Ám ảnh về giới tính thai nhi của chính người đi siêu âm gây khó khăn cho thực thi nghiêm cấm lựa chọn giới tính

Thời sự - 04/28/2024

Ngoài khó khăn trong việc giám sát việc thực thi quy định 'nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi', theo PGS Cường, khó khăn cũng đến từ chính nhu cầu của người đi siêu âm. Họ bị ám ảnh bởi những quan niệm về giới tính.

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Pháp lệnh Dân số năm 2003 và Nghị định số 104/2003/NĐ-CP đã nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP thậm chí còn đưa ra các quy định chi tiết về các hình thức xử lý cho việc lựa chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Mới đây, khi chia sẻ khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi ở nước ta hiện nay, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - cho rằng, khó khăn nhất không phải là vấn đề về pháp luật. Bởi pháp luật đã có những hành lang pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, việc giám sát, đặc biệt giám sát trong hệ thống y tế tư nhân, các phòng mạch thì việc giám sát rất khó.

Ám ảnh về giới tính thai nhi của chính người đi siêu âm gây khó khăn cho thực thi nghiêm cấm lựa chọn giới tính

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra phòng khám phụ sản tại thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: TL

Ông Cường thừa nhận hiện nay vẫn còn tình trạng tiết lộ giới tính thai nhi ở các cơ sở siêu âm, chuyên sản, phụ khoa. Đối với các bệnh viện chuyên khoa hay các bệnh viện công lập như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nơi BS Cường đang là Giám đốc, việc này được thực hiện rất nghiêm túc và nghiêm khắc.

'Đã có một số trường hợp bị xử lý khi vi phạm quy chế này' - PGS.TS Trần Danh Cường cho hay. Ông cũng cho biết, một số các phòng mạch, để câu khách, họ đã quảng cáo về việc siêu âm giới tính. 'Thực sự đây là một hành vi vi phạm cần xử lý' - ông nói.

Ám ảnh về giới tính thai nhi của chính người đi siêu âm gây khó khăn cho thực thi nghiêm cấm lựa chọn giới tính

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, siêu âm sàng lọc trước sinh cho thai phụ.

'Nói về tình cảm, ngay từ khi hình thành, thai nhi đã có quyền được giữ bí mật. Do vậy, đối với cá nhân tôi, tôi chưa bao giờ tham gia vào việc tiết lộ giới tính. Đó là nguyên tắc trong công việc của tôi cũng như là việc tôn trọng quyền của chính thai nhi đang hình thành' - vị Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định.

Ngoài khó khăn trong việc giám sát việc thực thi quy định 'nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi', theo PGS Cường, khó khăn cũng đến từ chính nhu cầu của người đi siêu âm. 'Họ bị ám ảnh bởi những quan niệm về giới tính' - ông nói.

Do vậy, theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, việc thực hiện chính sách hay cam kết vẫn khó để triệt để. Cốt yếu là trong xã hội chúng ta vẫn chưa xóa được quan niệm về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Hay nói cách khác nhiều người vẫn nghĩ gia đình không có đàn ông như không có trụ cột, 'trọng nam khinh nữ'...

'Chính cái đó mới là điều quan trọng nhất ảnh hưởng tới việc lựa chọn giới tính thai nhi. Chưa kể bây giờ khoa học, công nghệ rất phát triển để có thể xác định sớm giới tính thai nhi. Nên việc này vẫn vô cùng khó khăn' - ông bày tỏ quan điểm.

Ám ảnh về giới tính thai nhi của chính người đi siêu âm gây khó khăn cho thực thi nghiêm cấm lựa chọn giới tính

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc

Đồng tình quan điểm này, bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, cho rằng bất bình đẳng giới, tư tưởng 'trọng nam khinh nữ' là nguyên nhân gốc rễ của mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Điều này cũng có thể thấy ở nhiều quốc gia Á châu khác.

'Mọi người ưa thích con trai hơn con gái vì nhiều lý do khác nhau. Ví dụ, có con trai để có người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, có thêm lực lượng lao động trong gia đình, đặc biệt ở những vùng yêu cầu công việc nặng nhọc như ở vùng biển, vùng mỏ than... Đặc biệt nữa là cần có con trai để chăm sóc cha mẹ khi về già' - bà Quỳnh Anh phân tích.

Bà cho biết thêm, với văn hóa Việt Nam, sau khi kết hôn người phụ nữ thường chuyển về sống ở gia đình nhà chồng hoặc 'ra riêng', không có điều kiện chăm sóc chính cha mẹ đẻ mình. Bên cạnh đó chính sách chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam chưa được đầy đủ và hiệu quả...

Quy mô gia đình nhỏ, vì mỗi gia đình chỉ có hai con trong bối cảnh ưa thích con trai cho nên các cặp vợ chồng thường phải cố gắng sinh ít nhất một đứa con trai.

'Điều này đặc biệt rõ ở Việt Nam khi mất cân bằng GTKS cao ngay ở lần sinh đầu tiên mà chúng tôi thường gọi 'quy luật dừng'. Tức là khi đã sinh được con trai rồi thì các cặp vợ chồng không sinh con nữa' - bà Quỳnh Anh chia sẻ.

Những nguyên nhân này 'quy tụ', khiến tâm lý ưa thích con trai là rào cản trong việc giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh ở đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam.

'Bệnh viện Phụ sản Trung ương là bệnh viện tuyến cuối. Chúng tôi có các chuyên ngành sâu về sản, có rất nhiều người được đào tạo chuyên khoa ở trong nước cũng như nước ngoài. Nhưng bên cạnh đẩy mạnh chuyên môn, bệnh viện chúng tôi có quy định CẤM THÔNG BÁO GIỚI TÍNH bằng mọi hình thức. Và đây cũng được coi là một quy chế chuyên môn, nếu như người nào vi phạm sẽ bị phê bình, kỷ luật.... tùy theo mức độ'.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!