Dưới đây là 7 loại bệnh khi mang thai mà chị em thường hay gặp.
1. Bệnh cúm
Một trong những bệnh thai phụ hay mắc phải là bệnh cúm. Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do vi-rút gây ra. Cúm rất dễ lây từ người này sang người khác, nhất là đối với phụ nữ mang thai vì khi có thai, sức đề kháng của người phụ nữ giảm đi.
Trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ kém đi rất nhiều vì thế các vi-rút gây bệnh có nhiều khả năng ‘tấn công’ hơn. Với những người có sẵn cơ địa nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể dẫn đến bị bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm do vi-rút, vi khuẩn gây nên.
Ảnh minh họa
Phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ. Khi người mẹ nhiễm cúm, hậu quả có thể là làm tăng khả năng sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ hoặc dẫn đến những dị tật bẩm sinh nhẹ ở thai nhi như: hở hàm ếch…
Để phòng ngừa bệnh cúm khi mang thai, thai phụ cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tinh thần tốt, không nên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cúm. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc khi có các biểu hiện của cúm mà cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định cụ thể. Những phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vaccin phòng cúm trước khi mang thai 3 tháng đến 1 năm.
2. Táo bón
Hơn 50% thai phụ thường gặp rắc rối với vấn đề đại tiện, chủ yếu là táo bón. Trong thời kì mang thai, chị em ít vận động, hơn nữa, nồng độ hormone progesteron trong máu tăng lên làm giảm nhu động ruột, thai phát triển gây chèn ép đại tràng khiến phân chậm di chuyển.
Những chất bổ dưỡng, các loại thuốc và thực phẩm chứa sắt thường gây nóng cho cơ thể. Đây cũng là nguyên gây ra táo bón ở các bà bầu.
Khi bị táo bón, nhiều thai phụ dễ bị ức chế, có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, hay cáu gắt, thậm chí chán ăn, suy kiệt sức khỏe, tinh thần… Điều này nếu kéo dài có thể khiến cơ thể mẹ bị thiếu chất dinh dưỡng, thai nhi không được nuôi dưỡng đầy đủ, dẫn đến chậm phát triển, dễ mắc các khuyết tật, sau khi sinh sẽ có sức đề kháng kém…
Hơn nữa, phân tồn tại lâu trong đường tiêu hóa có chứa nhiều chất thải độc hại, khi không được bài tiết ra ngoài có thể xâm nhập trở lại qua đường tiêu hóa gây nhiễm độc ngoài ý muốn cho cả mẹ và thai nhi.
Để ngăn ngừa bệnh táo bó, khi mang thai, thai phụ nên ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả…
3. Chảy máu nướu răng
Mang thai khiến sức đề kháng của bạn giảm sút, lúc đó nướu răng sẽ mềm và rất dễ bị tổn thương. Triệu chứng của nó là thường là sưng đỏ do cao răng tích tụ ở chân răng gây đau nhức, biểu hiện qua những chứng bệnh về răng miệng như viêm nha chu, chảy máu chân răng…
Để phòng tránh tình trạng này, các bà bầu nên dùng chỉ nha khoa và đánh răng kỹ sau khi ăn. Nên đến nha sĩ để được tư vấn, bổ sung một số dưỡng chất cần thiết có lợi cho răng. Điều lưu ý đặc biệt là bạn không được chụp X quang hay gây mê lúc này.
4. Chứng khó thở
Vào cuối thai kỳ, khi sức ép của thai nhi đặt lên cơ hoành thì việc bạn khó thở là hoàn toàn bình thường. Khoảng một tháng trước khi sinh, chứng khó thở này sẽ giảm đi khá nhiều. Tuy nhiên bạn cũng cần để ý đến lượng máu trong cơ thể mình bởi vì thiếu máu cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng trên.
Vào thời gian này, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Mỗi khi khó thở, hãy tập động tác ngồi chồm hổm và thở sâu, từ từ. Kê thêm một cái gối khi ngủ cho dễ thở.
5. Chuột rút
Đây là triệu chứng cơ bắp co thắt khiến bạn rất đau, thường xảy ra ở bắp chuối chân và bàn chân, đặc biệt là vào ban đêm. Bắt đầu cơn đau bằng triệu chứng cẳng chân duỗi đơ ra và các ngón chân quắp xuống. Theo nghiên cứu thì bệnh này xảy ra ở thai phụ thường là do cơ thể thiếu canxi.
Xoa bóp nhẹ nhàng bắp chân và bàn chân bị co rút sẽ giúp các bà bầu có cảm giác thoải mái hơn, sau đó đi dạo một vòng để máu lưu thông tốt hơn. Khám bệnh để bác sĩ bổ sung thêm canxi và vitamin D.
Ảnh minh họa
6. Đái rắt
Hiện tượng đái rắt (thường vào ban đêm) là điều dễ gặp của các chị em mới có thai trong vòng 3 tháng đầu của thai kỳ. Thực sự đây không phải là bệnh mà chỉ là hiện tượng sinh lý của người mới có thai của kỳ tam cá nguyệt đầu tiên. Khi có thai, tử cung to dần lên, đè trực tiếp vào phía sau bàng quang gây những kích thích khiến thai phụ luôn có cảm giác mót tiểu và tạo nên tình trạng đái rắt.
Lời khuyên cho các mẹ bầu lúc này là nên uống ít nước trước khi đi ngủ. Không nên quá lo lắng bởi vì thường sau ba tháng trở đi, tử cung to lên, phát triển vượt ra khỏi lòng xương chậu và không trực tiếp đè vào bàng quang nữa, lúc đó hiện tượng này sẽ tự hết.
Tuy thế, khi thai nghén đến tháng cuối, vào những ngày sắp sinh, do đầu thai nhi tụt thấp xuống đè vào bàng quang, lúc đó tình trạng đái rắt lại có thể xuất hiện. Nếu hiện tượng này kéo dài thì hãy nghĩ đến bệnh nhiễm trùng đường tiểu.
7. Bệnh trĩ
Ăn ít chất xơ, ít uống nước, ít vận động khi mang thai là những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến bệnh trĩ ở bà bầu. Sở dĩ nó là nguyên nhân gián tiếp vì các thói quen trên dễ làm cho bà bầu bị táo bón. Và táo bón lâu ngày là nguyên nhân có thể gây ra bệnh trĩ.
Ngoài ra, theo thời gian, bào thai phát triển sẽ khiến tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu thai phụ bị chèn ép là nguyên nhân hình thành trĩ.
Một số người có trĩ sẵn nhưng ở dạng ẩn (bên trong) sẽ dễ bị lộ trĩ trong quá trình mang thai hoặc sau sinh. Số khác hình thành bệnh trong lúc mang bầu hoặc sau sinh. Hiện tượng này không phải hiếm bởi vì, khi sinh, tình trạng tử cung mở to, tăng áp lực khoang chậu, tụ máu sưng phù tĩnh mạch ở phần hậu môn hoặc việc rặn sinh làm tăng áp lực lên ổ bụng, cũng khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài.
Phòng bệnh trĩ khi mang thai không phải là quá khó. Khi có thai, thai phụ nên kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý với thường xuyên tập thể dục. Các tư thế thể dục được lựa chọn phải đảm bảo làm sao để bào thai không đè xuống phần dưới cơ thể.
Khi có thai, thai phụ càng nên uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau củ quả. Hạn chế thức ăn nóng nhiệt, không nên ăn nhiều muối, đường. Đặc biệt không sử dụng thức ăn có chất kích thích.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!