Tại Hà Nội, theo đánh giá của CDC, tới 68% bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua (ảnh minh họa)
Sáng 13/4, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, qua thực tế phân tích dịch tễ học, các ca bệnh của Hà Nội có 68% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua.
Do đó, nếu dựa vào triệu chứng lâm sàng thì khả năng bỏ sót đến 2/3, chỉ có khả năng phát hiện 1/3. Đây là tính chất hết sức phức tạp của dịch bệnh mới này.
'Dù không có triệu chứng nhưng khả năng lây lan vẫn còn nguyên nên việc giám sát, phát hiện dựa vào xét nghiệm là phần rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch', ông Cảm nói.
Theo ông Cảm, với nhận định sơ bộ như vậy, nếu thời gian vừa qua, thành phố không quyết liệt triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng thì khả năng dịch lây lan rộng, bùng phát trên địa bàn là hoàn toàn có thể.
Vậy thông tin 68% người mắc Covid- 19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua có đáng lo ngại hay không?
Trả lời câu hỏi này với VietNamNet, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng việc không có dấu hiệu là cảnh báo sự nguy hiểm của dịch bệnh vì mặc dù không có biểu hiện mắc Covid- 19 thì mầm bệnh vẫn lây như thường.
'Vì khi người lành mang bệnh không có biểu hiện có thể vô tình khiến cho người dân chủ quan khi tiếp xúc, không dự phòng… sẽ dễ bị nhiễm bệnh, nhất là người già', PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhận định.
Chính vì sự nguy hiểm này, cho nên PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, quan trọng nhất thời điểm hiện nay vẫn là 'phải giữ khoảng cách, thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng cũng như thực hiện cách ly những người mắc bệnh'.
Ông dẫn chứng, qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định như các ca mắc Covid-19 mới có xu hướng chững lại, không có sự lan tràn mạnh trong cộng đồng. Đây là lần đầu tiên nước ta quyết định thực hiện giãn cách xã hội. Nếu không thực hiện quyết liệt như vậy, dịch đã bùng phát mạnh.
'Với các ổ dịch như quán bar trong TP.CHM, Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh,... chúng ta đã kịp thời khống chế. Tôi cho là chúng ta đã làm tốt', PGS Nga nói.
Tuy nhiên trước ý kiến cho rằng ngay cả các thành viên trong gia đình cũng cần phải giữ khoảng cách, chẳng hạn việc ăn cũng nên bố trí người ăn trước, ăn sau, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng 'điều này khó thực hiện'.
Vì trong gia đình khác với ngoài xã hội, 'nhiều lúc là phải chấp nhận', 'nếu nghiêm túc thực hiện quá thì nhiều lúc sẽ gây ức chế tâm lý nhất là với trẻ con không được ngồi ăn cùng với bố mẹ, người lớn… hoặc cha mẹ già mà không có người bón cho ăn... thì cũng không được'.
Để phòng bệnh cho bản thân và gia đình, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng tốt nhất vẫn là phòng bệnh. Nếu trong gia đình có người bắt buộc phải ra ngoài thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2m.
'Nếu tiếp xúc với người mà không rõ có bệnh hay không, thì khi về nhà cần để giày, dép, bên ngoài…, thay quần áo, khẩu trang, tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ rồi mới tiếp xúc với người thân đặc biệt là việc ôm trẻ con hay bắt tay người nhà…', PGS. TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 14/4, cả nước không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 sau 12 giờ đồng hồ kể từ 18 giờ chiều qua.
Như vậy Việt Nam hiện có 265 ca bệnh. Trong đó, 160 người từ nước ngoài chiếm 60,4% và 105 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 39,6%.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!