Dạy bé đi vệ sinh là công việc làm nản lòng nhiều ông bố bà mẹ, hơn nữa việc đi vệ sinh lại là một trong số ít những thứ mà trẻ em có toàn quyền kiểm soát.
Trẻ có thể tự quyết định việc chủ động đi vệ sinh hay không nên ngôn ngữ bạn sử dụng với con là rất quan trọng. Mục đích là để khích lệ và tăng tính độc lập cho con, mà không gây ra một cuộc đấu tranh quyền lực hoặc vô tình gây ra cảm giác xấu hổ hay thất bại cho chúng.
Rèn con đi vệ sinh có thể trở thành một 'cuộc chiến' nếu bạn không biết cách (Ảnh minh họa).
Phương pháp giáo dục Montessori đã sử dụng ngôn ngữ riêng với các bé đang học cách sử dụng nhà vệ sinh, bắt đầu với thuật ngữ 'học cách sử dụng nhà vệ sinh' (toilet learning) thay vì 'dạy ngồi bô' (potty training). Sự khác biệt có vẻ khó nhận thấy, nhưng nó phản ánh việc Montessori rất nhấn mạnh vào vai trò chủ động của trẻ trong quá trình, trong khi 'dạy đi bô' lại gợi đến một quá trình thụ động hơn.
Dưới đây là 8 cụm từ từ phương pháp Montessori để sử dụng trong mỗi giai đoạn dạy cho trẻ dùng nhà vệ sinh:
1. 'Bỉm của con bị ướt rồi. Cùng đi thay bỉm nào!'
Việc học cách nhận thức về cơ thể và những ngôn ngữ xoay quanh chủ đề vệ sinh bắt đầu ngay từ lúc bé mới sinh. Trong những ngày đầu, chúng ta phải dành rất nhiều thời gian thay bỉm. Đây là một cơ hội tuyệt vời để giúp con nhận thức được rằng chúng cảm thấy ẩm ướt vì đã tè vào bỉm, rằng bạn đang thay bỉm để cơ thể của con được sạch sẽ và thoải mái.
Từ góc độ Montessori, quan trọng là tránh sử dụng bất kỳ ngôn ngữ tiêu cực (hoặc biểu cảm tiêu cực) khi thay bỉm. Nói rằng việc này thật ghê hoặc hôi thối có thể ảnh hưởng đến cách con bạn cảm nhận về chức năng cơ thể và việc vệ sinh sau này. Thay bỉm kiểu Montessori cũng đòi hỏi tính hợp tác cao nhất có thể. Đối với những trẻ nhỏ tuổi nhất, việc này đòi hỏi lời giải thích những gì bạn đang làm. Với một em bé lớn tuổi, bạn có thể yêu cầu bé nhấc chân của mình để bạn có thể đặt bỉm bên dưới hoặc, nếu chúng đủ lớn, bạn có thể yêu cầu bé đi lấy bỉm sạch cho bạn.
Loại bỉm bạn sử dụng là một quyết định cá nhân, nhưng nhiều cha mẹ Montessori sử dụng bỉm vải vì bỉm vải cho phép trẻ cảm thấy ẩm ướt nhiều hơn các loại bỉm dùng 1 lần, giúp bé nhận thức rõ hơn về những gì đang xảy ra với cơ thể.
2. 'Bây giờ con đã đứng được rồi. Hãy thử đứng lên thay bỉm thôi!'
Ngay sau khi em bé hoặc trẻ mới biết đi và có thể đứng vững với sự hỗ trợ của bố mẹ, phương pháp Montessori chuyển sang giai đoạn thay bỉm đứng. Đứa trẻ đứng, nắm một vật dưới thấp thấp trong khi bạn thay bỉm cho con. Nếu bạn không muốn phải lắp một thanh chắn, một số gia đình bảo trẻ nắm cạnh của bồn tắm hoặc giá thấp hoặc bàn để thay thế.
Nếu bạn đang thay bỉm trong phòng của con bạn, đây là thời điểm tốt để đưa việc thay bỉm vào phòng tắm, nhờ đó sẽ giúp con bắt đầu kết nối các chức năng cơ thể với nhà vệ sinh.
3. 'Hãy cởi quần của con giúp mẹ nào!'
Một khi con bạn có thể đứng vững, đây chính là thời điểm tuyệt vời để khuyến khích mặc quần áo một cách độc lập. Đây là một kỹ năng cần thiết, vì bé sẽ có thể cởi quần áo một cách nhanh chóng để chạy đến nhà vệ sinh đúng lúc.
Hãy đảm bảo rằng bé mặc quần co giãn dễ dàng tụt xuống và kéo lên. Đây là một quá trình đòi hỏi rất nhiều thực hành và sự kiên nhẫn, do đó, tốt nhất là nên bắt đầu sớm!
4. 'Con có muốn dùng nhà vệ sinh không?'
Trong phương pháp Montessori, giáo viên sẽ bắt đầu hỏi trẻ nếu chúng muốn sử dụng nhà vệ sinh thay vì bô một khi chúng có thể tự lên và xuống bồn cầu. Ngay cả khi bé luôn luôn nói không lúc đầu, bạn vẫn nên tiếp tục hỏi. Con bạn có thể chỉ ngồi đó vài giây, nhưng chúng sẽ dần quen với việc sử dụng nhà vệ sinh và sẽ dần cảm thấy thoải mái hơn.
Trong khi không có độ tuổi chung cho việc trẻ em bắt đầu sử dụng nhà vệ sinh, nhiều trẻ em bắt đầu tỏ ra thích thú từ 12-18 tháng. Cố gắng đừng gây áp lực lên con bạn hoặc tỏ ra quá háo hức. Đây chỉ là quãng thời gian khám phá mà thôi.
5. 'Đến lúc sử dụng nhà vệ sinh rồi!'
Khi sự thích thú và khả năng của trẻ khi sử dụng nhà vệ sinh tăng lên, hãy thay đổi cách nói của bạn thành 'Đã đến lúc sử dụng nhà vệ sinh rồi.'
Trong khi bạn không nên ép buộc trẻ ngồi trên bồn cầu, cách nói này phản ánh việc sử dụng nhà vệ sinh giờ đây đã trở thành một yêu cầu, thay vì chỉ là một lựa chọn để khám phá. Hãy yêu cầu con bạn sử dụng nhà vệ sinh mỗi khi bạn thay bỉm. Cố gắng đặt giờ theo những lúc con thường cần phải đi vệ sinh, chẳng hạn như khi thức dậy và sau bữa ăn.
Nếu bé không muốn, hãy thử đưa một lựa chọn hạn chế, chẳng hạn như 'Con có thể sử dụng nhà vệ sinh ngay bây giờ hoặc sau khi con chơi xong'. Bạn cũng có thể thử nói: 'Con đang nói 'không', mẹ thấy con chưa sẵn sàng. Mẹ sẽ trở lại trong ba phút, lúc đó con hãy thử nhé!'.
6. 'Con tè trong nhà vệ sinh giống như mẹ và bố vẫn làm vậy!'
Cách tiếp cận Montessori không sử dụng bất kỳ hình phạt, phần thưởng, hoặc khen ngợi nào. Quá nhiều lời khen ngợi có thể đặt rất nhiều áp lực lên một đứa trẻ trong việc phải lặp lại hành động, có thể gây ra sự lo lắng và một sự ác cảm khi sử dụng nhà vệ sinh cho trẻ lớn.
Hãy quan sát dựa trên thực tế và tích cực, nhưng đừng để con bạn nghĩ rằng bạn để ý tới việc con có sử dụng được nhà vệ sinh hay không. Việc đó gây nên quá nhiều áp lực và kiểm soát lên trẻ.
7. 'Bây giờ con có thể mặc đồ lót rồi!'
'Hãy theo dõi trẻ' là một câu nói phổ biến trong Montessori, và việc này bao gồm vào phòng tắm. Thay vì áp một độ tuổi nhất định bạn nghĩ rằng con của bạn nên được dạy ngồi bô, hãy thử quan sát con bạn để biết các dấu hiệu rằng con đã sẵn sàng.
Những dấu hiệu này thường bao gồm:
- Bỉm của con khô lâu hơn.
- Khả năng tụt và kéo quần.
- Hào hứng với việc dùng nhà vệ sinh.
- Nói cho bạn khi con cần thay tã
- Thường xuyên sử dụng được nhà vệ sinh.
Một khi con bạn dường như đã sẵn sàng từ bỏ bỉm, hãy thay đổi cùng một lúc tất cả (cho những giờ bé thức). Trẻ sẽ thấy khó hiểu nếu bạn chuyển qua chuyển lại (chẳng hạn như đồ lót khi bạn ở nhà, bỉm khi bạn ra ngoài).
Hãy ở nhà trong vài ngày đầu nếu có thể (cuối tuần là thời điểm tuyệt vời) và nhắc nhở con sử dụng nhà vệ sinh mỗi 30-45 phút. Quần vải có thể rất hữu ích trong thời gian này - không giống như tã, chúng cho phép con bạn cảm thấy ẩm ướt, nhưng tránh gây ra mớ hỗn độn.
8. 'Quần của con ướt kìa. Đã đến lúc thay quần áo rồi!'
Ngay cả sau khi con bạn đã có thể mặc đồ lót, chúng chắc chắn sẽ không lúc nào cũng vào nhà vệ sinh đúng lúc. Cố gắng không tỏ vẻ khó chịu khi điều này xảy ra, chỉ cần quan sát những gì bạn thấy và nêu rõ những gì cần phải xảy ra. 'Mẹ thấy quần của con ướt rồi. Đã đến lúc sử dụng nhà vệ sinh và thay đồ rồi!'.
Cho trẻ tham gia vào quá trình dọn dẹp khi chúng không đi vệ sinh kịp thời, đưa cho con khăn tắm để lau khô sàn nhà và yêu cầu con chọn đồ lót mới để mặc.
Quá trình học đi vệ sinh có vẻ khó khăn, nhưng thực tế rằng bạn thực sự không thể kiểm soát được. Tất cả những gì bạn có thể làm là hướng dẫn con bằng cách khuyến khích sự độc lập, hãy thật kiên nhẫn và sử dụng ngôn ngữ để khiến việc này trở thành một trải nghiệm tích cực, ít áp lực cho con.
Nguồn: Mother
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!