6 thắc mắc thường gặp về chứng khô miệng

Chăm sóc răng miệng - 05/02/2024

Đừng để chứng khô miệng làm bạn khó chịu. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách giảm chứng khô miệng, những thực phẩm/ thuốc cần tránh và cách phòng ngừa.

Nước bọt khi tiết ít sẽ gây khô miệng. Khô miệng không phải là bệnh, nhưng là dấu hiệu của các rối loạn hoặc tác dụng phụ của một vài loại thuốc, như thuốc kháng histamin, thuốc trị nghẹt mũi, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu và nhiều loại thuốc khác.

Nước bọt giúp ngăn ngừa sâu răng, đảm bảo các mô cứng và mô mềm trong miệng được khoẻ mạnh. Nước bọt giúp quá trình nuốt thức ăn diễn ra trơn tru hơn, cuốn cặn dư để làm sạch khoang miệng, trung hoà axit hình thành bởi vi khuẩn trong miệng và cung cấp các chất chống lại các loại bệnh trong miệng, cung cấp vòng bảo vệ đầu tiên chống lại sự lây nhiễm của các loại vi sinh vật gây bệnh.

Một số vấn đề thông thường đi kèm với khô miệng là đau họng, rát họng, khó nói, khó nuốt, khản giọng hay khô mũi. Trong một vài trường hợp, khô miệng là dấu hiệu của hội chứng Sjögren.

Đâu là dấu hiệu nhận biết chứng khô miệng?

Nếu khoang miệng không tiết ra đủ nước bọt, bạn có thể có các triệu chứng sau:

  • Cảm giác khô, dính trong miệng;
  • Khát nước thường xuyên;
  • Rát miệng, rát hoặc nứt da quanh góc miệng, nứt môi;
  • Khô họng;
  • Cảm giác nóng và đau như kim châm trong miệng, đặc biệt là ở lưỡi;
  • Lưỡi đỏ, khô;
  • Khó nói, khó nếm thức ăn và khó nhai, nuốt;
  • Giọng khàn, khô mũi, rát họng;
  • Hơi thở có mùi.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc nha sĩ.

Giảm triệu chứng khô miệng bằng cách nào?

Bên cạnh thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ hoặc nha sĩ, các mẹo sau có thể giúp bạn giảm triệu chứng khô miệng:

  • Nhấp nước hoặc các loại thức uống không đường để làm ẩm miệng, uống nước trong lúc ăn để giúp nhai và nuốt dễ dàng hơn.
  • Nhai kẹo gum không đường hoặc ngậm kẹo cứng không đường. Tuy nhiên đối với một vài người, xylitol – có trong kẹo gum và kẹo cứng không đường, có thể gây ra tiêu chảy hoặc chuột rút khi tiêu thụ với số lượng lớn. Do đó, bạn nên lưu ý đến vấn đề này.
  • Dùng thử các loại nước bọt thay thế không kê toa chứa carboxymethyl cellulose hoặc hydroxyethyl cellulose, chẳng hạn như Biotene Oral Balance.
  • Thở bằng mũi. Bạn có thể cần tìm cách chữa ngáy để tránh thở bằng miệng khi ngủ.
  • Tăng độ ẩm không khí ban đêm trong phòng bằng máy tạo độ ẩm.
  • Dưỡng ẩm cho môi để làm dịu những vùng bị khô và nứt.

Những thực phẩm và thuốc nào cần tránh khi bị khô miệng?

Chứng khô miệng của bạn trở nên tệ hơn do:

  • Cà phê và thức uống có cồn: những chất này có thể gây khô và kích ứng. Đừng sử dụng nước súc miệng có chứa cồn.
  • Tất cả các loại thuốc lá: nếu bạn hút hoặc nhai thuốc lá, bạn nên ngưng sử dụng chúng, vì thuốc lá có thể làm khô và kích ứng miệng.
  • Thuốc kháng histamin và thuốc trị nghẹt mũi không kê toa: các loại thuốc này có thể làm tình trạng khô miệng của bạn tệ hơn.
  • Các loại thức ăn và kẹo chứa nhiều đường và có độ axit cao: các loại thức ăn này tăng khả năng sâu răng. Đồng thời cũng nên tránh các loại đồ ăn nóng và mặn vì chúng dễ gây kích ứng miệng.

Bạn nên thực hiện những điều sau để bảo vệ sức khỏe răng miệng và và ngăn ngừa tình trạng khô miệng:

  • Đánh răng với kem đánh răng có chứa flo và sử dụng chỉ nha khoa. Hỏi nha sĩ kê đơn các loại kem đánh răng chứa flo, betaine hoặc các loại gel bôi lên răng giúp trung hoà axit tạo ra bởi vi khuẩn nếu các loại thuốc này có lợi cho bạn.
  • Sử dụng nước súc miệng và các loại gel có chứa flo, không cần súc lại với nước trước khi đi ngủ.
  • Gặp nha sĩ ít nhất hai lần mỗi năm để khám răng và loại bỏ mảng bám, giúp ngăn chặn sâu răng.

Nếu chứng khô miệng kéo dài, bạn nên hẹn khám bác sĩ gia đình hoặc nha sĩ nhé.

Bạn có thể phòng ngừa khô miệng bằng cách nào?

Khô miệng là tình trạng phổ biến và có thể phòng tránh được. Bạn hãy thử các biện pháp dưới đây:

  • Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà, đặc biệt là phòng ngủ;
  • Thở bằng mũi thay vì bằng miệng;
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc gây khô miệng gồm thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamine, thuốc trị nghẹt mũi;
  • Bác sĩ có thể giúp bạn tìm các loại thuốc thay thế;
  • Tránh các loại thức uống gây khô miệng như cà phê, thức uống có cồn;
  • Tránh hút thuốc lá.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!