Hội chứng ruột kích thích (IBS) ngày nay đã ảnh hưởng đến khoảng 6–18% dân số trên thế giới. Khi mắc bệnh này, những dấu hiệu hội chứng ruột kích thích như đau bụng dưới, rối loạn nhu động ruột luôn hoành hành người bệnh.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một dạng rối loạn chức năng tiêu hóa phổ biến ở nhiều người. Hiện nay cần phải làm nhiều xét nghiệm mới có thể chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, tuy nhiên, bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh để khám ngay khi cần thiết.
Dưới đây là 8 dấu hiệu dự báo hội chứng ruột kích thích mà bạn không nên chủ quan
1. Đau bụng
Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất và là yếu tố chính trong việc chẩn đoán hội chứng ruột kích thích. Thông thường, ruột và não làm việc cùng nhau để kiểm soát tiêu hóa. Điều này xảy ra thông qua các hormone, dây thần kinh và các tín hiệu do vi khuẩn tốt sống trong ruột của bạn phát ra.
Khi mắc hội chứng ruột kích thích, những dấu hiệu này có thể khiến cho các cơ trong đường tiêu hóa bị căng và đau. Những cơn đau này thường xảy ra ở bụng dưới hoặc toàn bộ vùng bụng, ít có khả năng đau ở vùng bụng trên.
Việc thực hiện chế độ ăn kiêng có thể cải thiện các cơn đau và các triệu chứng khác. Bạn có thể điều trị đau bụng do hội chứng ruột kích thích bằng các loại thuốc giãn cơ ruột như dầu bạc hà, liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp thôi miên. Nếu đã áp dụng những biện pháp này nhưng không có tác dụng, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên về dạ dày – ruột để được tư vấn và điều trị.
2. Tiêu chảy
Hội chứng ruột kích thích (IBS) có 4 nhóm chính:
- IBS tiêu chảy chiếm ưu thế
- IBS táo bón chiếm ưu thế
- IBS vừa tiêu chảy vừa táo bón
- IBS không tiêu chảy không táo bón.
Trong đó, nhóm 1 chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh hội chứng ruột kích thích.
Một nghiên cứu cho thấy những người bị IBS tiêu chảy chiếm ưu thế trung bình 1 tuần đi tiêu 12 lần – gấp 2 lần số người lớn không mắc hội chứng ruột kích thích.
Ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, việc vận chuyển thức ăn qua ruột diễn ra nhanh hơn có thể ngay lập tức thúc giục nhu động ruột. Điều này có thể gây căng thẳng nghiêm trọng và khiến bệnh nhân lo lắng về việc bị tiêu chảy đột ngột.
3. Táo bón
Một sự thật đáng ngạc nhiên là IBS táo bón chiếm ưu thế là loại phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần 50% số người mắc bệnh.
Sự thay đổi liên lạc giữa não và ruột có thể làm tăng hoặc chậm thời gian vận chuyển bình thường của phân. Khi thời gian vận chuyển chậm, ruột hấp thụ nhiều nước hơn từ phân, do đó khiến bạn khó đi tiêu.
Cùng với các phương pháp thông thường, tập thể dục, uống nhiều nước hơn, ăn chất xơ hòa tan và ít sử dụng thuốc nhuận tràng cũng có tác dụng điều trị hội chứng ruột kích thích.
4. Táo bón và tiêu chảy luân phiên
IBS vừa tiêu chảy vừa táo bón ảnh hưởng đến khoảng 20% bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích. Các dấu hiệu này liên quan đến chứng đau bụng kinh niên, tái phát thường xuyên.
Loại IBS này có khuynh hướng nghiêm trọng hơn những loại khác. Các triệu chứng của nhóm IBS này cũng khác nhau từ người này sang người khác. Do đó, tình trạng này đòi hỏi cần theo dõi và điều trị sát sao hơn.
5. Thay đổi nhu động ruột
Tình trạng phân di chuyển chậm trong ruột thường khiến phân bị khô cứng lại do ruột đã hấp thụ một phần nước, làm trầm trọng thêm các triệu chứng táo bón. Ngược lại, sự di chuyển nhanh của phân qua ruột sẽ khiến ruột ít hấp thụ nước và dẫn đến tình trạng phân lỏng, gây ra tiêu chảy.
Nếu bạn đi tiêu ra máu, máu lẫn trong phân, đó có thể là dấu hiệu của một căn bệnh khác nguy hiểm hơn. Máu trong phân có thể có màu đen hoặc đỏ. Khi đó, bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
6. Đầy hơi
Hội chứng ruột kích thích có thể dẫn đến sản xuất khí nhiều hơn trong ruột. Điều này có thể gây khiến bạn bị đầy hơi và khó chịu.
Trong một nghiên cứu gần đây, 83% bệnh nhân IBS nói rằng mình bị đầy hơi và đau bụng. Cả hai triệu chứng này đều phổ biến ở phụ nữ và trong nhóm IBS táo bón chiếm ưu thế hoặc các loại IBS vừa tiêu chảy vừa táo bón. Nếu bị đầy hơi do hội chứng ruột kích thích, bạn nên tránh sử dụng thực phẩm chứa lactose để giảm bớt cảm giác khó chịu.
7. Mệt mỏi và khó ngủ
Hơn một nửa số người bị hội chứng ruột kích thích cảm thấy mệt mỏi thường xuyên. Trong một nghiên cứu, có khoảng 160 người trưởng thành được chẩn đoán IBS cho rằng họ có khả năng chịu đựng áp lực thấp, cảm thấy yếu sức trong công việc, các hoạt động giải trí và tương tác xã hội.
Ngoài ra, bệnh IBS cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ như chứng mất ngủ, khó ngủ, thức giấc thường xuyên và cảm thấy không tỉnh táo vào buổi sáng. Điều đặc biệt là ngủ không đủ giấc có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng vào ngày hôm sau.
8. Lo lắng và trầm cảm
Lo lắng và trầm cảm cũng liên quan đến hội chứng ruột kích thích. Các nhà khoa học vẫn chưa làm rõ tác động của việc căng thẳng gây ra các triệu chứng của bệnh IBS.
Trong một nghiên cứu lớn trên 94.000 nam giới và phụ nữ, có đến 50% những người mắc IBS có nguy cơ rối loạn lo âu và trên 70% có nguy cơ rối loạn tâm trạng, như trầm cảm. Hơn nữa, một nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng liệu pháp giảm lo lắng có tác dụng kiểm soát các triệu chứng IBS.
Nhìn chung, các dấu hiệu hội chứng ruột kích thích xuất hiện khá rõ ràng. Căn bệnh này là nỗi ám ảnh đối với nhiều người, do đó bạn nên cẩn trọng và đi khám bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu trên.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Những điều bạn cần biết về bệnh viêm ruột thừa (Phần 1)
- Những điều cần biết về hội chứng ruột kích thích
- Tìm hiểu hội chứng ruột kích thích ở trẻ em
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!