9 điều bạn nên biết về bệnh mụn cóc sinh dục

Sức Khỏe Giới Tính - 11/24/2024

Bạn cảm thấy xấu hổ nên dù bị bệnh mụn cóc sinh dục cũng không đi khám? Biến chứng của loại mụn cóc này có thể đưa bạn đến căn bệnh ung thư nguy hiểm đấy!

Bạn cảm thấy xấu hổ nên dù bị bệnh mụn cóc sinh dục cũng không đi khám? Biến chứng của loại mụn cóc này có thể đưa bạn đến căn bệnh ung thư nguy hiểm đấy!

Mụn cóc sinh dục là một khối u mềm phát triển ở vùng sinh dục và là một bệnh lây lan qua đường tình dục gây ra bởi virus HPV. Mụn cóc gây đau, khó chịu và ngứa ngáy tại bộ phận sinh dục, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ vì một vài chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung và âm hộ.

HPV là một loại virus gây bệnh đường sinh dục thường gặp nhất, gây ra nhiều biến chứng trên cả hai giới, điển hình là mụn cóc sinh dục. Thực tế có khoảng 360,000 người phát triển mụn cóc này mỗi năm. Phòng ngừa và điều trị là hai yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa sự gây bệnh của virus này.

1. Triệu chứng của mụn cóc sinh dục

Mụn cóc sinh dục lây lan qua quan hệ tình dục và bạn có thể bị mụn cóc sau vài tuần nhiễm virus HPV.

Mụn cóc không phải lúc nào cũng quan sát được bằng mắt thường vì một số mụn thường rất nhỏ, có màu sắc tương tự như màu da hoặc sẫm màu hơn một ít. Bề mặt của mụn cóc có thể tương tự như bông cải, khi sờ bạn có thể cảm thấy nhẵn nhụi hay gồ ghề. Người nhiễm bệnh có thể có một hoặc rất nhiều mụn cóc mọc thành cụm.

Mụn cóc sinh dục có thể phát triển ở dương vật, bìu, bẹn, đùi, trong hay xung quanh hậu môn trên nam giới. Bên cạnh đó, trên nữ giới mụn cóc có thể phát triển ở trong âm đạo hay hậu môn, ngoài âm đạo hay hậu môn, cổ tử cung. Hơn nữa, mụn cóc có thể phát triển ở trên môi, miệng, lưỡi hay cổ họng trên người quan hệ tình dục bằng miệng với người nhiễm virus.

Mụn cóc có thể gây nhiều triệu chứng dù bạn không nhận thấy được mụn này trên cơ thể như tiết dịch âm đạo, ngứa, chảy máu, bỏng rát ở vùng sinh dục. Nếu mụn cóc lây lan hay phát triển lớn hơn, bạn có thể cảm thấy khó chịu và đau đớn nhiều hơn.

2. Nguyên nhân của mụn cóc sinh dục

9 điều bạn nên biết về bệnh mụn cóc sinh dục

Đa số mụn cóc là do virus HPV gây ra và có hơn 70 chủng virus này có thể gây bệnh. HPV là virus lây lan nhanh qua tiếp xúc da, chính vì thế rất dễ lây qua quan hệ tình dục.

Các chủng virus HPV khác nhau có thể gây ra mụn cóc ở nhiều nơi trên cơ thể như tay, mặt. Tuy nhiên bạn không thể lây mụn cóc từ tay sang cơ quan sinh dục hay những bộ phận khác xung quanh.

3. Yếu tố nguy cơ của mục cóc sinh dục

Bất cứ ai đang quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV. Theo ADA, Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ, có khoảng 50% số người quan hệ tình dục sẽ mắc các bệnh do HPV gây ra. Tuy nhiên, mụn cóc sinh dục sẽ dễ phát triển hơn trên những người sau:

  • Dưới 30 tuổi
  • Hút thuốc lá
  • Suy giảm miễn dịch
  • Từng bị lạm dụng tình dục trẻ em
  • Người mẹ đã bị nhiễm virus khi sinh con

4. Biến chứng của mụn cóc sinh dục

HPV là nguyên nhân chính gây ung thư ở cổ tử cung và có thể gây những biến đổi tiền ung thư ở các tế bào cổ tử cung như loạn sản.

Một số chủng virus HPV có thể gây ung thư âm hộ, dương vật hay hậu môn.

5. Chẩn đoán về mụn cóc sinh dục

9 điều bạn nên biết về bệnh mụn cóc sinh dục

Bác sĩ sẽ thăm khám kỹ càng những nơi mà mụn cóc có thể phát triển trên cơ thể bạn. Vì một số mụn cóc có thể mọc ở bên trong cơ thể phụ nữ nên bác sĩ cần phải khám trong âm đạo để xác định. Họ có thể cần đến dung dịch acid để giúp mụn cóc dễ quan sát hơn khi thăm khám.

Các bác sĩ còn thực hiện xét nghiệm Pap Smear tức xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, bằng cách dùng tăm bông lấy một ít tế bào từ cổ tử cung. Các mẫu tế bào này sẽ được kiểm tra xem liệu có sự hiện diện của HPV hay không.

Một số chủng HPV có thể dẫn đến kết quả bất thường trên Pap Smear, là biểu hiện của tiền ung thư. Nếu bạn có sự bất thường trên thì bạn cần thực hiện xét nghiệm này thường xuyên hơn để theo dõi những thay đổi của tế bào và có sự can thiệp sớm.

Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về tình trạng sức khỏe cũng như thói quen quan hệ tình dục trong quá khứ và một số vấn đề tế nhị nhưng cần thiết để chẩn đoán bệnh như bạn có quan hệ tình dục không an toàn hoặc có quan hệ bằng miệng hay không.

Nếu bạn đã bị nhiễm HPV, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm DNA để xác định chủng virus HPV mà bạn mắc phải để biết liệu chủng này có gây ung thư cổ tử cung hay không.

6. Điều trị mụn cóc sinh dục đúng cách

9 điều bạn nên biết về bệnh mụn cóc sinh dục

Điều trị có thể khiến mụn cóc sinh dục biến mất nhưng virus không thể hoàn toàn bị loại bỏ khi đã nhiễm vào máu của bạn. Có nghĩa là bạn vẫn có thể tái phát mụn cóc vào lúc nào đó sau này.

Vì thế bạn cần nắm rõ triệu chứng của mụn cóc để bảo vệ cho người khác không bị lây nhiễm. Tuy nhiên mụn cóc vẫn có thể truyền sang người khác cho dù bạn không phát hiện hay không có triệu chứng gì.

Các bác sĩ sẽ điều trị mụn cóc để giúp bạn giảm đau và khiến mụn biến mất. Lưu ý là bạn không thể tự ý điều trị mụn cóc mà không có hướng dẫn của bác sĩ nhé.

Một số thuốc bác sĩ có thể kê cho bạn như:

  • Imiquimod (Aldara)
  • Podophyllin và Podofilox (Condylox)
  • Trichloroacetic Acid (TCA)

Nếu mụn cóc không biến mất theo thời gian, bạn sẽ cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ mụn này. Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật thông qua các phương pháp như:

  • Đốt điện
  • Phẫu thuật lạnh
  • Cắt bỏ
  • Interferon tiêm tĩnh mạch

Phụ nữ đã được chẩn đoán nhiễm mụn cóc sinh dục có thể cần thực hiện Pap smear mỗi 3 đến 6 tháng sau lần điều trị đầu tiên để theo dõi sự biến đổi tế bào ở cổ tử cung. Một số chủng HPV gây mụn cóc sinh dục có liên quan đến các biến đổi tiền ung thư và ung thư cổ tử cung.

7. Tự điều trị mụn cóc sinh dục không an toàn

Bạn không nên tự dùng thuốc điều trị mụn cóc ở tay cho các mụn cóc sinh dục. Tay và bộ phận sinh dục là do các chủng HPV khác nhau gây ra. Điều trị sai phương pháp có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn cho bạn.

Một số thuốc được quảng cáo là có hiệu quả trong điều trị mụn cóc sinh dục, nhưng lại có ít bằng chứng nghiên cứu về hiệu quả thực sự của các loại thuốc ấy. Bạn nên khám và điều trị theo đơn của bác sĩ sẽ tốt hơn.

8. Dự đoán của bác sĩ về mụn cóc sinh dục

Mụn cóc sinh dục là triệu chứng thường gặp của nhiễm virus HPV, có thể khiến bạn đau đớn và khó chịu. Các mụn này có thể tự biến mất qua thời gian nhưng điều trị là cần thiết để ngăn ngừa tái phát và những biến chứng có thể xảy ra.

Bạn có thể thấy khó khăn khi phải nói với bạn tình của mình về bệnh này, nhưng đây là điều cần thiết để bạn có thể bảo vệ bạn tình của mình khỏi nhiễm HPV, cũng như mụn cóc sinh dục.

9. Phòng ngừa mắc bệnh mụn cóc sinh dục

9 điều bạn nên biết về bệnh mụn cóc sinh dục

Vắc xin phòng ngừa HPV có tên là Gardasil có thể ngăn ngừa một số chủng virus HPV gây mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung.

Vắc xin có tên Cervarix cũng có thể bảo vệ bạn khỏi các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung nhưng không chống lại các chủng gây mụn cóc sinh dục.

Nam và nữ đến 26 tuổi có thể tiêm vắc xin HPV. Bạn cũng có thể tiêm vắc xin lúc 9 tuổi và chia thành 3 đợt tiêm. Những vắc xin này nên được tiêm trước khi có quan hệ tình dục vì lúc này hiệu quả ngăn ngừa là tốt nhất trước khi bạn thực sự phơi nhiễm với HPV.

Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục cũng giảm nguy cơ lây mụn cóc sinh dục này, không chỉ bảo vệ bản thân mà còn cho bạn tình của bạn.

Mụn cóc sinh dục nếu không khám bác sĩ và tự điều trị có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, thậm chí có thể dẫn đến ung thư nếu bạn không điều trị thích hợp. Vì thế, bạn nên quan hệ tình dục an toàn, tiêm vắc xin trước khi quan hệ và khám bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng trên nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Những điều cần biết về các loại mụn cóc
  • Bạn biết gì về mụn cóc sinh dục?
  • Sinh thiết mụn cóc sinh dục

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!