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!