7 lời khuyên sử dụng dầu ăn tốt cho sức khỏe

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Nhiệt độ cao không những phá huỷ thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sinh ra peroxide và các chất gây hại cho sức khỏe.

Dầu là loại gia vị cần thiết thường dùng hàng ngày để món ăn thêm hấp dẫn, bổ dưỡng. Để sử dụng sản phẩm đúng cách, bà nội trợ nên sử dụng cùng lúc hai loại dầu ăn, đồng thời không nên chiên dầu ở nhiệt độ cao quá...

Nên có hai loại dầu ăn trong bếp

Tại hội thảo 'Hướng dẫn sử dụng dầu ăn đảm bảo an toàn thực phẩm và có lợi cho sức khỏe' do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức mới đây, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mỗi gia đình nên có sẵn 2 loại dầu ăn. Một loại dùng để xào, trộn dầu dấm, salat, nấu canh, ướp thịt cá...; loại còn lại dùng cho các món chiên, rán. Các loại dầu như hướng dương, đậu nành, hạt cải, ô-liu… nên dùng để xào, ăn sống, ướp thực phẩm, giúp người sử dụng hấp thu tốt các vitamin A, D, E, K có sẵn trong thực phẩm, bổ sung các a-xít béo thiết yếu và tăng vị ngon cho thức ăn. Các loại dầu cooking (hỗn hợp) sẽ thích hợp cho việc chiên rán vì có khả năng chịu được nhiệt độ cao trong quá trình nấu nướng.

7 lời khuyên sử dụng dầu ăn tốt cho sức khỏe

Ảnh minh họa

Không nên dùng dầu ở nhiệt độ cao

Nhiệt độ cao không những phá huỷ thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra peroxide và các chất gây hại cho sức khỏe. Khi nhiệt độ vượt quá 'điểm bốc khói' của dầu ăn, dầu sẽ bị cháy, bốc khói và có mùi khét. Vì vậy, tốt nhất là sử dụng nhiệt độ vừa phải khi nấu nướng, đặc biệt là khi chiên rán, để thực phẩm chín sâu và dầu không bị cháy. Nếu bạn có thói quen xào nấu thực phẩm khi thấy dầu sôi, bốc khói thì nên đổi cách làm đúng là để cho chảo thật nóng, sau đó mới cho dầu vào, tiếp đến cho luôn cả thực phẩm cần nấu.

Không sử dụng dầu chiên lại nhiều lần

Dầu ăn đã đun nấu qua một lần, tốt nhất nên đổ đi, không sử dụng lại, bởi khi dầu ăn bị đun nóng nhiều lần, các vitamin và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, sẽ xuất hiện một số chất gây hại cho sức khỏe và có thêm cả những cặn thực phẩm sau quá trình đun nấu mà mắt thường không nhìn thấy. Nếu thường xuyên sử dụng, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, dầu ăn sử dụng lại cũng dễ bị oxy hóa dẫn đến sự thay đổi bất lợi về mùi vị và màu sắc của món ăn. Thực phẩm khi chiên với dầu mới sẽ cho màu tươi, thơm ngon, còn với dầu sử dụng lại nhiều lần sẽ có màu vàng sậm, không hấp dẫn và không an toàn cho sức khỏe.

Dầu ăn bị đông không hại cho sức khỏe

Dầu ăn bị đông khi nhiệt độ xuống thấp là một hiện tượng vật lý bình thường, có cơ chế tương tự như hiện tượng nước đông thành nước đá, không có biến đổi hóa học nào ảnh hưởng đến chất lượng của dầu nên không gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, không thể lấy độ đông của dầu ăn để đánh giá chất lượng của sản phẩm. Để tránh hiện tượng dầu đông, nên bảo quản dầu ăn ở nhiệt độ 25oC. Khi dầu bị đông, chỉ cần ngâm chai dầu vào nước ấm, dầu sẽ quay lại trạng thái lỏng và có thể sử dụng như bình thường. 

Người già nên sử dụng các loại dầu ăn chứa omega 3, 6, 9

Càng lớn tuổi, nhu cầu về chất béo và đặc biệt là mỡ động vật càng giảm vì cholesterol và a-xít béo có trong mỡ động vật sẽ góp phần làm gia tăng lượng cholesterol trong máu, dẫn tới tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và chuyển hóa. Khi đó, cần giảm tỷ lệ mỡ động vật trong khẩu phần và đặc biệt chú trọng sử dụng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu oliu… để bảo vệ sức khỏe. Đây là những loại dầu chứa nhiều hàm lượng omega 3, 6, 9 có hoạt tính sinh học cao, đóng vai trò chuyển hóa cholesterol xấu trong máu giúp phòng ngừa được các bệnh tim mạch và cao huyết áp.

Dùng xen kẽ các loại dầu ăn cho trẻ nhỏ

Trẻ càng nhỏ, nhu cầu về chất béo càng cao, có thể lên tới 40% tổng năng lượng khẩu phần để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển rất nhanh chóng trong những năm đầu đời. Trong giai đoạn này, cần cung cấp đầy đủ và đa dạng chất béo cho trẻ từ cả hai nguồn động, thực vật, đặc biệt là DHA, omega 3 có nhiều trong dầu cá hồi và một số loại dầu thực vật. Vì vậy, nên dùng xen kẽ các loại dầu ăn để cung cấp đa dạng dưỡng chất cho trẻ. Một cách khác hiệu quả và tiện dụng hơn là sử dụng dầu ăn công thức đặc chế cho trẻ em với thành phần đã bao gồm dầu cá hồi và một số loại dầu thực vật như dầu gạo, mè, hạt cải…

Bảo quản dầu ăn đúng cách

Người dùng nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, cách xa nguồn nhiệt và ánh sáng. Ngoài ra, có thể trữ dầu ăn vào lọ sành, chai thủy tinh sạch, khô ráo, nắp kín. Nếu có nước trong lọ, nước bên ngoài lọt vào, hoặc vi khuẩn cùng không khí thâm nhập vào sẽ làm dầu ăn chóng hỏng. Không nên bảo quản dầu ăn trong lọ bằng kim loại vì chúng thường làm cho dầu bị hỏng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!